Ngành Giáo dục: Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo
(Xây dựng) – Theo Báo cáo Kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2023 – 2024, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024 – 2025 công bố mới đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành Giáo dục đã quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.
Quang cảnh Hội nghị tổng kết năm học 2023 – 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 – 2025 ngày 19/8. |
Thiết lập một hệ thống giáo dục đại học mở, công bằng, bình đẳng
Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang khẩn trương triển khai xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050140 theo hướng thiết lập một hệ thống giáo dục đại học mở, công bằng, bình đẳng, chất lượng, hiệu quả và phục vụ nhu cầu học tập suốt đời; đáp ứng nhu cầu về nhân lực chất lượng cao, tăng cường nghiên cứu khoa hoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và đất nước; bảo đảm đầu tư công bằng, khách quan, khoa học, công khai, minh bạch và hiệu quả, đồng thời là cơ sở huy động nguồn lực xã hội phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học; trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành và triển khai các Kế hoạch thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới; Chương trình tăng cường kiểm soát và nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật giai đoạn 2023 – 2030; Chương trình Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022 – 2030.
Đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp chip bán dẫn tại Việt Nam; tổ chức Hội thảo về đào tạo nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn với 40 cơ sở giáo dục đại học và các Bộ, ngành và doanh nghiệp liên quan để xây dựng kế hoạch triển khai thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn; hình thành liên minh các trường đại học hàng đầu về kỹ thuật, công nghệ của Việt Nam; phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan xây dựng Đề án đào tạo nguồn nhân lực, kỹ sư, chuyên gia về chip bán dẫn, Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050…
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập 10 Hội đồng tư vấn xây dựng chuẩn chương trình đào tạo; đồng thời, phối hợp với các cơ sở đào tạo triển khai xây dựng 11 chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học và xây dựng 09 chuẩn chương trình đào tạo trình độ sau đại học; triển khai đánh giá thực trạng hoạt động sở hữu trí tuệ trong cơ sở giáo dục đại học; tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý khoa học và công nghệ về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo; Hội nghị triển khai hoạt động khoa học và công nghệ năm 2024; diễn đàn thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và đào tạo giữa doanh nghiệp FDI với các cơ sở giáo dục đại học.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học thực hiện nhiệm vụ năm học 2023 – 2024 nhằm nâng cao năng lực quản trị đại học; hoàn thiện và phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng để xây dựng văn hóa chất lượng trong giáo dục đại học, lấy chất lượng làm nền tảng, là yêu cầu xuyên suốt trong mọi hoạt động giáo dục đại học; triển khai toàn diện các giải pháp bảo đảm chất lượng trong tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học; gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trên cơ sở đó, căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương và nhà trường, các cơ sở đào tạo đã xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ giáo dục đại học năm học 2023 – 2024 bảo đảm thiết thực, hiệu quả.
Đến nay, cả nước có 171/174 cơ sở giáo dục đại học công lập đã thành lập hội đồng trường (đạt tỷ lệ 98,3%); trong đó, có 36/36 cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và 58/60 cơ sở giáo dục đại học tư thục đã thành lập Hội đồng trường146. Bên cạnh đó, các trường đẩy mạnh phát triển đội ngũ có trình độ chuyên môn cao, đặc biệt ưu tiên tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng giảng viên có trình độ tiến sỹ. Đến nay, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sỹ đạt 33,5%.
Đến nay, đã có 32,76% trường đại học đã tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; 13,79% trường đại học đã tự bảo đảm chi thường xuyên. Số trường chưa bảo đảm chi thường xuyên nhưng có kế hoạch tự đảm bảo chi thường xuyên trong thời gian sắp tới chiếm khoảng 16,38%. Tỷ lệ các trường hiện đang được ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên rất thấp (chỉ chiếm 3,45%).
Các địa phương tạo cơ chế cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư kinh phí, xây dựng cơ sở vật chất trường mầm non. (Ảnh: TL) |
Các cơ sở giáo dục đại học ngày càng chủ động hơn trong việc quyết định hướng nghiên cứu và tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ. Đặc biệt, theo công bố tại website research.com (cổng thông tin điện tử uy tín dành cho các nhà khoa học thế giới) vừa công bố kết quả xếp hạng các nhà khoa học có thành tích xuất sắc nhất năm 2024, có 19 nhà khoa học là người Việt Nam đã có tên trong bảng xếp hạng ở 10 lĩnh vực, tăng hơn so với năm học trước.
Kết cấu hạ tầng các cấp học được tăng cường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa
Một số tỉnh, thành phố đã xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non, đẩy mạnh chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục để thúc đẩy phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập như: Hỗ trợ 100% chi phí giải phóng mặt bằng trong ranh giới thực hiện dự án theo quy hoạch được duyệt, cho thuê đất đã giải phóng mặt bằng để xây dựng trường mầm non, miễn thuế thuê đất trong suốt thời gian thực hiện dự án, tạo môi trường thông thoáng để các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục mầm non.
Các địa phương đã tạo cơ chế cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư kinh phí, xây dựng cơ sở vật chất trường mầm non, sau đó bàn giao cho UBND huyện, thành phố để phát triển thêm trường công lập tại khu công nghiệp – khu chế xuất để nuôi dạy con em công nhân và con em nhân dân trên địa bàn. Trẻ học tại các trường mầm non này, phụ huynh chỉ đóng một phần tiền ăn còn lại công ty hỗ trợ 100% học phí và các khoản phụ thu khác.
Đồng thời, các địa phương đã tích cực triển khai các Chương trình, Đề án ủa Chính phủ với mục tiêu bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị trường học để thực hiện chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Cùng với đó, các dự án ODA, các Chương trình, Đề án có nguồn vốn ngân sách Trung ương là cơ sở để các địa phương huy động các nguồn lực bảo đảm cơ sở vật chất trường, lớp học. Kết cấu hạ tầng các cấp học được tăng cường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.
Hệ thống trường, lớp tiếp tục được quy hoạch, đầu tư đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Theo thống kê, cả nước hiện có 38.260 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS và THPT công lập với 657.912 lớp.
Mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đã được tăng cường đầu tư tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt ở một số trường vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Tại một số địa phương, vẫn có hiện tượng thiếu phòng học tại các khu vực có mật độ dân cư cao, các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Đặc biệt, các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn vẫn còn tồn tại phòng học nhờ, phòng học mượn, tập trung chủ yếu tại cấp học mầm non và tiểu học. Số phòng học chưa được kiên cố hóa vẫn còn cao (cả nước còn khoảng 15,5% số phòng học chưa được kiên cố hóa), tập trung chủ yếu ở các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; tỷ lệ đáp ứng về thiết bị dạy học theo chuẩn quy định trên phạm vi cả nước còn thấp (mới chỉ đạt 50,63%).
Nguồn: Báo xây dựng