Ngành Tài nguyên và Môi trường Bắc Ninh: Quản lý tốt tài nguyên môi trường trong tình hình mới
Ngành Tài nguyên và Môi trường Bắc Ninh: Quản lý tốt tài nguyên môi trường trong tình hình mới
Bảo vệ tài nguyên, môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học là nhiệm vụ quan trọng trước xu thế hội nhập, phát triển của tỉnh Bắc Ninh.
Xác định rõ điều đó, Sở Tài nguyên và Môi trường ngày càng đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai và bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh theo hướng hài hoà, bền vững.
Công tác quản lý đất đai, đo đạc và bản đồ được triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật. Sở làm tốt công tác tham mưu với tỉnh về quyết định ủy quyền cho UBND các huyện, thị xã, thành phố quyết định giá đất cụ thể; ban hành Quy chế phối hợp trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; thực hiện Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Đồng thời tham mưu tỉnh thành lập, ban hành quy chế làm việc, chương trình, kế hoạch của Ban Chỉ đạo công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh; đề xuất thành lập Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo; tổng hợp các dự án cần tập trung bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh… góp phần kịp thời tháo gỡ khó khăn, khơi thông nhiều dự án trọng điểm của tỉnh. Trình UBND tỉnh bổ sung danh mục dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, dự án thu hồi đất trên địa bàn tỉnh và Kế hoạch sử dụng đất năm 2023, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2025 của các huyện, thị xã, thành phố, tạo hành lang pháp lý về quản lý, sử dụng đất đai, tạo đà cho các công trình, dự án về đất đai phát triển.
Đặc biệt, năm 2023 là năm trọng tâm triển khai thực hiện Kết luận số 739-KL/TU và số 740-KL/TU ngày 12-6-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xử lý vi phạm lấn chiếm đất đai, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê, bán đất trái thẩm quyền và đất dân cư dịch vụ trên địa bàn tỉnh và Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường được giao làm cơ quan thường trực kịp thời tham mưu, tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nội dung, phương thức triển khai đến tất cả người đứng đầu, đội ngũ cán bộ quản lý đất đai ở các địa phương trong tỉnh. Đồng thời giám sát tiến độ triển khai thực hiện; thành lập Tổ công tác để chỉ đạo, đôn đốc hướng dẫn thực hiện các dự án đất dân cư dịch vụ, xử lý các trường hợp vi phạm đất đai, nhằm ổn định tình hình địa phương, chấn chỉnh và tăng cường hơn nữa công tác quản lý đất đai sát với thực tiễn.
Người dân phường Kinh Bắc (thành phố Bắc Ninh) ra quân tổng vệ sinh môi trường.
Năm 2023 có thể nói là năm thành công trong lĩnh vực bảo vệ môi trường khi ¾ Nhà máy điện rác đi vào vận hành, giải quyết cơ bản chất thải rắn sinh hoạt phát sinh, chất thải công nghiệp trong toàn tỉnh. Sở sớm tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh về các Nhà máy điện rác để xử lý. Đến thời điểm hiện tại, 97% chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị được thu gom và xử lý; 90% chất thải rắn sinh hoạt tại nông thôn được thu gom, xử lý; 100% chất thải công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại, chất thải y tế được thu gom, xử lý tại các KCN đang hoạt động.
Phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, CCN làng nghề; thường xuyên tổ chức hội thảo, lớp tập huấn về hiện trạng và giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, CCN làng nghề, trang bị kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường cho các chủ sản xuất, kinh doanh, nhằm hạn chế thấp nhất ô nhiễm môi trường phát sinh. Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh, giai đoạn 2019-2025 và tham mưu tỉnh xây dựng phương án bảo vệ môi trường đến năm 2030. Ban hành và làm tốt kế hoạch truyền thông nâng cao nhận thức về môi trường đến mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng sống xanh, tăng trưởng kinh tế xanh, hài hoà, thân thiện với thiên nhiên.
Trước tồn tại thực tế về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng một số dự án đất đai còn chậm tiến độ, vướng trong xác định giá đất cụ thể; phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn chậm; chưa giải quyết dứt điểm ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt phát sinh tại các địa phương chưa có khu xử lý tập trung; một số doanh nghiệp chậm đầu tư hệ thống xử lý nước thải, khí thải theo quy định; ô nhiễm môi trường làng nghề, CCN làng nghề diễn biến phức tạp… Sở tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả, toàn diện các nhiệm vụ được giao trên cơ sở bám sát các chương trình, kế hoạch, nghị quyết chỉ đạo của tỉnh, của Bộ Tài nguyên và Môi trường để trong năm 2024: 100% chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị, nông thôn được thu gom, xử lý; 30% CCN, làng nghề truyền thống có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 100% chất thải công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại, chất thải y tế được thu gom, xử lý. Năm 2024 là năm trọng tâm trong xử lý các trường hợp vi phạm về đất đai, triển khai hiệu quả các dự án đất dân cư dịch vụ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị