Ngành Xây dựng 6 tháng đầu năm 2024: Tốc độ tăng trưởng cao, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn
(Xây dựng) – Ngày 10/7, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã chủ trì Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2024 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Bộ Xây dựng.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. |
Tốc độ tăng trưởng của ngành Xây dựng cao nhất giai đoạn 2020 – 2024
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, Bộ Xây dựng đã có Quyết định số 60/QĐ-BXD ngày 25/01/2024 ban hành Chương trình hành động để triển khai với 10 nhiệm vụ, giải pháp, 7 chỉ tiêu theo các chỉ tiêu Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng chủ trì và các chỉ tiêu chung của Chính phủ; 17 nhiệm vụ cụ thể thuộc tất cả các lĩnh vực quản lý của Bộ, trong đó phân công rõ đơn vị chủ trì, tiến độ, thời gian hoàn thành.
Kết quả đến hết tháng 6/2024, Bộ Xây dựng đã hoàn thành 40 nhiệm vụ trong tổng số 112 nhiệm vụ được giao.
Trong đó, công tác hoàn thiện thể chế được quan tâm đặc biệt. Quốc hội đã cho ý kiến đối với Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 đối với 2 Luật Cấp, thoát nước và Luật Quản lý phát triển đô thị, đồng thời thông qua Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở có hiệu lực sớm từ ngày 01/08/2024. Ngoài ra, Bộ Xây dựng còn trình Chính phủ 5 Nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…
Mặt khác, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, doanh nghiệp. Nhờ đó, thị trường bất động sản đã có những chuyển biến tích cực, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
Cũng trong thời gian qua, Bộ đã đề xuất nhiều giải pháp để nỗ lực đẩy mạnh Đề án đầu tư ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030, trong đó tham mưu Lãnh đạo Chính phủ tổ chức nhiều hội nghị, cuộc họp để chỉ đạo triển khai, giải quyết khó khăn vướng mắc, giao chỉ tiêu cho từng địa phương thực hiện.
6 tháng đầu năm 2024, Bộ Xây dựng cũng tích cực phối hợp với các Bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn cho công trình trọng điểm quốc gia, tình trạng thiếu hụt vật liệu xây dựng, kiểm soát chất lượng công trình xây dựng, xử lý các vấn đề về phòng cháy chữa cháy.
Chưa kể, Bộ còn tập trung triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW, đẩy nhanh công tác thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch, tổ chức thẩm định phân loại đô thị và sắp xếp các đơn vị hành chính, tăng cường quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đề nghị các địa phương tích cực triển khai thực hiện các quy hoạch hơn nữa. |
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã chủ trì Đoàn công tác 2 lần làm việc trực tiếp với 3 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương và Tiền Giang về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng, hạ tầng, nhà ở và xuất nhập khẩu trên địa bàn. Đến nay, cơ bản các kiến nghị của địa phương đã được các Bộ, ngành trả lời.
Về tình hình thực hiện một số chỉ tiêu kế hoạch, tốc độ tăng trưởng của ngành Xây dựng 6 tháng đầu năm 2024 tăng 7,34%. Đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2020 – 2024. Tốc độ tăng trưởng của hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 2,45% so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước ước đạt trên 43,1%. Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung ước đạt 92,9%.
Tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch khoảng 16,2%. Tỷ lệ tổng lượng nước thải được thu gom và xử lý khoảng 17%. Diện tích nhà ở bình quân đạt 26,3m2 sàn/người.
Giá trị sản xuất và tiêu thụ của một số vật liệu xây dựng có tín hiệu tích cực so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, sản xuất xi măng đạt 42 triệu tấn, tăng 9% so với cùng kỳ và tiêu thụ dự kiến đạt 43,4 triệu tấn, giảm 2% so với cùng kỳ.
Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng Đậu Minh Thanh báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2024. |
Tuy nhiên, ngành Xây dựng vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ nền kinh tế thế giới, kinh tế trong nước nói chung và các vấn đề nội tại của ngành nói riêng.
Sự tăng trưởng của ngành Xây dựng còn phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi của thị trường bất động sản, tiến độ tháo gỡ vướng mắc, triển khai các dự án đầu tư công. Thị trường bất động sản tuy có nhiều tín hiệu tích cực nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Chỉ tiêu 130.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2024 khó hoàn thành. Hoạt động của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nhất là doanh nghiệp vật liệu xây dựng và bất động sản.
Việc đưa Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở có hiệu lực sớm tạo áp lực cao trong việc hoàn thành các văn bản hướng dẫn chi tiết đảm bảo chất lượng, tiến độ theo yêu cầu…
Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Hoàng Hải phát biểu tại Hội nghị. |
Tăng cường tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và địa phương
Trong phần tham luận, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội đã kiến nghị Bộ Xây dựng giúp đỡ Thành phố cụ thể hóa nội dung Luật Thủ đô liên quan đến công tác quản lý Nhà nước của Bộ; Cụ thể hóa Luật Quy hoạch quản lý đô thị và nông thôn; Hỗ trợ về sắp xếp đơn vị hành chính; Xem xét kiện toàn công tác cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư.
Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị, đề xuất Bộ Xây dựng xem xét giải quyết một số vấn đề trong cách lĩnh vực công viên cây xanh, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng đô thị và hạ tầng kỹ thuật chung.
Về Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư, Sở kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tháo gỡ vướng mắc trong việc triển khai thực hiện gói tín dụng theo báo cáo tại Công văn số 5563/UBND-ĐT ngày 09/11/2023 của UBND Thành phố.
Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét, hướng dẫn chỉ đạo đối với 4 nội dung. Một là cho ý kiến đối với điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hai là kiến nghị Bộ Xây dựng sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định trình tự, thủ tục phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị thành phố, điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng khu chức năng, nhằm đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thực hiện các quy hoạch trên địa bàn thành phố. Ba là kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính sớm tham mưu ban hành Nghị định về lĩnh vực thoát nước, cấp nước, điện chiếu sáng, nghĩa trang. Bốn là tháo gỡ các vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản.
Về khối doanh nghiệp, đại diện của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) cho biết, ngành Xi măng gặp nhiều khó khăn trong 6 tháng đầu năm và dự báo tình hình này sẽ còn tiếp diễn trong 6 tháng cuối năm 2024. Vì vậy, VICEM kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét phê duyệt phương án điều chỉnh và bổ sung vốn Điều lệ; Tiếp tục hỗ trợ xử lý tồn tại, vướng mắc các gói thầu của Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM.
Đại diện Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội phát biểu tại Hội nghị. |
Đại diện của Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị (HUD) kiến nghị Bộ Xây dựng có ý kiến với Thành phố Hà Nội thông qua thủ tục đầu tư 3 dự án nhà ở xã hội tại Mê Linh, Sơn Tây và Vân Canh; kiến nghị Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh tham mưu cho UBND Thành phố Hồ Chí Minh thông qua thủ tục của dự án nhà ở xã hội Hiệp Bình Phước.
Đại diện cho các Cục, Vụ của Bộ Xây dựng, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản đã báo cáo 2 nội dung về xây dựng, ban hành các Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Nhà ở và triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”.
Nhân dịp này, Cục trưởng Hoàng Hải đề nghị UBND và Sở Xây dựng địa phương tăng cường phối hợp với Bộ Xây dựng để phổ biến pháp luật về nhà ở; Đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội 5 năm và hàng năm của địa phương; Rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội…
Đại diện của VICEM phát biểu tại Hội nghị. |
Về phía Cục Quản lý hoạt động xây dựng đã chủ trì, tham mưu xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 15/2021 về quản lý dự án đầu tư xây dựng nhằm thể chế 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục đề xuất tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền, đảm bảo cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng nêu tại Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ; Sửa đổi các quy định không còn phù hợp với thực tiễn; Điều chỉnh bổ sung các quy định đảm bảo đồng bộ với các pháp luật mới ban hành.
Trong khi đó, Vụ Pháp chế đã báo cáo rõ hơn về công tác xây dựng pháp luật của Bộ trong 6 tháng đầu năm, đồng thời trả lời trả lời kiến nghị của Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội về cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng và kiến nghị của Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh về bố trí quỹ đất hoán đổi.
Quyết tâm cao hơn để kịp thời hoàn thành các nhiệm vụ được giao
Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đã tham gia ý kiến về xây dựng Nghị định về công viên cây xanh, xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, thực hiện Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn. Thứ trưởng đề nghị các địa phương tích cực triển khai thực hiện các quy hoạch, triển khai thực hiện Luật Kiến trúc và xây dựng quy chế quản lý kiến trúc…
Thứ trưởng Bùi Xuân Dũng đề nghị Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường hướng dẫn các địa phương về phòng cháy chữa cháy cho nhà ở riêng lẻ. Cục Giám định Nhà nước về công trình xây dựng tăng cường kiểm tra, giám sát và nghiệm thu các công trình. Cục Kinh tế xây dựng nghiên cứu ban hành Thông tư về định mức xây dựng, đặc biệt là định mức cho các công trình trọng điểm về giao thông.
Kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá ngành Xây dựng đã gặp nhiều khó khăn trong 6 tháng đầu năm 2024, đòi hỏi các đơn vị thuộc Bộ và các địa phương phải có quyết tâm cao hơn để kịp thời hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Mặc dù, ngành Xây dựng đã đạt được những kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm, nhưng Bộ trưởng vẫn yêu cầu các đơn vị chủ động, tích cực và khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm để hoàn thành mục tiêu đề ra trong 6 tháng cuối năm.
Hội nghị kết nối trực tuyến từ Bộ Xây dựng đến các Sở Xây dựng trên cả nước. |
Trong đó, Bộ trưởng đã nhấn mạnh nhiệm vụ tập trung xây dựng hoàn thiện thể chế pháp luật; tổ chức phổ biến, thi hành pháp luật. Các đơn vị cần bám sát Chương trình xây dựng pháp luật của Chính phủ; Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các đề án của Bộ Xây dựng năm 2024.
Trong 6 tháng cuối năm, Bộ Xây dựng sẽ ưu tiên hoàn thiện Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; soạn thảo Luật Quản lý phát triển đô thị, dự án Luật Cấp, thoát nước; các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023; hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050…
Các đơn vị thuộc Bộ cần phối hợp với các địa phương để tăng cường phổ biến pháp luật, đặc biệt là các văn bản quy phạm pháp luật mới; các quy chuẩn, tiêu chuẩn mới; hướng dẫn kỹ thuật, phương pháp xây dựng định mức…
Đối với công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc, Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị đôn đốc kiểm tra địa phương về các quy hoạch, rà soát quy hoạch để đảm bảo phủ kín quy hoạch; Thống nhất, đồng bộ giữa các cấp độ quy hoạch; xây dựng, ban hành quy chế quản lý kiến trúc; Đảm bảo công tác sắp xếp đơn vị hành chính…
Trong công tác quản lý phát triển đô thị, Bộ Xây dựng sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch thực hiện phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2024 – 2030.
Đối với công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị, Bộ trưởng đề nghị tập trung hoàn thiện Chính sách quản lý không gian ngầm đô thị và Chính sách quản lý hạ tầng kỹ thuật trong Luật Quản lý phát triển đô thị; Nghị định về cây xanh và công viên công cộng đô thị…
Về quản lý phát triển nhà ở và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng sẽ tập trung triển khai theo dõi việc thi hành các Nghị định, Quyết định, Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 sau khi các văn bản này được ban hành.
Ngoài ra, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cũng phải tập trung đôn đốc các địa phương triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”; Rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp…
Trong công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, Bộ trưởng nhấn mạnh nhiệm vụ tổ chức hướng dẫn, kiểm tra các địa phương về việc thực hiện pháp luật trong quản lý Nhà nước về hoạt động xây dựng, chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng theo kế hoạch; Kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, đảm bảo trật tự xây dựng; Chấn chỉnh trật tự xây dựng tại các địa phương…
Toàn cảnh Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2024 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Bộ Xây dựng. |
Về công tác quản lý vật liệu xây dựng, Bộ trưởng đề nghị tăng cường triển khai Kế hoạch thực hiện “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” và “Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050”; Tổ chức triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ “Về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng” sau khi được ban hành…
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục triển khai Kế hoạch cải cách hành chính năm 2024; Triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch chuyển đổi số của cơ quan Bộ Xây dựng năm 2024; Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân theo kế hoạch đề ra…
Để hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, Bộ Xây dựng có đề ra 4 giải pháp chủ yếu. Một là chủ động nghiên cứu, dự báo chính xác, kịp thời tình hình quốc tế, trong nước và ngành Xây dựng để đề xuất, tham mưu các nhiệm vụ, giải pháp nhanh, hiệu quả, cụ thể, phù hợp với quy định pháp luật và thực tiễn.
Hai là siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện.
Ba là nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy nguyên tắc tập trung dân chủ; chủ động, tăng cường phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước của Bộ.
Bốn là đổi mới cách thức và thường xuyên đi cơ sở, nắm bắt tình hình thực tiễn, kịp thời tháo gỡ và đề xuất tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của các địa phương.
Nguồn: Báo xây dựng