Ngành Xây dựng chủ động, sáng tạo, tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước

Ngành Xây dựng chủ động, sáng tạo, tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị tại buổi gặp mặt cán bộ nguyên lãnh đạo Bộ Xây dựng qua các thời kỳ, nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Xây dựng (29/4/1958 – 29/4/2023) chiều 14/4, tại Hà Nội.

Tham dự buổi gặp mặt có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng; các đồng chí nguyên Bộ trưởng, nguyên Thứ trưởng và nguyên lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng qua các thời kỳ;…

Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã ôn lại những chặng đường phát triển của ngành Xây dựng.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, cách đây 65 năm, ngày 29/4/1958, Bộ Kiến trúc (nay là Bộ Xây dựng) được thành lập theo Nghị quyết của Quốc hội khóa I, kỳ họp thứ 8. Đây là một dấu mốc lịch sử, kể từ đây, ngành Xây dựng chính thức được hình thành với tư cách là một ngành kinh tế quốc dân độc lập và ngày 29/4/1958 đã trở thành ngày truyền thống của ngành Xây dựng Việt Nam.

Trong 65 năm qua, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Xây dựng đã liên tục, bền bỉ phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao phó trong từng giai đoạn lịch sử của đất nước.

Trong giai đoạn 1945 đến 1975, cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và thống nhất đất nước, ngành Xây dựng đã tích cực tham gia xây dựng các công trình chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại các vùng chiến khu, khu căn cứ và vùng tự do như trụ sở, nhà làm việc, hội trường, kho tàng, công xưởng, bệnh xá, trường học…

Ngành Xây dựng chủ động, sáng tạo, tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại buổi gặp mặt.

Sau ngày thành lập Bộ, hàng loạt các sở, ty, công ty, xí nghiệp, công trường xây dựng đã được thành lập ở các địa phương và tập trung mở rộng, nâng cao năng lực quản lý và sản xuất. Đây cũng là giai đoạn hình thành bước đầu các cơ chế quản lý về xây dựng.

Trong giai đoạn sau ngày thống nhất đất nước đến trước thời kỳ Đổi mới (1975 – 1985), đất nước ta bước vào thời kỳ mới: cả nước xây dựng, đi lên CNXH, ngành Xây dựng tập trung toàn lực khôi phục kinh tế và xây dựng cơ sở vật chất, hoàn thành rất nhiều công trình lớn phục vụ tích cực cho sự nghiệp xây dựng CNXH.

Đặc biệt là Nhà máy thủy điện Hòa Bình, công trình ghi dấu của hơn 30 nghìn cán bộ, công nhân viên xây dựng cùng hơn 800 chuyên gia Liên Xô ngày đêm lao động để chinh phục thành công con sông Đà hung dữ, phục vụ cho phát triển đất nước.

Giai đoạn này, ngành Xây dựng cũng đã tổ chức nghiên cứu, tập trung xây dựng cơ chế quản lý xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về xây dựng một cách có hệ thống.

Trong thời kỳ Đổi mới từ 1986 đến nay, quán triệt, thấm nhuần và thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương đổi mới của Đảng, ngành Xây dựng đã có những chuyển biến, đổi mới cực kỳ quan trọng cả về nhận thức, tư duy và hành động, từ đó đã đạt được những kết quả rất nổi bật.

Cụ thể, lực lượng lao động ngành Xây dựng được rèn luyện, thử thách, tăng cường cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng đất nước qua từng thời kỳ.

Ngành Xây dựng chủ động, sáng tạo, tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước
Các đại biểu tham dự gặp mặt cùng theo dõi phim tư liệu về truyền thống của ngành Xây dựng.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, những thành tựu mà ngành Xây dựng đạt được trong 65 năm qua là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm sâu sắc của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cùng sự phối hợp, cộng tác, giúp đỡ thường xuyên, chặt chẽ, có hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Bộ, ban ngành, cơ quan, đoàn thể ở Trung ương; sự ủng hộ, sẻ chia khó khăn của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân ở các địa phương…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, tính đến năm 2021, toàn ngành đã có khoảng 120 nghìn doanh nghiệp xây dựng với khoảng 4,6 triệu lao động (chiếm 8,8% lao động cả nước). Cùng đó, bộ máy tổ chức của Ngành, Bộ Xây dựng đã được củng cố kiện toàn, cơ bản ổn định.

Đồng thời, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật liên quan ngành Xây dựng được coi trọng, tạo được những chuyển biến mạnh mẽ, đổi mới về tư duy, cơ bản đáp ứng được yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế và thực tiễn của đất nước trong từng giai đoạn phát triển.

Bên cạnh đó, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước được nâng lên trên tất cả các lĩnh vực như: Quy hoạch – kiến trúc; hoạt động xây dựng; phát triển đô thị và hạ tầng; thị trường bất động sản và nhà ở; vật liệu xây dựng…

Mặt khác, năng lực xây dựng có bước phát triển đột phá. Các lực lượng xây dựng Việt Nam đã từng bước nghiên cứu, ứng dụng và làm chủ công nghệ – kỹ thuật.

Đến thời điểm hiện tại, ngành Xây dựng Việt Nam đủ khả năng quản lý, thiết kế, thi công xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực dân dụng, công nghiệp, hạ tầng với quy mô rất lớn và yêu cầu kỹ thuật rất cao.

Đặc biệt, quan hệ đối ngoại của Ngành ngày càng được mở rộng, đóng góp tích cực vào hội nhập quốc tế của đất nước.

Nhân gặp mặt 65 năm Ngày truyền thống ngành Xây dựng, thay mặt Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã gửi lời cảm ơn, tri ân sâu sắc tới các thế hệ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động của Ngành qua các thời kỳ đã vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, vun đắp lên truyền thống vẻ vang của Ngành.

Ngành Xây dựng chủ động, sáng tạo, tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước
Nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân phát biểu tại buổi gặp mặt.

Tự hào với chặng đường 65 năm xây dựng và trưởng thành, tự hào về truyền thống và những thành quả các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Xây dựng đã gây dựng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, ngành Xây dựng sẽ tiếp tục bền bỉ nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi thách thức khó khăn, đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong thời gian tới, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.

Chia sẻ tại buổi gặp mặt nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Xây dựng, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân khẳng định, những đóng góp của ngành Xây dựng thông qua những công trình nhà ở, đô thị, sân bay, bến cảng, hạ tầng… rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Qua đó, cho thấy sự phát triển, trưởng thành ngành Xây dựng.

Cùng ôn lại truyền thống của ngành Xây dựng trong chặng đường đã qua, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân kỳ vọng, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, ngành Xây dựng sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích