Ngành thép: Ấn tượng xuất khẩu
Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát tại nhiều địa phương khiến cho nhu cầu về xây dựng trong nước giảm sút. Cùng với đó là thời gian qua bước vào mùa mưa khiến cho tiêu thụ thép trong nước gặp khó khăn, đặc biệt khu vực phía Nam.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, mặc dù thị trường gặp nhiều khó khăn do đại dịch gây ra, nhưng sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép các loại tính chung 9 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng khá do kế thừa được kết quả kinh doanh tốt của những tháng đầu năm 2021. Theo đó, sản xuất thép thô vẫn đạt 17,79 triệu tấn, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2020. Tiêu thụ đạt 17,15 triệu tấn, tăng 22% so với cùng kỳ 2020. Đặc biệt từ đầu tháng 10/2021, Chính phủ áp dụng chiến lược chống dịch theo hướng thích ứng linh hoạt đã tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường mới, các dự án đầu tư công được đẩy mạnh tiến độ giải ngân… Đây là những cơ sở quan trọng giúp việc tiêu thụ thép có sự tăng trưởng tốt hơn.
Theo đại diện Tập đoàn Hòa Phát, sản lượng bán hàng thép các loại trong tháng 10/2021 của Tập đoàn đạt 968.000 tấn, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thép xây dựng đóng góp nhiều nhất với 467.000 tấn, tăng 87%… Lũy kế 10 tháng 2021, Tập đoàn Hòa Phát đạt sản lượng bán hàng 7,3 triệu tấn sản phẩm thép, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, thép xây dựng đạt 3,2 triệu tấn, tăng 19%; trong đó xuất khẩu thép thành phẩm đóng góp 810.000 tấn, tăng 86% so với cùng kỳ năm trước. Thép cuộn cán nóng đạt hơn 2,1 triệu tấn. Tôn Hòa Phát đạt tổng sản lượng 318.000 tấn, gấp 2,5 lần cùng kỳ, chủ yếu nhờ lượng hàng xuất khẩu tăng cao…
Trong khi lượng tiêu thụ trong nước vẫn chưa thực sự khởi sắc thì chiều ngược lại, thị trường xuất khẩu từ đầu năm tăng trưởng rất ấn tượng. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 9/2021, xuất khẩu sắt thép các loại của Việt Nam đạt 1,36 triệu tấn với trị giá 1,4 tỉ USD. Và đây là tháng thứ ba liên tiếp nguồn thu từ xuất khẩu thép các loại đạt trên 1 tỉ USD đưa xuất khẩu nhóm hàng này quý III/2021 lên mức cao kỷ lục với 3,93 tỉ USD, tăng 94,6% so với quý 1 và tăng 57,7% so với quý 2 về trị giá. Tính chung trong 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sắt thép các loại đạt 9,86 triệu tấn, tăng 41% về lượng với trị giá là 8,43 tỉ USD, tăng 130,9% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sắt thép thành phẩm và bán thành phẩm đến hơn 20 quốc gia và khu vực trên thế giới.
Theo nhận định của các chuyên gia, giá thép trên thế giới tiếp tục giữ ở mức như hiện tại cho đến 2022. Trung Quốc đang siết chặt giảm sản lượng sản xuất thép hàng năm do các vấn đề về môi trường và hạn chế tiêu thụ năng lượng. Điều này khiến cho nguồn cung về thép trên toàn thế giới giảm đi khi Trung Quốc là nước xuất khẩu thép lớn nhất thế giới. Trong khi nhu cầu thép trên thế giới vẫn đang tiếp tục gia tăng với các gói kích thích đầu tư công liên tục giải ngân nhằm kích thích kinh tế sau Covid-19.
Theo đại diện VSA, với tình hình tiêu thụ sản phẩm thép trong nước tiếp tục gặp khó, doanh nghiệp ngành này cũng đang hướng đến xuất khẩu để đảm bảo công suất sản xuất. Việt Nam đang có nhiều lợi thế trong việc cạnh tranh xuất khẩu mặt hàng thép. Hiện Trung Quốc giảm dần sản lượng xuất khẩu, gây ra thiếu hụt cho các đối tác thường xuyên nhập khẩu thép từ Trung Quốc và mở ra cơ hội cho các quốc gia xung quanh thâm nhập vào thị trường này. Bên cạnh đó, biện pháp tự vệ quota tại Châu Âu khiến cho các quốc gia đang xuất khẩu lớn vào Châu Âu trong thời gian ngắn khó tăng thêm sản lượng xuất vào thị trường này khi nhu cầu tăng đột biến. Do đó, tạo cơ hội cho Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.
Hiện các doanh nghiệp trong ngành đang nỗ lực đẩy mạnh sản xuất để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, giá cả nguyên vật liệu và thép thành phẩm trên thế giới dự báo sẽ có nhiều biến động, có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới trên thị trường thế giới và nội địa. Do đó, các DN sản xuất ngành thép cần tiết giảm các chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm, có biện pháp tăng công suất sản xuất thép để đáp ứng tối đa nhu cầu và tăng khả năng cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu.