Ngành Nông nghiệp – điểm sáng trong bức tranh kinh tế 9 tháng 2021

(Xây dựng) – Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh kinh tế những tháng đã qua, chúng ta vẫn thấy những mảng sáng tích cực, đó là ở ngành Nông nghiệp. Trước khó khăn, ngành Nông nghiệp đã thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch.

nganh nong nghiep diem sang trong buc tranh kinh te 9 thang 2021
Xuất khẩu nông thuỷ sản năm 2021 dự kiến đạt 44 tỷ USD năm 2021.

Khu vực duy nhất tăng trưởng dương

Số liệu thống kê cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là khu vực duy nhất tăng trưởng dương trong ba trụ cột của nền kinh tế là nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ với mức tăng 1,04%; trong khi đó khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%; khu vực dịch vụ giảm 9,28%.

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn phát triển so với cùng kỳ năm trước: Năng suất lúa tăng cao, chăn nuôi tăng trưởng ổn định, kim ngạch xuất khẩu một số nông sản đạt khá. Ngành Nông nghiệp tăng 3,32%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,3%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 0,66%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm.

Theo Tổng cục Thống kê, có được kết quả đó chủ yếu do sản xuất nông nghiệp trong 9 tháng năm 2021 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng tích cực, gieo trồng giống lúa mới cho giá trị kinh tế cao dần thay thế giống lúa truyền thống, kết quả sản xuất các vụ lúa đều cho kết quả khả quan.

Cùng với đó, vụ đông xuân năm 2021 đạt được thành tựu lớn với năng suất đạt cao nhất từ trước đến nay. Diện tích thu hoạch lúa đông xuân năm 2021 cả nước đạt 3.006,5 nghìn ha, bằng 100,5% vụ đông xuân năm trước với năng suất đạt 68,6 tạ/ha, tăng 2,2 tạ/ha, sản lượng đạt 20,63 triệu tấn, tăng 755,1 nghìn tấn. Năng suất và sản lượng lúa tăng hầu hết ở các địa phương trên cả nước.

Tại các địa phương phía Bắc, diện tích thu hoạch lúa đông xuân đạt 1.086,4 nghìn ha, bằng 99,1% vụ đông xuân năm trước do năng suất đạt 64,5 tạ/ha, tăng 1,8 tạ/ha nên sản lượng đạt 7.004,1 nghìn tấn, tăng 128,7 nghìn tấn. Tại các địa phương phía Nam, diện tích thu hoạch lúa đông xuân 2021 đạt 1.920,1 nghìn ha, tăng 23,4 nghìn ha so cùng kỳ; năng suất thu hoạch đạt 71 tạ/ha, tăng 2,5 tạ/ha; sản lượng đạt 13,63 triệu tấn, tăng 626,4 nghìn tấn.

Một số địa phương có năng suất và sản lượng lúa đông xuân tăng nhiều so với cùng kỳ như: Kiên Giang năng suất tăng 3 tạ/ha, sản lượng tăng 43,8 nghìn tấn; Long An tăng 1,4 tạ/ha và tăng 28,4 nghìn tấn; Ninh Thuận tăng 1,6 tạ/ha và tăng 38,7 nghìn tấn.

Kết quả sản xuất vụ hè thu năm nay tăng khá so với năm trước. Diện tích gieo trồng lúa hè thu năm 2021 cả nước ước đạt 1954 nghìn ha, tăng 8,8 nghìn ha, bằng 100,5% so với vụ hè thu năm 2020; năng suất lúa hè thu ước đạt 56,5tạ/ha, tăng 1,2 tạ/ha, bằng 102,2%; sản lượng ước đạt 11,03 triệu tấn, tăng 282,7 nghìn tấn.

Vụ lúa mùa đang thực hiện trên khắp các địa phương với nhiều thuận lợi. Tính đến trung tuần tháng 9, cả nước đã gieo cấy được hơn 1,5 triệu ha lúa mùa, bằng 99,8% cùng kỳ năm trước. Đến nay, lúa mùa tại các địa phương phía Bắc đang trong giai đoạn trổ bông, trà lúa sớm đang trong giai đoạn vào chắc và chín, đã cho thu hoạch được 133,6 nghìn ha, chiếm 12,2 % diện tích gieo trồng ước cả năm và bằng 104,7% so cùng kỳ. Với điều kiện thời tiết diễn biến thuận lợi, năng suất lúa mùa năm 2021 của các tỉnh phía Bắc đạt khoảng 57,7 tạ/ha, tăng 0,1 tạ/ha so cùng kỳ.

Các sản phẩm chủ lực đạt khá

Không chỉ có lúa, đóng góp vào tăng trưởng của nông nghiệp bao gồm cây trồng lâu năm. Năng suất và sản lượng cây trồng lâu năm đều đạt khá: sản lượng điều 9 tháng năm 2021 ước tính đạt 365,2 nghìn tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước; hồ tiêu đạt 275,6 nghìn tấn, tăng 2,3%; cao su đạt 822,8 nghìn tấn, tăng 2,6%; chè búp đạt 865,2 nghìn tấn, tăng 1,8%.

Sản lượng thu hoạch một số cây ăn quả chủ yếu hầu hết đều tăng so với cùng kỳ năm trước: Xoài đạt 801,1 nghìn tấn, tăng 6,7%; thanh long đạt 1.030,5 nghìn tấn, tăng 1,7%; cam đạt 689,7 nghìn tấn, tăng 3,8%; bưởi đạt 511,3 nghìn tấn, tăng 6,1%; chuối đạt 1.779,2 nghìn tấn, tăng 2,6%; nhãn đạt 544,4 nghìn tấn, tăng 7,8%; vải đạt 366,2 triệu tấn, tăng 16,5%.

Nhiều loại cây được trồng theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu sang thị trường Úc, Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Do vậy, kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm sản đạt 9 tháng năm 2021 đạt 17,7 tỷ USD, tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước ở mức 17,6%, trong đó kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 2,8 tỷ USD, tăng 11,1%.

Cùng với đó, chăn nuôi cũng là lĩnh vực then chốt đóng góp vào tăng trưởng chung của khu vực nông nghiệp. Theo đó, chăn nuôi 9 tháng đầu năm phát triển ổn định, sản phẩm chăn nuôi tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Ước tính 9 tháng, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt hơn 3 triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 332,4 nghìn tấn, tăng 2,4%; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt hơn 1,4 triệu tấn, tăng 4,3%; duy nhất sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng đạt 86,6 nghìn tấn, giảm nhẹ ở mức 0,4%.

Trong 9 tháng năm 2021 mặc dù bị ảnh hưởng lớn của dịch covid-19 làm đứt gãy tạm thời chuỗi cung ứng sản xuất – chế biến – tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản nhưng nguồn cung nông sản vẫn dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và cho xuất khẩu.

Tháng 9/2021, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt gần 3,5 tỷ USD, giảm 7,6% so với tháng 9/2020 nhưng tăng 4,8% so với tháng 8/2021. Tính chung 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích