Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Tăng tốc, sáng tạo, về đích trong quý 4/2024

Theo ông Nguyễn Hữu Ngọc, Phó Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL, trong quý III năm 2024, ngành VHTTDL đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên nhiều phương diện. Bộ VHTTDL tiếp tục triển khai đồng bộ công tác tham mưu hoàn thiện thể chế trên hầu hết các lĩnh vực, kiên trì thực hiện phương châm quản lý Nhà nước thông qua công cụ pháp luật và bằng pháp luật.

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Tăng tốc, sáng tạo, về đích trong quý 4/2024
Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ VHTTDL Nguyễn Danh Hoàng Việt chủ trì buổi họp báo.

Trong lĩnh vực văn hóa, Bộ đã tập trung tổ chức các sự kiện có trọng tâm, trọng điểm, đổi mới phương thức và nâng cao chất lượng. Nhiều hoạt động văn hóa tiêu biểu đã được tổ chức như Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc tại Quảng Ngãi, Hội diễn tiếng hát hẹn hò 9 dòng sông lần thứ XIX tại Trà Vinh và nhiều chương trình tập huấn, hội nghị về văn hóa.

Về lĩnh vực thể thao, Bộ đã tập trung cho Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic Paris 2024 với 16 vận động viên tranh tài ở nhiều môn thể thao. Mặc dù không đạt được huy chương tại Olympic, Bộ đã chỉ đạo rút kinh nghiệm và xây dựng kế hoạch chuẩn bị cho ASIAD 20 năm 2026 và Olympic năm 2028. Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam đã giành được 1 Huy chương Đồng tại Paralympic Paris.

Trong lĩnh vực du lịch, theo thống kê, tổng lượng khách quốc tế trong 8 tháng ước đạt hơn 11,4 triệu lượt, tăng 45,8% so với cùng kỳ năm 2023. Khách du lịch nội địa ước đạt 89,5 triệu lượt. Tổng thu từ du lịch trong 8 tháng ước đạt 586,1 nghìn tỷ đồng. Bộ đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến du lịch trong và ngoài nước, đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.

Đại diện Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, mặc dù có ảnh hưởng từ cơn bão số 3, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, hoạt động du lịch đã nhanh chóng phục hồi. Với tốc độ tăng trưởng hiện tại, mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2024 là hoàn toàn khả thi.

Tại buổi họp báo, lãnh đạo các cơ quan quản lý Nhà nước của Bộ cũng đã giải đáp những vấn đề được báo giới quan tâm như chính sách đối với việc phong tặng nghệ nhân, số hóa dữ liệu lễ hội, xây dựng Nghị định văn học và khó khăn trong đấu thầu kịch bản phim.

Cụ thể, về lĩnh vực điện ảnh, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành đã làm rõ quy định về cấp phép phim Việt Nam tham dự các Liên hoan phim quốc tế và chia sẻ những khó khăn trong việc đấu thầu phim Nhà nước đặt hàng. Ông nhấn mạnh rằng điện ảnh là lĩnh vực đặc thù, việc đấu thầu còn nhiều bất cập, đặc biệt khi các yếu tố về kịch bản và đơn vị sản xuất luôn gắn liền với nhau.

Liên quan đến vấn đề quản lý hành vi quảng cáo của nghệ sĩ và người nổi tiếng, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương cho biết dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã bổ sung các quy định về yêu cầu nội dung quảng cáo phải đảm bảo tính trung thực, chính xác đối với các sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người.

Kết thúc buổi họp báo, Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL Nguyễn Danh Hoàng Việt nhấn mạnh phương châm “Tăng tốc, sáng tạo, về đích” của ngành VHTTDL trong những tháng cuối năm, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của báo chí và truyền thông trong hành trình phát triển của ngành.

Phương Bùi

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích