Ngành Ngân hàng tiên phong chuyển đổi số: để toàn dân tham gia, toàn dân hưởng lợi

Tại Hội nghị ngày 4/8/2022 về Chuyển đổi số ngành Ngân hàng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xem Chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề cập sâu sắc về chuyển đổi số trong các mục tiêu, quan điểm phát triển và đột phá chiến lược. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, chuỗi sự kiện “Chuyển đổi số ngành ngân hàng” vừa diễn ra đầu tháng 8 đã thu hút sự quan tâm của công chúng về những dịch vụ, tiện ích mới lĩnh vực ngân hàng mà chuyển đổi số mang lại. Tuy nhiên, đây chỉ mới là những thành công bước đầu và chặng đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức.

Tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Ngành Ngân hàng tiên phong chuyển đổi số: Để toàn dân tham gia, toàn dân hưởng lợi” các khách mời đã có những giải đáp cụ thể như sau:

img0283-16643543403031241865067
Chuyên gia kinh tế, TS. Phạm Xuân Hòe.

Theo ông, các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam cần tiếp thu và học hỏi những kinh nghiệm gì từ việc chuyển đổi số thành công của các ngân hàng ở những nước có nền kinh tế phát triển với nền công nghệ số hiện đại và thông minh?

Chuyên gia kinh tế, TS. Phạm Xuân Hòe: Tôi nghĩ các NHTM cần rút ra 3 bài học từ các tổ chức quốc tế thành công. Đầu tiên là thay đổi mô hình kinh doanh như các vị khách mời đã chia sẻ.

Bây giờ không còn mô hình chi nhánh vật lý nữa, dần dần sẽ giảm. Chủ yếu sẽ là qua kênh số và trên 1 cái app là có thể thực hiện tất cả các giao dịch. Mô hình kinh doanh thay đổi thì tư duy phải thay đổi và cách làm việc phải thay đổi.

Bài học đầu tiên này, tôi lấy ví dụ là chúng tôi đã khảo sát có 1 ngân hàng đã thay đổi là giữa sếp và nhân viên làm việc không có khoảng cách, tất cả trên một mặt bằng, cùng uống cà phê, cùng trao đổi về ý tưởng để đưa ra giải pháp, chẳng hạn ý tưởng sáng tạo để đưa ra sản phẩm mới. Tất cả sẽ chụm đầu lại và đưa ra ý tưởng, thiết kế như thế nào, quy trình và giải pháp ra sao…

Bài học thứ hai là, ai cũng nói “hướng đến khách hàng là trung tâm”. Như vậy là tất cả lợi ích, tiện ích lớn nhất phải mang đến cho khách hàng và bảo vệ an toàn cho khách hàng. Tôi nghĩ rằng bài học này các ngân hàng ở nước ngoài làm rất tốt. Lúc nãy đại diện HDB chia sẻ và một số lãnh đạo ngân hàng nói trong phóng sự, đó là: cá thể hóa các sản phẩm đến từng cá nhân một. Rõ ràng nếu anh muốn làm được việc đó thì đương nhiên anh phải nghiên cứu, học hỏi và phân tích dữ liệu.

Đây chính là cái mà chúng tôi mong muốn, không chỉ riêng ngành Ngân hàng mà nếu không có 1 cơ sở dữ liệu chung của nền kinh tế và cơ sở dữ liệu dân cư của nền kinh tế thì ngành Ngân hàng muốn làm cũng khó, không làm được. Ví dụ như về nhân khẩu học, tại sao Việt Nam rất có lợi thế là bởi vì thế hệ 9x và 8x rất nhiều nên rất nhanh để nắm bắt xu hướng này. Đây là bài học thứ 2 mà tôi nghĩ các ngân hàng phải hướng đến.

Bài học thứ ba thì không có con đường nào khác là phải đổi mới nhân sự một cách rất mãnh liệt, thậm chí sa thải rất nhiều nhân viên. Chúng tôi thống kê được là các NHTM cổ phần Việt Nam đã có những bước đi tiên phong là tuyển rất nhiều nhân lực cho IT và chiếm một tỉ lệ khá cao, thậm chí là 7 – 8% trong tổng số nhân sự. Ví dụ như MB, HDB cũng tăng lượng nhân sự cho IT rất lớn. Như vậy, vấn đề nhân sự là cốt lõi.

Có lẽ còn nhiều yếu tố khác nhưng tôi nghĩ đó là 3 bài học chủ yếu.

Xin hỏi ông Phạm Xuân Hòe, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng sẽ mang lại kết quả và tác động thế nào?

Chuyên gia kinh tế, TS. Phạm Xuân Hòe: Thủ tướng đã chỉ đạo rất rõ rồi. Khi chuyển đổi số thì ngành ngân hàng có 1 thuận lợi là từ các tài khoản hoạch toán, dùng công nghệ số tổng hợp lên, phân tích các dữ liệu đó. Rất thuận lợi cho Ngân hàng Nhà nước nắm được chính xác dòng tiền chảy vào bất động sản là bao nhiêu, chảy vào chứng khoán là bao nhiêu, từ đó đưa ra được biện pháp và cách quản lý tốt hơn rất là nhiều. Vì chính cái cơ sở dữ liệu hay dùng KPI trong phân tích dữ liệu hoạt động ngân hàng như đại diện HDBank vừa chia sẻ thì sẽ rất chính xác, chính xác đến tuyệt đối tất cả con số. Cho nên là điều đầu tiên tôi khẳng định là với công nghệ số, việc quản trị cũng như điều hành của Ngân hàng Nhà nước sẽ ngày càng sâu sắc hơn và chính xác hơn.

Thứ hai, trên thực tế rõ ràng là Ngân hàng Nhà nước cũng đã cân đối giữa các ngành khác nhau, để phân bổ nguồn lực tín dụng. Tất nhiên, không phải chỉ mỗi ngành ngân hàng cung cấp vốn cho nền kinh tế mà rất nhiều kênh, bao gồm chứng khoán, trái phiếu, đầu tư công, FDI… ngân hàng chỉ chiếm đâu đó 50% theo tính toán của Viện Đào tạo BIDV. Rõ ràng nếu như tín dụng được phân bổ một cách hiệu quả nhất thì cũng đóng góp tích cực trong tăng trưởng GDP của đất nước.

Thứ ba là, khi đã quản lý chặt chẽ rồi cũng như các công cụ rất tốt thì tôi tin rằng trong tương lai Ngân hàng Nhà nước có nhiều đổi mới để xử lý các công cụ, tiến tới đúng tính chất thị trường, mang tính chất trao quyền chủ động cho các ngân hàng thương mại tự phân bổ nguồn lực tín dụng của họ vào chỗ hiệu quả nhất. Tôi nghĩ rằng không có gì thông minh bằng thị trường cả.

Tại toạ đàm, ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng hoàn toàn đồng tình quan điểm của Chuyên gia kinh tế, TS. Phạm Xuân Hòe và cho rằng: suy cho cùng chuyển đổi số thể hiện minh bạch hóa và càng minh bạch bao nhiêu thì chuyển đổi số càng mạnh. Rất đơn giản thôi tại sao thu phí giao thông đường bộ cứ thủ công mãi, mãi bây giờ mới thực hiện được? Bởi vì không muốn đổi mới thôi chứ đổi mới rất tiện, rất minh bạch, doanh thu bao nhiêu rất rõ. Trong chuyển đổi số, nếu theo dõi đánh giá về lĩnh vực rủi ro như bất động sản, trái phiếu rồi những lĩnh vực khác thì tôi nghĩ ngành ngân hàng sẽ chủ động kiểm soát được và cũng sẽ giúp cho ban lãnh đạo các ngân hàng thương mại thấy được thực trạng qua việc báo cáo thống kê minh bạch hơn, đưa ra số liệu minh bạch hơn, kể cả thực hiện Basel 2, Basel 3 mạnh hơn. Lúc đó Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng trao quyền chủ động cho các tổ chức tín dụng trên cơ sở nguồn lực của mình để tự quyết định chịu trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh của từng tổ chức tín dụng.

Chuyển đổi số có vai trò hết sức quan trọng trong tương lai, thể hiện sự văn minh. Vì vậy tôi rất mong muốn quá trình chuyển đổi sổ của Việt Nam nói chung và ngân hàng nói riêng trong thời gian tới sẽ có bước đột phá mạnh mẽ nhất. Rất kỳ vọng Luật Giao dịch điện tử bổ sung kỳ này phù hợp với thực tiễn để làm sao không riêng ngành ngân hàng mà tất cả các bộ ngành có thể từng bước chuyển đổi số thành công.

img0282-166435494391180619893
Ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng.

Rõ ràng là hành trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng không đơn giản mà ở một quy mô rất lớn, ảnh hưởng đến hàng triệu người dân. Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, các ngân hàng thương mại cần lấy nhiệm vụ gì làm trọng tâm, đột phá để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số?

Ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng: Trước hết, chúng tôi cho rằng trong quá trình chuyển đổi số ngành ngân hàng, các ngân hàng thương mại cần chuyển đổi nhận thức. Trước có thể quan tâm sản phẩm dịch vụ thì nay quan tâm đến đối tượng phục vụ khách hàng. Chuyển đổi số ảnh hưởng trực tiếp đến khách hàng thì mục tiêu quan trọng nhất là làm sao phải để khách hàng của mình là thượng đế thực sự, sử dụng dịch vụ của mình an toàn hiệu quả và tiện dụng nhất. Bởi vậy, đối với ngành ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng thương mại, tôi cho rằng điều đầu tiên là chuyển đổi nhận thức tới toàn thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên trong hệ thống, xác định được lấy khách hàng là trọng tâm. Và muốn lấy khách hàng là trọng tâm thì trong quá trình chuyển đổi số, đảm bảo an toàn cho khách hàng là điều đầu tiên.

Thứ hai là phải đào tạo đội ngũ nhân viên mang tính chuyên nghiệp, phù hợp với cả quá trình chuyển đổi số, chứ không phải chuyển đổi công nghệ là xong. Phải đào tạo con người ngành mình phù hợp với cả quá trình chuyển đổi số về quy trình, kỹ năng sử dụng, tư cách đạo đức.

Thứ ba, phải có quy trình phòng ngừa rủi ro tới mức cao nhất, và trong thời gian tới, đối với chuyển đổi số phải có ứng dụng phòng chống rửa tiền. Các ngân hàng phải nhận thức vấn đề này.

Vấn đề nữa tôi cho rằng cần hết sức quan tâm là làm tốt đến mấy mà người dân, người sử dụng sản phẩm của mình không hiểu, không chia sẻ được thì cũng không được. Vì vậy các ngân hàng thương mại phải đặt mục tiêu chiến lược của mình trong việc truyền thông quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình để người dân hiểu, chia sẻ, sử dụng một cách an toàn hiệu quả, đảm bảo làm sao người dân có thể bảo mật thông tin, không bị kẻ gian lợi dụng, không bị hack. Tất cả những việc như vậy có thể xảy ra nhưng người dân hiểu biết được thì chắc chắn sẽ hạn chế, ngăn chặn được rủi ro.

Tôi cho rằng đấy là những việc ngành ngân hàng có thể làm trong thời gian tới. Còn một việc nữa tôi cho rằng các ngân hàng thương mại phải có trách nhiệm tổng hợp những vướng mắc khó khăn trong quá trình thực hiện chuyển đổi số trong thực tiễn để chuyển đến cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung một cách kịp thời nhất đảm bảo ứng dụng an toàn, hiệu quả. Trong thời gian tới không chỉ riêng ngành ngân hàng mà tôi nghĩ tất cả các ngành khác cũng sẽ từng bước chuyển đổi số. Và khi sửa đổi bổ sung Luật Giao dịch điện tử thời gian tới, chắc chắn ngành ngân hàng, các tổ chức tín dụng sẽ có rất nhiều việc phải làm. Nhân đây tôi cũng hy vọng các ngân hàng khi tham gia đóng góp Luật Giao dịch điện tử cần đối chiếu lại để phù hợp với quy định pháp luật áp dụng đảm bảo an toàn hiệu quả.

img0271-1664352861417721609214
Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán NHNN.

Nói về các mục tiêu cụ thể, ngành ngân hàng phấn đấu đến năm 2025 có 50% nghiệp vụ ngân hàng được số hóa; 70% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số… để thực hiện những mục tiêu này, ngành ngân hàng đề ra những những giải pháp gì thưa ông?

Ông Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán – Ngân hàng nhà nước: Tôi muốn nhấn mạnh về những trụ cột. Đầu tiên là chuyển đổi số về hình thức, nguồn lực, tập trung đầu tư cho phát triển các hạ tầng có tính vận hành, hệ thống thanh toán điện tử… chúng tôi cũng đặc biệt coi trọng ứng dụng công nghệ số trong thiết kế sản phẩm, dịch vụ khu vực phục vụ khách hàng. Chúng tôi cũng xác định trong kỷ nguyên số thì số hoá dữ liệu rất quan trọng. Ngành ngân hàng không chỉ cung cấp dịch vụ của chính ngân hàng mà còn ngoài ngân hàng thông qua việc tạo lập hệ sinh thái số để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ an toàn cho người dân trên các thiết bị điện tử.

Chúng tôi cũng đẩy mạnh phối hợp với Bộ Công an trong việc kết nối nền tảng dữ liệu đang có như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ cho việc định danh, xác thực điện tử chính xác và cung cấp những dịch vụ an toàn, tiện lợi, nhanh chóng, uy tín, hợp lý.

Cuối cùng, không thể thiếu được là trong kỷ nguyên số thì rủi ro là rất lớn và thường trực. Bởi vậy, chúng tôi cũng xác định các ngân hàng và Ngân hàng nhà nước (NHNN) phải an toàn trong dịch vụ. Chúng ta cũng đã chứng kiến những vụ gian lận, tấn công vào người dùng… chính vì vậy người dùng cũng phải được cung cấp thông tin, kiến thức, được giáo dục kỹ năng an toàn tài chính để tận dụng tốt nhất các sản phẩm số của ngân hàng.

img0280-16643573812361983583683
Ông Nguyễn Phúc Dương, Phó Giám đốc Khối Công nghệ thông tin & Ngân hàng điện tử HDBank kiêm Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số.

HDBank xác định chiến lược chuyển đổi số rất quan trọng

Chuyển đổi số trong ngành ngân hàng không chỉ đơn giản là ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain… thay vào đó là chuyển đổi toàn bộ mô hình, chiến lược và văn hóa kinh doanh của ngân hàng trên nền tảng đổi mới công nghệ. Với HDBank, liệu đây có phải là cơ hội từ quá trình chuyển đổi số?

Ông Nguyễn Phúc Dương, Phó Giám đốc Khối Công nghệ thông tin & Ngân hàng điện tử HDBank kiêm Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số: HDBank xác định chiến lược chuyển đổi số rất quan trọng. HDBank đã làm việc với đối tác hàng đầu thế giới là BCG để tư vấn chiến lược chuyển đổi 5 năm cho chuyển đổi số cũng như triển khai chiến lược kinh doanh 5 năm. Dựa vào đó, từ năm 2020, HDBank đã thành lập trung tâm chuyển đổi số và chú trọng tuyển dụng các nhân tài trong và ngoài nước giỏi ngoại ngữ, các công nghệ về trí tuệ nhân tạo, Big data, Blockchain và kỹ năng làm việc nhóm để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ngân hàng triển khai nhanh nhất.

Thời gian COVID-19 cũng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở HDBank. Tất cả cuộc họp chuyển sang trực tuyến, phê duyệt các thủ tục giấy tờ làm trực tuyến thông qua các hệ thống và ứng dụng chữ ký số tuân thủ quy định của Nhà nước.

Ngoài ra, HDBank cũng xác định rõ các nội dung chính cần tập trung. Chuyển đổi số ngoài yếu tố đầu tư công nghệ thì yếu tố quan trọng hơn nữa là con người và quy trình. Đối với con người, làm sao xây dựng được đội ngũ trung tâm chuyển đổi số phối hợp chặt chẽ với khối công nghệ. Con người là nhân sự của ngân hàng. Vì mình số hóa các quy trình, giảm thiểu thời gian thực hiện giao dịch thì có thể ảnh hưởng các hoạt động truyền thống của mình. Như vậy, làm sao để thay đổi được tư duy của các nhân sự đó, họ nhận thức được vấn đề và họ sẽ hỗ trợ việc thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn.

Thứ hai là quy trình. Quy trình trước đây rất nhiều bước, bây giờ ứng dụng số hoá vào thì có thể rút ngắn rất nhiều nên giảm thiểu và tiết kiệm được nhiều chi phí cho ngân hàng. Ở đây tập trung vào các nhóm chính HDBank đang xác định là thứ tự ưu tiên và làm quyết liệt trong vòng 2 năm vừa qua.

Thứ nhất là tập trung vào hành trình của khách hàng, cá nhân và doanh nghiệp để làm sao đơn giản hoá và lấy khách hàng làm trọng tâm. Nhiều ngân hàng cũng làm chuyển đổi số nên sản phẩm của HDBank phải có gì khác biệt. Đơn giản là chỉ một vài bước phải mở được tài khoản khách hàng thông qua eKYC, xác thực căn cước công dân tại quầy hoặc thông qua ứng dụng mobile app của HDBank cũng như thông qua ATM. Như vậy, khách hàng mới thấy thích thú và sử dụng nhiều dịch vụ hơn của HDBank, gia tăng số lượng khách hàng cho HDBank.

Nhánh thứ hai là tập trung vào phân tích dữ liệu của hệ sinh thái số. HDBank và tập đoàn có hệ sinh thái rất quan trọng. Nếu khai thác tốt được thì sẽ hỗ trợ rất tốt cho kế hoạch của HDBank. Như vậy, cần có các chuyên gia có kinh nghiệm về AI, Big data và Blockchain để có thể phân tích đưa ra các mô hình dữ liệu này, từ đó có thể đưa ra các sản phẩm dịch vụ, có góc nhìn 360 độ về khách hàng. Ví dụ như khách hàng HDBank sử dụng dịch vụ gì trong hệ sinh thái, có liên quan đến ngân hàng chưa, từ đó có thể đưa ra các dịch vụ cho ngân hàng. HDBank gọi đó là customer 3600 view. Từ đó khách hàng có nhiều dịch vụ gắn kết hơn với ngân hàng.

Điểm thứ ba rất quan trọng là về an toàn thông tin. Do triển khai rất nhiều dịch vụ từ thẻ, kênh số mobile app… nên an toàn thông tin rất quan trọng. Do đó ngoài yếu tố ngân hàng chủ động đầu tư đội ngũ an ninh thông tin, giám sát các giao dịch cũng như các hệ thống cung cấp dịch vụ trực tuyến cho khách hàng, ngân hàng cũng tăng cường quá trình đào tạo cũng như phổ biến cho nhân sự của ngân hàng, cập nhật nhanh các lỗi liên quan đến bảo mật để đảm bảo hệ thống ngân hàng hoạt động được an toàn nhất. Cái này rất quan trọng thì mới hỗ trợ được bài toán về số.

Thứ tư là quy trình. Trong ngân hàng có rất nhiều quy trình. Ví dụ để ứng dụng robot tự động hoá các quy trình đó thì sẽ có từng bước một. Cần xác định được cái nào là quan trọng để tập trung xử lý. Tiến tới trong thời gian sớm nhất sẽ số hoá các quy trình để ngắn gọn, các hoạt động giao dịch sẽ số hoá triệt để.

Nhiều người nói chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là cuộc cách mạng về công nghệ. Theo ông, NHNN sẽ đề xuất cơ chế chính sách như thế nào để khuyến khích đổi mới sáng tạo và ứng xử với rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng số?

Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán, NHNN: Tôi đồng quan điểm với nhận định chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế hơn là cuộc cách mạng về công nghệ. Phân tích ra ta có thể thấy số chỉ là công cụ, đòn bẩy, còn chuyển đổi là thay đổi rất lớn, từ tư duy, nhận thức đến văn hóa, khả năng thích ứng với sự thay đổi của thị trường và người dùng. Điều này đã được thể hiện xuyên suốt trong Quyết định 810 của NHNN. Quan điểm cải cách chính sách và quy định là một trong những trụ cột chuyển đổi số của ngành ngân hàng cũng đã được đề ra trong những nhiệm vụ, giải pháp của Quyết định 810.

Thời gian qua, NHNN được đánh giá là một trong những bộ ngành đi đầu về đổi mới sáng tạo và thúc đẩy các quy định, chính sách, tạo thuận lợi cho chuyển đổi số. Đơn cử, NHNN đã cùng các bộ ngành liên quan tham mưu trình Chính phủ quyết định thí điểm sử dụng tài khoản viễn thông cho thanh toán hàng hóa giá trị nhỏ theo Quy định 1818.

Trong bối cảnh dịch bệnh, chúng tôi rất gấp gáp chủ động nghiên cứu ban hành 2 thông tư: đó là Thông tư 16 quy định về mở tài khoản trực tuyến theo cách thức phi truyền thống. Trước đây thì phải đến chi nhánh ngân hàng, trực tiếp xuất trình các giấy tờ. Chúng tôi đã nghiên cứu cách thức mới, chỉ sử dụng các ứng dụng ngân hàng, tải về các ứng dụng di động kết hợp với công nghệ, chẳng hạn nhận diện sinh trắc học, đối chiếu giữa đặc điểm sinh trắc học với các giấy tờ tùy thân như căn cước công dân để cho phép khách hàng mở tài khoản thuận tiện, có thể sử dụng được ngay và giúp ích rất nhiều cho người dân trong bối cảnh giãn cách dịch bệnh, giãn cách xã hội, cần phải thanh toán trực tuyến, phục vụ nhu cầu dân sinh và hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng ban hành Thông tư 17 về mở thẻ trực tuyến. Chúng tôi đang xây dựng và trình Chính phủ 2 nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt thay thế Nghị định 101 và Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng. Hai nghị định này được coi là đổi mới về mặt thể chế, quy định để tạo thuận lợi cho chuyển đổi số trong hoạt động thanh toán, và chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng thời gian tới.

Trước phần chia sẻ của Ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, chuyên gia kinh tế, TS. Phạm Xuân Hòe đồng tình với quan điểm về thách thức lớn nhất là câu chuyện về hành lang pháp lý, còn thiếu và không đồng bộ. Ví dụ như Luật Giao dịch điện tử chưa kịp sửa, rồi Luật Kế toán. Luật Kế toán cũng đã có những câu chuyện mắc cho số hóa ngành ngân hàng, đơn giản chỉ là dấu chấm hay dấu phẩy trong quá trình số hóa của ngành cũng đã khó khăn rồi. Hoặc chữ ký số. Hay câu chuyện chúng ta chia sẻ dữ liệu dân cư thế nào để các tổ chức tín dụng có thể dùng eKYC xác thực khách hàng. Đấy là những hành lang pháp lý mà tôi muốn nói.

Cái thứ hai rất khó khăn cho các ngân hàng thương mại là vốn đầu tư cho công nghệ thông tin rất lớn. Không phải một sớm một chiều mà có ngay tiền được. Theo khảo sát của chúng tôi, những ngân hàng bỏ ra 3% chi phí thì có dưới 50%, còn lại khoảng 13% các ngân hàng đầu tư khoảng trên 13% chi phí cho IT, mà 13% cho IT thì không hề đơn giản.

Thách thức thứ ba rất quan trọng là vấn đề về nhân sự, là con người, bởi trong môi trường số mà những người không hiểu về số, không hiểu về CNTT, về bảo mật an toàn thì chắc chắn là sẽ vi phạm. Không được đào tạo lại cũng rất nguy hiểm.

Thách thức thứ tư là câu chuyện như anh Hùng nói, hacker tấn công trên không gian mạng. Rõ ràng, ngân hàng luôn bị các loại tội phạm tấn công, như tấn công vào tài khoản, ăn trộm mật khẩu… và luôn có rủi ro bị mất tiền. Đấy là câu chuyện chúng ta phải nhận thức rõ.

Thách thức thứ năm là mặt bằng nhận thức chung của đại bộ phận khách hàng về chuyển đổi số, cũng như sử dụng sản phẩm số vẫn chưa theo kịp với công nghệ phát triển ngày nay. Chính vì thế mà nhiều người chủ quan, dẫn đến cho mượn tài khoản, thậm chí cho cả người thân, con cái mật khẩu, mã số giao dịch, dẫn đến mất trộm tiền.

Năm thách thức trên là những thách thức mà chúng tôi nhìn thấy rất rõ trong quá trình đó. Chính những thách thức đó làm giảm tốc độ chuyển đổi số. Ngành ngân hàng chuyển đổi số tốt thì sẽ được kinh tế số, kinh tế chia sẻ rồi tất cả mọi thứ của hệ sinh thái trong nền kinh tế số mà các ngân hàng phục vụ. Tôi nói ví dụ như vừa rồi HDBank nói đến hệ sinh thái số. Chúng ta chỉ cần vào một cái app là đủ các dịch vụ phục vụ người dân. Đáng lẽ hành lang pháp lý cũng cần phải đồng bộ như anh Hùng nói thì đương nhiên các ngân hàng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Nhưng phải nói đúng là ngành ngân hàng dũng cảm thật. Nếu không có người đi đầu thì không được gì cả.

Quá trình chuyển đổi số ngành ngân hàng mang đến những khó khăn và thách thức cho các ngân hàng thương mại. Theo ông Nguyễn Quốc Hùng những khó khăn, thách thức chính là gì?

Ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng: Trước hết muốn nhận định những khó khăn thì phải nói đến những cố gắng và những hành lang pháp lý mà hiện nay ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng đang triển khai trong bối cảnh đang hoàn thiện và sửa đổi bổ sung Luật Giao dịch điện tử.

Luật Giao dịch điện tử có từ năm 2005, cách đây 17 năm và chuyển đổi số mạnh nhất là triển khai trong giai đoạn COVID – 19 2019 – 2020, nhưng các tổ chức tín dụng phải chuẩn bị trước đó vài năm. Như vậy ngân hàng phải đi trước một bước. Nhưng để các ngân hàng đi trước một bước thì không phải các ngân hàng tự làm được trên cơ sở Luật Giao dịch điện tử mà phải nói là Ngân hành Nhà nước đã chủ động, đã nhìn nhận thấy xu hướng thế giới, cũng như trong thời gian tới ngành ngân hàng bắt buộc phải chuyển đổi số. Vì vậy đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 35 và nhờ đó mới triển khai được. Còn nếu dự thảo Luật Giao dịch điện tử không thì không thể triển khai được và những hoạt động giao dịch tiện ích như vừa rồi nếu không có Nghị định 35 thì cũng không thể làm được.

Gần như trên 90% các dịch vụ thanh toán liên quan tiền gửi đều có thể triển khai chuyển đổi số. Còn lại vướng mỗi cho vay và các dịch vụ khác liên quan đến các bộ ngành thì chưa thể triển khai được. Kể cả Thông tư 39 giờ cũng không thể sửa đổi được nếu Luật Giao dịch điện tử chưa được sửa đổi bổ sung. Không thể sửa đổi ngay được. Từ đó mới thấy được khó khăn của ngành ngân hàng, các ngân hàng thương mại trong việc triển khai chuyển đổi số.

Có được kết quả hôm nay tôi thấy rất mừng, chúc mừng ngành, các ngân hàng thương mại đã chuyển đổi thành công và thành công lớn nhất là đảm bảo an toàn trong thanh toán.

Vướng mắc ở đây, như tôi đã trao đổi cùng Tổ dự thảo về Luật sửa đổi bổ sung Luật Giao dịch điện tử, bên Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nói là ngành ngân hàng dũng cảm. Những người dự thảo tham mưu Luật để trình Chính phủ trình Quốc hội cũng đã trao đổi với tôi rằng phải công nhận ngành ngân hàng dũng cảm bởi trong bối cảnh Luật như thế mà đạt được những bước đi trước như vậy, chỉ căn cứ vào Nghị định 35 thôi. Tôi nói rằng Ngân hàng Nhà nước ban hành các cơ chế, các thông tư thì yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai các quy định của pháp luật; có nghĩa là căn cứ vào luật, căn cứ các điểm của Nghị định nhưng chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Các tổ chức tín dụng không chịu trách nhiệm thì sao dám làm được việc ấy.

Tôi nghĩ trong chương trình chuyển đổi số giai đoạn hiện nay, ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại gặp rất nhiều khó khăn về hành lang pháp lý nhưng cũng biết vượt qua khó khăn để đáp ứng được yêu cầu vừa đưa vào thực tế ứng dụng được, vừa triển khai theo đúng quy định của pháp luật. Cho nên kết quả thành công như vừa rồi thì các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp phải trên cơ sở pháp luật quy định nhưng cũng phải mạnh dạn đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động của mình một cách hiệu quả nhất, an toàn nhất. Rất mong các cấp các, ngành và người dân hiểu và chia sẻ cho ngành ngân hàng nói chung cũng như các tổ chức tín dụng trong quá trình chuyển đổi số vì thời gian vừa qua cũng xảy ra những chuyện như trục lợi, lừa đảo thông qua tin nhắn, hoặc mất tiền trong tài khoản. Lỗi đó không phải là ngành ngân hàng, ngành ngân hàng đang phải chịu ảnh hưởng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp, kiến nghị với các bộ, ngành liên quan để có giải pháp phù hợp đảm bảo người dân sử dụng các dịch vụ thanh toán thông qua chuyển đổi số một cách an toàn hiệu quả, yên tâm.

Việt Nam là một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu

Ông nhận định như thế nào về sự phát triển của ngân hàng số của Việt Nam? Có ý kiến cho rằng các ngân hàng tại Việt Nam đang đầu tư ngân hàng số theo phong trào, chưa thực sự thực chất, hiệu quả?

Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán NHNN: Thực hiện chuyển đổi số, bản thân các ngân hàng đã xác định phải ứng dụng công nghệ và làm sao phải số hoá để trở thành một ngân hàng số đúng nghĩa, làm sao để người dân là chủ nhân đích thực của công cuộc chuyển đổi số ngành ngân hàng.

Theo khảo sát của chúng tôi, 95% đã xây dựng chiến lược chuyển đổi số và các ngân hàng Việt Nam đã tích cực, chủ động trong việc nắm vững công nghệ 4.0, chẳng hạn như là điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn… để số hoá, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trên hệ thống số.

Trên nghĩa tích cực của chuyển đổi số, ngành ngân hàng bước đầu đã đầu tư 15.000 tỷ đồng cho hoạt động này và đã thu được những thành quả rất tích cực. Việt Nam là một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu khi tỉ lệ tăng trưởng 40% chỉ trong thời gian ngắn. Đại dịch đã giúp ngắn chuyển đổi số ngành ngân hàng, cả ngân hàng và người dân đều được hưởng lợi vì điều này.

Ông Nguyễn Phúc Dương, Phó Giám đốc Khối Công nghệ thông tin & Ngân hàng điện tử HDBank kiêm Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số: HDBank từ nhiều năm qua đã xác định đầu tư công nghệ với chuyển đổi số là yếu tố bắt buộc và định hướng để trở thành ngân hàng số hạnh phúc – Happy Digital Bank.

Với một số kết quả trong thời gian vừa qua, HDBank là 1 trong 4 ngân hàng đầu tiên triển khai thí điểm eKYC – định danh khách hàng trực tuyến và cũng nâng dần lên để thông qua video call để nâng dần hạn mức giao dịch của khách hàng.

Thứ hai, ngân hàng cũng đẩy mạnh ứng dụng robot tự động hoá các quy trình vận hành để tiết kiệm chi phí và tăng thời gian xử lý các hoạt động của ngân hàng.

Ngoài ra, mục tiêu HDBank đẩy mạnh là tập trung theo chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt. Thời gian qua, HDBank tập trung đẩy mạnh triển khai thẻ cũng như phối hợp với một số đối tác lớn như Petrolimex, Vietjet Air để triển khai thẻ đồng thương hiệu, thẻ 4 trong 1 (thẻ quốc dân) để triển khai cho tất cả người dân. Ngân hàng đã triển khai cho hơn 5.000 POS cho các điểm giao dịch của Petrolimex. Đây là tiện ích rất quan trọng để hỗ trợ cho người dân thực hiện các giao dịch đổ xăng không cần sử dụng tiền mặt.

Ngoài ra, HDBank cũng chú trọng nền tảng thanh toán trực tuyến để dịch chuyển dần các giao dịch tại quầy truyền thống sang giao dịch số. Tập trung đẩy mạnh các ứng dụng thông qua kênh Mobile app của HDBank và rất nhiều sản phẩm đã được triển khai trên ứng dụng Mobile app này.

Một phần không thể thiếu HDBank là tập trung triển khai trong thời gian dịch COVID-19 vừa qua là triển khai các kênh hỗ trợ cho khách hàng doanh nghiệp có thể mở tài khoản trực tuyến, giải ngân trực tuyến, phát hành L/C trực tuyến…. HDBank triển khai các website liên kết cho 63 tỉnh, thành phố và trên website có hỗ trợ các sản phẩm đặc thù theo từng tỉnh, thành. Từ đó người dân ở các tỉnh, thành phố vào website đó để thực hiện các giao dịch của ngân hàng.

Quan trọng nhất là chuyển đổi tư duy, chuyển đổi quy trình, chính sách

Có ý kiến cho rằng việc nắm bắt chính xác xu hướng chuyển đổi số ngân hàng sẽ giúp các ngân hàng định hướng các hoạt động của mình. Thưa ông Nguyễn Xuân Hòe, xu hướng chuyển đổi số hiện nay của các ngân hàng là gì?

Chuyên gia kinh tế, TS. Phạm Xuân Hòe: NHNN đã có những bước chủ động đi rất nhanh, sớm về mặt thể chế. Ví dụ như chính sách về trung gian thanh toán đã được đưa ngay vào tầm nhìn.

Hằng năm, trong suốt giai đoạn trước, NHNN tổ chức liên tục các cuộc challage chính sách để tìm ra những sáng tạo cho ngành ngân hàng, tạo ra nền tảng, cú hích rất lớn cho ngành ngân hàng. Đấy là điểm đầu tiên tôi muốn nói.

Về phần tín dụng, chúng ta thấy rằng mặc dù bây giờ đang chuẩn bị sửa đổi, bổ sung Thông tư 39 nhưng trước đó đã có câu chuyện thấu chi. Chính vì thế nên thẻ tín dụng và một số nghiệp vụ thấu chi trên tài khoản của khách hàng cũng giúp cho câu chuyện công nghệ số áp dụng nhanh hơn.

Như vậy 3 trụ cột cho hoạt động dịch vụ ngân hàng, chuyển đổi số ngành ngân hàng đều được NHNN quan tâm thể chế hóa.

Điều thứ hai là NHNN và ngân hàng thương mại rất quan tâm đến chuyển đổi số và quan trọng nhất là chuyển đổi tư duy, chuyển đổi quy trình, chính sách. Hầu hết các ngân hàng đều có lãnh đạo cấp cao là những người xuất phát từ ngành công nghệ thông tin. Và bây giờ NHNN có hẳn 1 Phó Thống đốc phụ trách về CNTT và từ dân IT ra. Tôi nghĩ rằng đó là những điều thuận lợi và khẳng định vị trí, vai trò tiên phong của ngân hàng.

Điểm thứ ba tôi muốn bổ sung về thành quả của chuyển đổi số ngành ngân hàng. Rõ ràng chúng ta thấy rằng chính đại dịch COVID đã tạo ra một địa lợi, một nền tảng để cho công nghệ số ngành ngân hàng đi vào cuộc sống. Lúc đó, do dịch bệnh nên tất cả việc mua bán, thanh toán qua các app. Điều đó rất thuận lợi mà không phải ngẫu nhiên Thủ tướng lại khẳng định là nhân hòa cũng có, địa lợi cũng có và cú hích công nghệ cũng có.

Tôi bổ sung thêm các số liệu để chứng minh: 95% các nghiệp vụ về thanh toán cũng như tiền gửi về cơ bản được thực hiện qua công nghệ số và có những khách hàng cá nhân gần như giao dịch 100% qua công nghệ số.

Đó là lý do tại sao các tổ chức quốc tế đánh giá rằng Việt Nam là một nước đang phát triển nhưng đi đầu trong nhóm phát triển công nghệ số ngành ngân hàng.

Thứ tư, có điều rất thuận lợi là ban lãnh đạo NHNN rất mạnh dạn và đã quyết định cho thí điểm, ví dụ như nhận biết eKYC cho thí điểm trước, có lộ trình. Để đảm bảo chắc chắn các giao dịch đó là tự động, thì phải có nhận biết chính xác đó là khách hàng. Đó là vấn đề an ninh an toàn. Việc đó đã được NHNN cho phép thí điểm với một số khách hàng nên đến bây giờ mới thuận lợi như thế này và thành công.

Đó là những cái tôi muốn điểm lại vì tôi cũng là người trong cuộc và chúng tôi cũng là người tham mưu cho ban lãnh đạo. Ngành Ngân hàng là ngành đầu tiên có tài liệu viết về công nghệ 4.0. Chính vì thế, đó là một điểm rất tốt và một điểm nữa là ban lãnh đạo NHNN đã trình Thủ tướng và có 1 quyết định  không chỉ cho ngành ngân hàng mà cho cả ngành bưu điện: Thí điểm chuyển tiền qua hệ thống bưu điện, mở rộng thanh toán đến vùng sâu vùng xa, nâng khả năng tiếp cận cho người dân vùng sâu vùng xa.

Trong những ngày đầu của khủng hoảng COVID-19, rất khó để chúng ta có thể dự đoán được mức độ nghiêm trọng của đại dịch. Ở thời điểm đó, cũng không mấy ai hình dung được rằng, các kế hoạch chuyển đổi số được thực hiện trước đây đã góp phần quan trọng cho tăng trưởng doanh thu của nhiều ngân hàng bất chấp đại dịch. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định “ngành ngân hàng hội tụ đủ những yếu tố để tiên phong trong chuyển đổi số” và nhiều ý kiến nhận định.

Ông đánh giá thực chất chuyển đổi số trong ngành ngân hàng đến thời điểm này như thế nào? Những lợi ích lớn lao nào mà chuyển đổi số đem lại cho ngành ngân hàng, cho người dân?

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng: Phải nói rằng trong quá trình chuyển đổi số, ngành ngân hàng là ngành đầu tiên đi trước một bước và việc đi trước đó thể hiện rõ nét nhất thông qua bước thử nghiệm vừa rồi. Bước thử nghiệm đó trở thành một thành công vượt qua cả mong đợi, kể cả Kế hoạch 828 tháng 10 đưa ra của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Đến giờ phút này là vượt kế hoạch.

Để làm được điều đó, các ngân hàng tập trung vốn, công nghệ, con người vào chuyển đổi số, tổ chức từ rất sớm và sẵn sàng bỏ ra nguồn lực rất mạnh chi cho chuyển đổi số. Trong thời điểm đó, cũng không thể kỳ vọng được rằng chuyển đổi số sẽ đạt được hiệu quả trong tương lai. Tuy nhiên, đại dịch là vấn đề ảnh hưởng rất lớn trên toàn cầu nhưng cũng là minh chứng rất lớn cho chuyển đổi số ngành ngân hàng.

Kết quả, trong thời kỳ giãn cách, người dân vẫn hoạt động bình thường, vẫn giao dịch thanh toán mua hàng hóa mà vẫn cách ly. Đấy là những kết quả tôi cho rằng nếu không chuyển đổi số thì không thể làm được. Lợi ích của người dân vừa rồi là minh chứng rất rõ ràng cho việc sử dụng dịch vụ của ngân hàng.

Và minh chứng thứ hai là ngành ngân hàng cũng được hưởng lợi khi chuyển đổi số thành công. Ví dụ một số ngân hàng lớn như VP Bank, Techcombank, MB, HDBank… đấy là những ngân hàng chuyển đổi số và đưa vào ứng dụng sớm nhất, cho nên thu được kết quả rất khích lệ. Đó là CASA lên đến 40 – 50% góp phần đưa lợi nhuận của ngân hàng lên rất lớn. Có những lúc người ta chưa hiểu được rằng tại sao ngân hàng lợi nhuận cao đến thế, nhiều như vậy trong bối cảnh dịch bệnh. Lợi nhuận cao như thế, CASA lên đến 40-50% thì hệ số rất lớn, góp phần nâng tỉ lệ lợi nhuận và người dân cũng được hưởng lợi.

Đây cũng là 1 tiền đề để các ngân hàng khác từng bước chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện, đáp ứng nhu cầu của người dân, người dân sử dụng tiện ích nhất và ngân hàng được hưởng lợi. Một trong những điều tôi cảm thấy rất phấn khởi là cả 1 quá trình như vậy hệ thống thanh toán của ngân hàng thông suốt, đảm bảo an toàn, tất cả giao dịch xử lý, kịp thời, nhanh chóng, an toàn.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích