Ngành thép Việt hưởng lợi gì từ các yếu tố khách quan trong năm 2022?

Tại báo cáo chiến lược năm 2022, nhóm nghiên cứu CTCP Chứng khoán MB (MBS) nhận định, 2021 là một năm có nhiều biến động đối với ngành vật liệu xây dựng thế giới, đặc biệt là thép.

Đối với Trung Quốc, sau đà tăng mạnh giá thép từ đầu năm do giá nguyên vật liệu thô đầu vào cũng như giá cước vận tải biển tăng mạnh thì những tháng cuối năm giá thép tại quốc gia này lại suy giảm và chưa có dấu hiệu tăng trở lại. Nhiều dự đoán cho rằng lượng cung thép có thể vượt quá nguồn cầu, điều này do tình hình doanh số bán nhà và mua đất trong năm 2021 có dấu hiệu suy giảm và sự kiện vỡ nợ từ Evergrande dẫn đến thị trường bất động sản và xây dựng trong quý I/2022 có thể không được khả quan.

Tại thị trường EU, thép đang có mức giá cao hơn trung bình thế giới đến từ các hạn mức quota với các sản phẩm thép nhập khẩu. Tuy nhiên, EU sẽ có cơ hội tăng sản lượng bán thép thanh sang thị trường Hoa Kỳ sau khi thỏa thuận mới được thực hiện vào đầu tháng 11/2021. Tương tự, giá thép tại thị trường Mỹ cao hơn mức trung bình thế giới đến từ mức thuế suất 25% đối với các sản phẩm thép nhập khẩu dù quốc gia này nhập ròng thép lớn nhất thế giới.

Có thể thấy, giá thép tại các thị trường hiện nay chịu ảnh hưởng nhiều bởi công nghệ sản xuất và giá cước vận chuyển nguyên vật liệu tăng cao. Trong khi đó, giá thép Việt Nam đang giữ vững ở mức 16.000 – 16.500 VND/kg do cạnh tranh thị phần giữa các doanh nghiệp trong nước.

Giá thép tại các thị trường hiện nay chịu ảnh hưởng nhiều bởi công nghệ sản xuất và giá cước vận chuyển nguyên vật liệu tăng cao

Sản xuất thép tại Việt Nam trong giai đoạn quý III/2021 vẫn giữ mức tương đối ổn định mặc dù tác động tiêu từ việc giãn cách xã hội là rất lớn. Cụ thể, sản xuất thép thành phẩm trong tháng 9 đạt 2,4 triệu tấn, giảm 3,97% so với tháng 8/2021 và tương đương với mức sản lượng cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, thép xây dựng trong quý III/2021 ghi nhận mức suy giảm 15% so với cùng kỳ, trong khi đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là thép cuộn cán nóng (HRC) ghi nhận mức tăng trưởng 24% so với cùng kỳ nhưng lại giảm so với quý II/2021 là 5%.

Tổng 9 tháng đầu năm 2021, sản lượng sản xuất đạt hơn 24 triệu tấn, tăng hơn 34% so với cùng kỳ. Với việc xóa bõ giãn cách xã hội, sản xuất thép trong tháng 10 đã tăng trưởng mạnh trở lại đạt tốc độ gần 18% so với tháng 9. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng sản xuất có phần suy giảm, điển hình là ống thép có mức suy giảm 7% so với tháng 10.

Sản xuất thép tại Việt nam vẫn giữ mức tương đối ổn định trong bối cảnh dịch bệnh

Về xuất khẩu, sản lượng xuất khẩu thép tại Việt Nam đã vực dậy từ tháng 7/2021 với tổng sản lượng hơn 600 nghìn tấn, tăng 55% so với cùng kỳ và 15% so với tháng 6/2021. Xu thế này tiếp tục được duy trì và kéo dài đến tháng 9/2021 đạt sản lượng xuất khẩu đến gần 800 nghìn tấn, tăng 58% so với cùng kỳ và 16% so với tháng 8.

Trong đó, thép xây dựng ghi nhận mức tăng trưởng 13% so với cùng kỳ và 16% so với tháng liền kề trước đó. Đặc biệt, chiếm tỉ trọng lớn nhất là lượng xuất khẩu tôn mạ chiếm tỷ trọng gần 50% tổng sản lượng xuất khẩu đạt hơn 370 nghìn tấn tăng trưởng 102% so với cùng kỳ và 15% so với tháng liền kề trước đó.

“Tôn mạ là sản phẩm hay được ưa dùng trong các dự án khu công nghiệp, do vậy việc sản lượng xuất khẩu tôn mạ được tăng mạnh đến từ việc tái hoạt động các khu công nghiệp sản xuất của nền kinh tế toàn cầu”, báo cáo cho hay.

Sản lượng xuất khẩu thép tại Việt Nam đã vực dậy từ tháng 7/2021

Tiêu thụ nội địa đáng có đà phục hồi từ tháng 8 đến tháng 10 trong đó thép xây dựng có mức tăng trưởng cao nhất. Tuy nhiên, trong tháng 11/2021, tiêu thụ nội địa ghi nhận mức suy giảm 18% so với tháng 10. Trong đó, thép ống và thép xây dựng ghi nhận mức suy giảm lần lượt là 30% và 19% so với tháng 10 và tiêu thụ về thép cán nóng và cán nguội không thay đổi.

“Dù vậy, chúng tôi cho rằng nhu cầu tiêu thụ nội địa sẽ nhanh chóng được phục hồi dựa trên cơ sở thúc đẩy phát triển kinh tế từ chính phủ trong năm 2022 với nhiều chính sách đầu tư công và phát triển cở sở hạ tầng”, báo cáo nhấn mạnh.

Năm 2021 ghi nhận mức tăng trưởng đều về doanh thu của các doanh nghiệp thép tại Việt Nam. Trong đó, dẫn đầu ngành là Tập đoàn Hòa Phát (HPG) với mức doanh thu ghi nhận trong quý III/2021 đạt gần 40 nghìn tỷ đồng.

Biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thép đều tăng mạnh trong quý II/2021 bởi giá thép trong khoản thời gian này ghi nhận sự tăng trưởng đột biến. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp có sự suy giảm nhẹ trong quý III do giá thép phần nào trên thị trường đã suy giảm cộng với sự tăng nhẹ của giá nguyên vật liệu đầu vào cũng như chi phí vận chuyển tăng cao.

Dù vậy, với một số doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh cũng như kế hoạch kinh doanh tốt đã kiểm soát được đà suy giảm biên lợi nhuận gộp, điển hình là Hòa Phát chỉ suy giảm 2% từ hơn 32% về chỉ còn hơn 30% và Nam Kim từ gần 19% giảm về còn hơn 17%.

Doanh thu của 1 số doanh nghiệp thép tại Việt Nam trong năm 2021

Mặc dù nền kinh tế nói chung và ngành vật liệu xây dựng nói riêng đã chịu khá nhiều tác động của dịch bệnh, nhưng nhóm nghiên cứu MBS nhìn nhận, với khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam sản lượng tiêu thụ thép trong năm 2022 sẽ sớm tăng trưởng mạnh trở lại với các chính sách hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng từ Chính phủ nhằm vực dậy nền kinh tế.

Trong bối cảnh nền kinh tế đã mở cửa trở lại sau nhiều tháng giãn cách vì dịch bệnh Covid-19. Song song đó, việc kiểm soát tình hình dịch luôn được chú trọng từ đó giúp cho hầu hết các khu vực kinh tế dần hồi phục trong quý IV/2021 và cả năm 2022. GDP năm 2022 được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng ấn tượng là 6,6% thuộc trong nhóm dẫn đầu khu vực ASEAN. Với kỳ vọng lạc quan vào tình hình phục hồi và phát triển nền kinh tế Việt Nam nhu cầu thép tại thị trường nội địa sẽ có xu hướng tăng mạnh nhờ:

Thứ nhất, đầu tư công nhằm phát triển cơ sở hạ tầng được thúc đẩy mạnh mẽ.

Thứ hai, nguồn cung bất động sản nhà ở, chung cư, bất động sản bán lẻ và các dự án đại đô thị trong năm 2022 được phục hồi.

Thứ ba, những triển vọng thấy rõ từ thị trường xuất khẩu khi từ đầu năm 2021, Chính phủ Trung Quốc đã cam kết tiếp tục cắt giảm sản lượng thép và cảnh báo sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt nếu một số nhà máy luyện thép không tuân theo chính sách này. Với chính sách này sẽ tạo điều kiện cho các nước sản xuất thép khác trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ hưởng lợi lớn từ việc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Rủi ro tồn tại cũng được MBS chỉ ra, đó là thị trường bất động sản tại Trung Quốc đang có dấu hiệu suy giảm trong năm 2022 bởi sự kiện Evergrande và chính sách 3 lằn ranh đỏ. Mặt khác, Thông tư 16 sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn về việc phát hành trái phiếu, điều này sẽ gây nhiều khó khăn cho việc gia tăng vốn vay của các doanh nghiệp bất động sản tại Việt Nam trong thời gian tới./.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích