Ngành Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang: Đẩy mạnh chuyển đổi số
Ngành Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang: Đẩy mạnh chuyển đổi số
Theo kết quả đánh giá, xếp hạng của UBND tỉnh về mức độ CĐS năm 2023 khối các sở, ngành cơ quan nhà nước tỉnh Bắc Giang, Sở TN&MT đứng thứ nhất với bộ chỉ số bình quân hơn 9 điểm.
Thông tin từ Trung tâm Lưu trữ và Phát triển quỹ đất (Sở TN&MT- đơn vị được giao chủ trì tham mưu, thực hiện CĐS) cho biết: Kết quả CĐS nổi bật của ngành TN&MT thời gian qua là đã xây dựng, đưa vào vận hành hiệu quả cơ sở dữ liệu (CSDL) về đất đai tại chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai của 6 huyện gồm Tân Yên, Việt Yên, Yên Dũng, Yên Thế, Lục Nam, Lạng Giang, bảo đảm chuẩn hóa thông tin đất đai trên môi trường điện tử. Ngành TN&MT tỉnh đã vận hành, khai thác và cập nhật chỉnh lý biến động CSDL thông qua ứng dụng phần mềm điện tử mới được hơn 114,2 nghìn hồ sơ.
Qua đó đã kết nối CSDL về đất đai với CSDL Quốc gia về dân cư; chia sẻ dữ liệu TN&MT với kho dữ liệu dùng chung của tỉnh và các ngành khác như Thuế, Xây dựng, Nông nghiệp… Kết quả này được Bộ TN&MT ghi nhận, đánh giá cao.
Thông qua CĐS, việc phát triển ứng dụng hệ thống phần mềm quản lý văn bản, điều hành công việc và ký số được triển khai hiệu quả đến tất cả các phòng, đơn vị trực thuộc Sở. Tỷ lệ trao đổi văn bản với các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện hoàn toàn dưới dạng điện tử. Kết quả giải quyết TTHC trên phần mềm điện tử đạt cao. Năm 2023, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tiếp nhận giải quyết 1.895 hồ sơ lĩnh vực TN&MT; tỷ lệ hồ sơ được giải quyết và trả kết quả đúng hạn đạt 99,3%. Hệ thống văn phòng đăng ký đất đai từ tỉnh đến các huyện tiếp nhận và giải quyết gần 121 nghìn hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ được giải quyết trước hạn và đúng hạn đạt 99%.
Qua CĐS, Sở TN&MT đã cắt giảm 27 thủ tục hành chính (TTHC) cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên hệ thống CSDL Quốc gia (từ 117 xuống còn 90 thủ tục). Nhiều TTHC được cắt giảm thời gian giải quyết từ 2-5 ngày. Hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả được số hóa, bảo đảm công dân chỉ phải xuất trình giấy tờ một lần với các cơ quan giải quyết TTHC liên quan.
Hệ thống CSDL của ngành vận hành ổn định hơn. Công tác bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin trong quản lý dữ liệu; thực hiện kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu phục vụ giải quyết TTHC… được chú trọng, bảo đảm an toàn. Sở TN&MT đã phối hợp với cơ quan thuế thực hiện “một cửa liên thông thuế điện tử”.
Theo đó, hàng chục nghìn hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai của hộ gia đình, cá nhân đã được giải quyết trên môi trường điện tử, tạo thuận lợi cho người dân. Cá nhân, hộ gia đình có thể thực hiện nghĩa vụ thuế tại nhà. Nói về CĐS ngành TN&MT tỉnh, ông Đào Thanh Sơn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và thương mại MD Việt Nam được cấp phép khai thác mỏ khoáng sản đất tại Lục Nam chia sẻ: “Sở TN&MT đẩy mạnh giải quyết các TTHC trên môi trường điện tử đã tạo thuận lợi, giúp giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp”.
Theo lãnh đạo Sở TN&MT, đạt kết quả trên là do đơn vị luôn bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh, tích cực rà soát các tiêu chí, thành phần cụ thể của các trụ cột CĐS (như nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, chính quyền số, kinh tế số…) để bổ sung và hoàn thiện các nội dung còn thiếu. Quan tâm làm tốt việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về CĐS, tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT trong thực hiện nhiệm vụ công vụ; bố trí kinh phí nâng cấp hạ tầng kỹ thuật; sắp xếp, đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ công nghệ đáp ứng yêu cầu…
Với mục tiêu đẩy mạnh CĐS toàn diện trên các lĩnh vực, thời gian tới, Sở TN&MT tiếp tục tập trung thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS Quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và kế hoạch CĐS năm 2024 của UBND tỉnh.
Tập trung vào duy trì, vận hành ổn định hệ thống CSDL về đất đai và thành phần (như các CSDL: Thông tin quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, thống kê kiểm kê đất đai, giá đất). Tiếp tục số hóa và chuẩn hóa thông tin để hoàn thiện CSDL đất đai của huyện Hiệp Hòa và TP Bắc Giang, hệ thống CSDL kho lưu trữ TN&MT, hệ thống quan trắc môi trường tự động.
Thực hiện thuê phần mềm, hạ tầng kỹ thuật CNTT phục vụ quản lý, vận hành, khai thác đồng bộ, hiệu quả hệ thống CSDL đất đai tỉnh Bắc Giang. Xây dựng CSDL đất đai của huyện Lục Ngạn và Sơn Động, CSDL TN&MT dùng chung, sử dụng giải pháp công nghệ quản lý dữ liệu lớn (big data, data lake) nhằm quản lý toàn diện tài nguyên số về TN&MT…
Đại diện Sở TN&MT cho biết, thực hiện Kế hoạch 199/KH-UBND ngày 11/12/2023 của UBND tỉnh về chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước tỉnh, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch dự toán kinh phí hàng chục tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ CĐS ngành TN&MT năm 2024. Trong đó, một số mục tiêu cụ thể là: Tiếp tục đẩy mạnh cải CCHC gắn với liên thông dữ liệu về địa chính với cơ quan thuế, mở rộng thêm đối tượng được hưởng lợi là tổ chức, doanh nghiệp.
Tích cực số hóa toàn bộ hồ sơ lưu trữ ngành TM&MT. Chủ động hoàn thiện quy chế, quy định tích hợp, kết nối, liên thông phục vụ chia sẻ, khai thác, sử dụng dữ liệu TN&MT. Tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên sâu, nâng cao kiến thức về công nghệ mới, kiến thức CĐS, kỹ năng sử dụng, khai thác các hệ thống thông tin của tỉnh cho cán bộ, công chức, viên chức trong ngành. Đồng thời tiếp tục rà soát, tham mưu UBND tỉnh bổ sung cán bộ chuyên trách; đầu tư trang thiết bị CNTT, các phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại, đáp ứng yêu cầu CĐS trong tình hình mới.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị