Ngành thực phẩm trước xu hướng sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính

Ảnh minh họa.

Sản xuất thực phẩm là một trong những ngành tạo ra lượng lớn khí thải nhà kính, chủ yếu từ các hoạt động nông nghiệp, chăn nuôi, chế biến và vận chuyển. Chăn nuôi, đặc biệt là gia súc, tạo ra khí metan, có khả năng gây hiệu ứng nhà kính mạnh hơn 25 lần so với CO₂. Cây lúa nước cũng là một trong những nguồn phát thải metan lớn. Quá trình chế biến, bảo quản và vận chuyển thực phẩm cũng góp phần không nhỏ vào lượng khí thải này.

Điều đáng chú ý là chính ngành thực phẩm, ngành sản xuất ra lượng lớn khí thải, lại đang chịu tác động trực tiếp từ biến đổi khí hậu. Các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như hạn hán, lũ lụt và sự biến đổi bất thường của mùa vụ đang đe dọa năng suất và an ninh lương thực toàn cầu. Điều này tạo nên nhu cầu cấp thiết để ngành thực phẩm phải chuyển mình, giảm thiểu phát thải và hướng tới các phương pháp sản xuất bền vững.

Ông Nguyễn Võ Trường An – Phó Tổng Giám đốc Sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN (CCTPA), nhận định: “Ngành thực phẩm cần nhanh chóng đổi mới công nghệ, áp dụng các phương pháp sản xuất bền vững như nông nghiệp thông minh, sử dụng năng lượng tái tạo và giảm thiểu phát thải khí nhà kính”.

Các doanh nghiệp trong ngành đã nhận ra sự cần thiết của việc thay đổi. Điển hình, Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Bảo chú trọng vào sản xuất hạt điều bằng việc ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến và sử dụng năng lượng mặt trời trong toàn bộ quy trình sản xuất.

Ông Trần Văn Sơn – Tổng Giám đốc Tập đoàn Gia Bảo, cho rằng sản xuất xanh giúp giảm phát thải và là lợi thế cạnh tranh khi thị trường quốc tế ngày càng ưu tiên sản phẩm thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, mọi hoạt động sản xuất, chế biến công ty sẽ sử dụng tối đa nguồn năng lượng sạch, từ sản xuất đến điện chiếu sáng đều dùng điện năng lượng mặt trời.

Tương tự, Công ty CP Chế biến Thực phẩm Kaizen áp dụng nguyên tắc Kaizen và 5S, giúp quy trình sản xuất trở nên hiệu quả, tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu lãng phí. Theo đó, quy trình sản xuất sản phẩm từ nha đam của công ty với hơn 10 công đoạn từ rửa lá, gọt vỏ, cắt hạt lựu, đến xử lý nhớt nhựa, nấu chín, chiết syrup, thanh trùng và đóng gói, mỗi công đoạn đều có sự hỗ trợ từ một đến vài thiết bị máy móc. Các sản phẩm của Kaizen Foods đạt các tiêu chuẩn chất lượng cao như ISO 2000, ISO 2018 và tiêu chuẩn cơ sở.

Ông Võ Trần Ngọc Toàn – Giám đốc công ty, cho biết công ty đang đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học và công nghệ hoàn thiện quy trình sản xuất nước ép nha đam, đồng thời hướng tới việc xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho kiểu chai đặc trưng. Đây là bước đi chiến lược, giúp công ty đa dạng hóa sản phẩm và bảo vệ tài sản trí tuệ trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Không chỉ trong lĩnh vực nông sản, ngành thủy sản và chế biến thực phẩm cũng đang đẩy mạnh việc “xanh hóa” quy trình sản xuất. Tại Cà Mau, ngành chế biến tôm đã đạt được những bước tiến vượt bậc trong việc đổi mới công nghệ, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Ông Lê Văn Quang – Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú, chia sẻ rằng để có chỗ đứng trên thị trường toàn cầu trong suốt thời gian dài, nhiều năm liên tục, tập đoàn không ngừng nỗ lực để đạt được các chứng nhận xanh, như: EU Organic; Canada Organic; selva shrimp, mangroves shrimp và seafood watch green…

Tại Long An, Công ty Cổ phần Thực phẩm HG đã đầu tư mạnh vào công nghệ chế biến trái cây sấy giòn không dầu, tăng giá trị xuất khẩu sản phẩm lên 200% so với trái cây tươi. Điều này không chỉ mang lại lợi nhuận mà còn giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường ra các quốc gia như Mỹ và châu Âu.

Còn tại Cần Thơ, Công ty cổ phần Chế biến Thực phẩm Xuất khẩu Miền Tây (Westfood) đã đầu tư vùng nguyên liệu sản xuất với 140 ha dứa MD2 tại Hậu Giang, trong đó, có 30% đạt chứng chỉ GlobalGAP. Theo kế hoạch, đến năm 2030, công ty xây dựng vùng nguyên liệu quy mô 1.000 ha, 50% đạt chuẩn GlobalGAP.

Theo bà Thái Lê Bảo Ngân –  Giám đốc Chuỗi cung ứng và Đồng sáng lập Công ty Cổ phần Leanwares, để ngành thực phẩm thực sự “xanh”, toàn bộ chuỗi cung ứng phải thay đổi, từ nhà cung cấp đến nhà máy và khách hàng. Bà Ngân nhấn mạnh sự cần thiết của việc số hóa và thông minh hóa nhà máy, giúp kiểm soát và giảm phát thải khí nhà kính hiệu quả hơn so với các quy trình sản xuất truyền thống.

Ngành thực phẩm toàn cầu đang đứng trước thách thức lớn về việc cân bằng giữa nhu cầu phát triển và trách nhiệm bảo vệ môi trường. Những cải tiến công nghệ và nỗ lực giảm phát thải đang mở ra hướng đi mới cho ngành, giúp các doanh nghiệp không chỉ tồn tại mà còn phát triển bền vững trong tương lai.

Duy Trinh (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích