Ngành nông nghiệp Bắc Giang vượt khó, tận dụng lợi thế giữ đà phát triển
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang, 6 tháng đầu năm 2023, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng 2,8%, trong đó nông nghiệp tăng 2,6%, lâm nghiệp tăng 0,3%, thủy sản tăng 5,5%. Quy mô giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt khoảng 21.000 tỷ đồng, bằng 55,3% kế hoạch.
Năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi tiếp tục được nâng lên. Vụ Chiêm Xuân đảm bảo khung thời vụ, năng suất đạt cao (60,3 tạ/ha); sản lượng vải thiều ước đạt trên 180 nghìn tấn; tổng sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 147,32 nghìn tấn, bằng 100,3% so với cùng kỳ, bằng 56,8% so với kế hoạch năm. Toàn tỉnh đã thực hiện trồng 5.455 ha rừng tập trung, đạt 72,5% kế hoạch (rừng trồng sản xuất), trồng cây phân tán được 4,0 triệu cây, đạt 65,6% kế hoạch; tỷ lệ che phủ rừng đạt 38%…
Thực hiện chương trình OCOP có nhiều kết quả tích cực. Đến hết năm 2022, số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh là 205 sản phẩm. Gồm 31 sản phẩm đạt OCOP 4 sao (chiếm 15,1%), 174 sản phẩm OCOP 3 sao (chiếm 84,9%), trong đó có 01 sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa Bản Ven của HTX Thân Trường, huyện Yên Thế; 01 sản phẩm Vải thiều Lục Ngạn Hồng Xuân đủ tiêu chuẩn 5 sao đã đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận. Trung bình mỗi năm phát triển thêm trên 50 sản phẩm OCOP được công nhận.
Về chủ thể, có 122 chủ thể, trong đó có 98 chủ thể HTX, chiếm 80,3%; 10 doanh nghiệp, chiếm 8,2%; 14 cơ sở sản xuất, chiếm 11,5%. Về cơ cấu sản phẩm, có 178 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, chiếm 86,8%; 24 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống, chiếm 11,7%; 2 sản phẩm thuộc nhóm thảo dược, chiếm 1,0% và 1 sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch, chiếm 0,5%.
Các sản phẩm đạt OCOP đều có thương hiệu, trở thành quà tặng của tỉnh trong các dịp đón đoàn nước ngoài, tỉnh bạn; một số sản phẩm đáp ứng yêu cầu sản xuất lớn, xuất khẩu trực tiếp sang các nước như: sản phẩm của Công ty Cổ phần XNK VIFOCO xuất sang thị trường Đức; các sản phẩm của Công ty cổ phần XNK thực phẩm Toàn Cầu xuất sang Pháp; các sản phẩm giấm của Công ty TNHH thương mại Ngân Giang Lục Ngạn xuất sang thị trường Trung Quốc; bánh nông sản Bình Minh xuất sang thị trường Hàn Quốc; sản phẩm vải thiều Lục Ngạn, vải sớm Phúc Hòa đã được xuất khẩu sang các thị trường yêu cầu chất lượng cao như Mỹ, EU, Nhật Bản, Úc,… và một số sản phẩm xuất khẩu uỷ thác (mỳ Chũ), qua đó đã nâng tầm vị thế của sản phẩm nông sản Bắc Giang trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đặc biệt, thời gian qua Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã phối hợp với một số doanh nghiệp triển khai thực hiện 12 mô hình trình diễn, hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới cùng hệ thống quản lý, giám sát, chứng nhận về an toàn thực phẩm; mô hình kinh tế kết hợp và hoạt động chuỗi giá trị đối với nhóm cây con chủ lực, sản phẩm OCOP của địa phương, từng bước phát triển trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ… cụ thể: mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trồng cây trà hoa vàng quy mô 6,4 ha (xã Vân Sơn, huyện Sơn Động); mô hình trồng rừng thâm canh nguyên liệu hướng tới quản lý rừng bền vững quy mô 38,6 ha (xã An Lạc và xã Hữu Sản, huyện Sơn Động); mô hình phát triển bền vững cây ăn quả đặc sản chủ lực bằng giống Na Thái, quy mô 7,5 ha (xã Nghĩa Phương, xã Đông Phú, huyện Lục Nam); mô hình ứng dụng giá thể để sản xuất dưa lưới trong nhà màng quy mô 1,3 ha (xã Tam Dị huyện Lục Nam và xã Trí Yên, huyện Yên Dũng)…
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, sản xuất nông nghiệp của tỉnh 6 tháng đầu năm gặp rất nhiều bất lợi do điều kiện thời tiết và dịch bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát.
Đối mặt với thực tế này, để hoàn thành mục tiêu kế hoạch cả năm 2023, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành nông nghiệp hết sức nặng nề. Các địa phương trong tỉnh cần tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trước mắt là chỉ đạo sản xuất vụ Mùa 2023 theo đúng khung thời vụ, tạo tiền đề cho việc triển khai cơ cấu cây trồng vụ Đông. Vụ Mùa 2023 toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 63.000 ha, trong đó tập trung vào các loại giống mới, ngắn ngày, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để đạt hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và hướng đến phục vụ chế biến xuất khẩu.
Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh động vật, phát hiện và khống chế dịch bệnh tại cơ sở, thực hiện tốt công tác tiêm phòng, không để dịch bệnh nguy hiểm xảy ra; hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn, kỹ thuật chăm sóc. Nắm bắt những khó khăn, tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn tái đàn vật, phấn đấu hết năm 2023 tổng sản lượng thịt hơi các loạt đạt trên 259,2 nghìn tấn.
Triển khai tốt các chương trình, kế hoạch bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, cháy rừng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Kịp thời thông tin cảnh báo cháy rừng mùa khô. Tập trung xử lý các vụ phát, phá rừng tự nhiên trên địa bàn huyện Yên Thế, Sơn Động, Lục Ngạn. Tổ chức thực hiện trồng cây phân tán theo Chương trình trồng 01 tỷ cây xanh và trồng 8.000 ha rừng tập trung theo kế hoạch; khai thác rừng trồng đạt 1,0 triệu m³ gỗ các loại.
Phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông sản cả trong nước và xuất khẩu. Tập trung thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn. Chú trọng xây dựng nông thôn mới, trong đó trọng tâm là thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; xây dựng hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp… phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành đề ra trong năm 2023.
Đẩy mạnh hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP hoàn thiện hồ sơ sản phẩm, tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm đợt 2 năm 2023. Tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, chủ thể tham gia chương trình OCOP. Thực hiện hỗ trợ tem, nhãn mác truy xuất nguồn gốc sản phẩm… duy trì, củng cố và nâng cấp sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP.
Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các phòng chuyên môn thực hiện tư vấn, hỗ trợ thành lập mới HTX nông nghiệp. Hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng; tập trung đất đai, đào tạo nguồn nhân lực, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng website thương mại điện tử… nhằm duy trì, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp. Phối hợp với các đơn vị triển lãm, tổ chức tham gia từ 3 – 4 hội chợ, triển lãm, diễn đàn xúc tiến thương mại trong nước để đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu