Ngành giáo dục và đào tạo Bắc Giang năm 2022

Ảnh 1 GĐ sở GDĐT
Ông Tạ Việt Hùng – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang.

 PV: Thưa ông, được biết những năm qua Bắc Giang luôn là tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh có kết quả phổ cập giáo dục dẫn đầu khu vực và toàn quốc. Xin ông cho biết, một số nhiệm vụ trọng tâm của ngànhGD&ĐT Bắc Giang trong năm 2022?

Ông Tạ Việt Hùng: Ngành GD&ĐT Bắc Giang xác định thực hiện phổ cập giáo dục (PCGD), xóa mù chữ, thực hiện mục tiêu: “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” một cách toàn diện, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Đến tháng 12/2021, có 10/10 huyện, thành phố đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2, chuẩn PCGD mầm non, PCGD tiểu học mức độ 3; có 8/10 huyện, thành phố đạt chuẩn PCGD Trung học cơ sởmức độ 3.

 Năm 2022, Sở GD&ĐT Bắc Giang thực hiện xây dựng kế hoạch triển khai nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có 3 nhiệm vụ được Chủ tịch UBND tỉnh giao và 03 nhiệm vụ sở đăng ký được Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận, trong đó, có 01 nhiệm vụ hoàn thành PCGD Trung học cơ sở mức độ 3.

 Cụ thể 6 nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 như sau:

  • Chủ động, linh hoạt, sáng tạo các hình thức tổ chức dạy học, hoạt động giáo dục phù hợp với địa phương, bảo đảm an toàn, hiệu quả trong bối cảnh dịch Covid – 19; đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục, duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện các cấp học. Thi học sinh giỏi quốc gia duy trì trong Top 15 toàn quốc. Phấn đấu tiếp tục có học sinh dự thi vòng 2 (ôn luyện dự thi khu vực).
  • Triển khai thực hiện đề án phát triển trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS, THPT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 theo đúng mục tiêu, lộ trình đề ra.
  • Chuẩn bị tốt các điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT) năm học 2022 – Hoàn thành biên soạn và xuất bản bộ tài liệu giáo dục địa phương đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10 năm học 2022 – 2023.
  • Duy trì và nâng cao chất lượng PCGD các cấp học và xóa mù chữ

+ Duy trì 100% các xã, phường, thị trấn đạt xóa mù chữ mức độ 2 (209/209 xã).

+ Duy trì 100% các xã, phường, thị trấn đạt PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi (209/209 xã).

+ Duy trì 100% các xã, phường, thị trấn đạt PCGD tiểu học đúng độ tuổi mức độ 3 (209/209 xã).

+ Duy trì 100% các xã, phường, thị trấn đạt PCGD trung học cơ sở mức độ 2 (209/209 xã).

+ Phấn đấu có 100% (209/209) xã, phường, thị trấn đạt PCGD trung học phổ thông mức độ 3.

  • Thực hiện tích cực đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tỷ lệ học sinhtốt nghiệp THPT đạt 97,5%
  • Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học; nâng cao chất lượng trường học đạt chuẩn quốc gia đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình GDPT.

+ Chỉ tiêu 1: tỉ lệ phòng học kiên cố mầm non: 93,9%.

+ Chỉ tiêu 2: tỉ lệ phòng học kiên cố tiểu học: 95,5%.

+ Chỉ tiêu 3: tỉ lệ phòng học kiên cố trung học cơ sở: 98,5%.

+ Chỉ tiêu 4: tỉ lệ phòng học kiên cố trung học phổ thông (công lập): 95%.

+ Chỉ tiêu 5: tỉ lệ trường chuẩn quốc gia mức độ 1 toàn tỉnh: 95%.

+ Chỉ tiêu 6: tỉ lệ trường chuẩn quốc gia mức độ 2 toàn tỉnh: 19,1%.

 Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh trao Cờ thi đua của Chính phủ  cho Trường Tiểu học thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang.
 Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh trao Cờ thi đua của Chính phủ  cho Trường Tiểu học thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang.

 PV: Xin ông cho biết cụ thể các hoạt động và kết quả của ngành GD&ĐT Bắc Giang trong việc tổ chức triển khai thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục?

Ông Tạ Việt Hùng: Hiện ngành GD&ĐT tỉnh Bắc Giang đang trong lộ trình đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT theo Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng với phương châm: giáo dục phải phát triển theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá, dân chủ hóa để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển địa phương, đất nước. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, GD&ĐT Bắc Giang đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Một trong những giải pháp đột phá, hiệu quả được ngành GD&ĐT Bắc Giang lựa chọn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục là: “đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy, từng bước tiếp cận chuyển đổi số trong giáo dục, nhằm bắt kịp bước đi của thời đại trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0”.

 Hiện Sở GD&ĐT đã áp dụng toàn diện hệ thống quản lý văn bản và điều hành công việc trong nội bộ cơ quan. 100% văn bản, hồ sơ đến và đi được cập nhật trên hệ thống. 100% lãnh đạo sở đã thực hiện ký số văn bản. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai mở rộng phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp tới 100% các đơn vị trực thuộc sở.

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành bảo đảm đồng bộ, liên thông với hệ thống của Trung ương, của tỉnh. 100% các cơ sở giáo dục sử dụng có hiệu quả hệ thống phần mềm quản lý nhà trường, là tiền đề triển khai sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử và áp dụng mô hình giáo dục điện tử, lớp học thông minh, trường học thông minh. Hiện đã áp dụng sổ điểm và học bạ điện tử đối với giáo dục phổ thông.

 Toàn ngành đã đầu tư, xây dựng hệ thống phòng họp trực tuyến chuyên dụng với 21 điểm cầu. Từ năm 2018, đã vận hành thường xuyên hệ thống hội nghị, họp, hội thảo trực tuyến từ sở với 21 điểm cầu với số người tham gia quy mô lớn. Từ năm 2020, khi dịch bệnh Covid – 19 diễn ra, hầu hết các hoạt động chỉ đạo, điều hành, hội họp, tập huấn, sinh hoạt chuyên môn, triển khai nhiệm vụ của ngành đều diễn ra dưới hình thức trực tuyến, qua nền tảng Microsoft Teams.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT đã chủ động phối hợp với các đơn vị viễn thông, hỗ trợ đường truyền băng thông rộng cho các nhà trường, cấp thêm tài khoản 3G, 4G cho cha mẹ học sinh, học sinh truy cập internet để học trực tuyến miễn phí. Đề nghị Microsoft Việt Nam hỗ trợ cung cấp miễn phí hơn 500 ngàn tài khoản trên Microsoft Teams, phần mềm có khả năng thực hiện các bài giảng theo chuẩn LMS, cuộc họp qua video call, lưu trữ tài liệu, bài giảng. Phối hợp với nền tảng trực tuyến onluyen.vn hỗ trợ cấp hơn 100 nghìn tài khoản miễn phí được nhúng vào hệ sinh thái của Microsoft Teams để học sinh được học trong thời gian cách ly.

 PV: Được biết, tính đến tháng 12/2021 trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 2/10 huyện có 100% số trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (tính theo luỹ kế), cao nhất mới chỉ có 1/10 huyện, có 43,8% số trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, cá biệt có huyện chỉ có 7,4%. Vậy năm 2022 tỉ lệ các trường của tỉnh đạt chuẩn quốc gia sẽ thay đổi như thế nào thưa ông?

Ông Tạ Việt Hùng: Việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia được cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Bắc Giang rất quan tâm, xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế – xã hội của mỗi địa phương; được cụ thể hóa trong Nghị quyết của HĐND và kế hoạch của UBND các cấp. Bởi vậy, đến nay, toàn tỉnh có 704 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (đạt 93,7%), 120 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 (đạt 16%); trong đó, 239 trường mầm non đạt chuẩn mức độ 1 (đạt 95,2%), 44 trường mức độ 2 (đạt 17,5%); 217 trường tiểu học đạt chuẩn mức độ 1 (đạt 98,6%), 60 trường mức 2 (đạt 27,3%); 214 trường trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (đạt 92,2%), 15 trường mức độ 2 (đạt 6,5%); 34 trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (đạt 70,8%), 01 trường mức độ 2 (đạt 2,1%).

Năm 2022, bám sát chỉ tiêu của tỉnh giao, ngành GD&ĐT tiếp tục tập trung chỉ đạo và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, xây dựng trường chuẩn quốc gia. Củng cố vững chắc và nâng cao chất lượng các tiêu chí theo tiêu chuẩn của trường học đạt chuẩn quốc gia. Đối với trường đã đạt chuẩn, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, bồi dưỡng giáo viên, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện nhằm củng cố vững chắc các trường đã đạt chuẩn quốc gia, đồng thời chuẩn bị các điều kiện nâng chuẩn cho các trường từ mức độ 1 lên mức độ 2.

 Ngành GD&ĐT phấn đấu hết năm 2022 sẽ có 710 trường (95%) đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (trong đó 239 trường mầm non; 218 trường tiểu học; 218 trường trung học cơ sở và 35 trường trung học phổ thông). Có 147 trường (19,1%) đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 (trong đó 54 trường mầm non; 65 trường tiểu học; 22 trường trunghọc cơ sở và 2 trường trung học phổ thông)./.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích