Ngành Hải quan nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao
(Xây dựng) – Năm 2022, ngành Hải quan đã tích cực triển khai thực hiện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Chính phủ, Bộ Tài chính giao. Thông qua việc bám sát chỉ đạo điều hành kịp thời của Chính phủ và Bộ Tài chính, với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, phát huy sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, tích cực hỗ trợ khơi thông hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, kiên quyết đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại. Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị tích cực, chủ động triển khai cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ thành các nhiệm vụ chuyên môn và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã cán mốc 700 tỷ USD. |
Thu ngân sách nhà nước vượt chỉ tiêu
Hoạt động của Hải quan Việt Nam trong năm 2022 không chỉ hoàn thành xuất sắc về số thu mà còn chủ động, tích cực và đạt hiệu quả cao trong công tác thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại, thúc đẩy thông quan nhanh và triển khai hoạt động phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại rất hiệu quả, cụ thể:
Nổi bật trong năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã cán mốc 700 tỷ USD. Đây là con số thực sự ấn tượng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và góp phần tạo nên điểm sáng kinh tế trong bối cảnh đà tăng trưởng kinh tế thế giới và khu vực có dấu hiệu chậm lại.
Tổng cục Hải quan được Quốc hội giao dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) theo Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13/11/2021 là 352.000 tỷ đồng, chỉ tiêu phấn đấu 420.000 tỷ đồng. Kết quả tính đến ngày 18/12/2022, tổng số thu thuế của toàn ngành Hải quan đạt 421.819 tỷ đồng, bằng 119,8% dự toán và bằng 100,4% chỉ tiêu phấn đấu được giao, tăng 14,1% so với cùng kỳ 2021.
Để đạt được kết quả như trên, phải kể đến nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, đã vượt qua khó khăn để ổn định sản xuất, giữ vững thị trường, bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế. Cùng với đó là sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng hành với doanh nghiệp và người dân để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là sự đóng góp quan trọng của ngành Hải quan trong việc hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu, bảo đảm nguồn nguyên liệu, chuỗi cung ứng, cũng như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh thủ tục thông quan.
Công tác tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại, thúc đẩy thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát và tình hình mới được ngành Hải quan triển khai cả về cơ chế chính sách, cải cách hiện đại hóa hải quan, cải cách quy trình thủ tục hải quan; tăng cường ứng dụng hệ thống trang thiết bị hiện đại trong toàn bộ quy trình thủ tục hải quan; đồng thời chủ động đưa ra các giải pháp kịp thời xử lý tình trạng ùn ứ hàng hóa tại các cảng biển, cửa khẩu biên giới tại một số thời điểm.
Các nội dung về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đảm bảo công tác quản lý nhà nước về hải quan, đồng thời đã tháo gỡ được những tồn tại, khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã chú trọng công tác hiện đại hóa và sử dụng có hiệu quả hệ thống trang thiết bị kiểm tra, giám sát hải quan thông qua việc đầu tư Mua sắm hệ thống máy soi hành lý, hàng hóa và hàng chục máy phát hiện hóa chất cầm tay phục vụ công tác quản lý, kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu bằng máy soi container tại các địa bàn có rủi ro cao; Tăng cường công tác quản lý, sử dụng seal định vị điện tử. Đồng thời tiếp tục đầu tư, trang bị và đưa vào sử dụng 19 phòng quan sát camera để phục vụ công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh qua các địa bàn hoạt động hải quan, giúp lãnh đạo các đơn vị và Tổng cục Hải quan chỉ đạo, điều hành, giám sát trực tuyến hoạt động thực thi công vụ của công chức hải quan, nhằm đảm bảo phòng ngừa tiêu cực, nhũng nhiễu, tạo môi trường minh bạch, trong sạch.
Công tác đơn giản, tự động hóa quy trình thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại cũng được Tổng cục Hải quan đẩy mạnh triển khai. Tính đến ngày 15/11/2022, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 250 thủ tục hành chính của 13 Bộ, ngành kết nối; Mở rộng và triển khai có hiệu quả Cơ chế một cửa ASEAN thông qua việc duy trì kết nối chính thức để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Đây không chỉ là yếu tố tiên quyết của quá trình phát triển mà còn là “bộ lõi” quan trọng để thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong ngành Tài chính nói chung và công tác quản lý nhà nước về hải quan nói riêng.
Tổng cục Hải quan chú trọng công tác hiện đại hóa và sử dụng có hiệu quả hệ thống trang thiết bị kiểm tra, giám sát hải quan. |
Tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính
Để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2023 trước tình hình thế giới, trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột quân sự giữa Nga-Ukraine còn kéo dài; quan điểm điều hành chính sách của nhiều quốc gia thay đổi, đảo chiều nhanh; thời điểm nới lỏng phòng, chống dịch của Trung Quốc chưa chắc chắn, Tổng cục Hải quan đã quán triệt các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan, các Cục Hải quan tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp như sau:
Tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực Hải quan theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch, giải quyết kịp thời vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền liên quan đến thủ tục Hải quan, chính sách thuế, công tác quản lý thuế, chế độ kế toán, chế độ hoàn thuế, miễn thuế, tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu. Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với ngân hàng để thực hiện thí điểm nộp thuế điện tử 24/7 đảm bảo cho người nộp thuế có thể nộp tiền thuế vào mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện.
Tiếp tục áp dụng các chuẩn mực quốc tế, quy trình quản lý hải quan hiện đại nhằm tạo thuận lợi tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo giám sát, quản lý chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật.
Tăng cường công tác kiểm soát hải quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra, kiểm tra, điều tra chống buôn lậu, đẩy mạnh công tác kiểm tra trị giá, mã trong thông quan, tập trung rà soát, đánh giá phân tích thông qua Hệ thống GTT02, hệ thống trực ban trực tuyến và các hệ thống công nghệ thông tin đối các mặt hàng có rủi ro cao gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, khai sai mã số, khai ngụy trang tên hàng hoặc khai tên hàng không rõ ràng, đầy đủ, đặc biệt là các mặt hàng nhập khẩu có điều kiện, các lô hàng vận chuyển độc lập, hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, quá cảnh và hàng hóa đưa về bảo quản chờ thông quan,….
Tập trung rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế; phân loại các nhóm nợ, tình trạng nợ thuế của doanh nghiệp, đưa ra biện pháp xử lý theo đúng quy định; quyết liệt xử lý, cưỡng chế, thu hồi nợ thuế theo quy định của pháp luật, giảm nợ đọng thuế, định kỳ công khai các doanh nghiệp nợ thuế; không để phát sinh nợ mới, không để nợ tại thời điểm 31/12/2023 cao hơn thời điểm 31/12/2022.
Kiểm soát chặt chẽ công tác miễn thuế, giảm thuế và hoàn thuế, đảm bảo việc miễn thuế, giảm thuế và hoàn thuế đúng đối tượng, đúng chính sách pháp luật của nhà nước, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật.
Trên cơ sở kết quả đạt được cộng với quyết tâm triển khai có trách nhiệm các giải pháp thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, người lao động ngành Hải quan, chúng ta có thể tin tưởng rằng Tổng cục Hải quan sẽ hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong năm 2023.
Nguồn: Báo xây dựng