Ngành dệt may nỗ lực hướng tới mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm 2024

1
Dệt may Việt Nam hướng tới mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD vào năm 2024. 

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành dệt may năm 2023, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho hay, nếu như năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt 44,4 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm 2021 thì sang đến năm 2023, ngành dệt may phải đối diện với nhiều thách thức do tác động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, trong đó vấn đề lạm phát ở các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ, châu Âu khiến sức mua giảm, đơn hàng sụt giảm, lãi suất tăng cao và chênh lệch tỷ giá… Với bài học kinh nghiệm thu hái được trong năm 2023, năm 2024 ngành dệt may Việt Nam phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD.

Đối diện nhiều khó khăn, thách thức

Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu, năm 2023, ngành dệt may Việt Nam đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức khi đơn giá giảm hơn 30%; cá biệt, mặt hàng số lượng lớn giảm tới 50% do các quốc gia tập trung cạnh tranh về giá, lấy đơn hàng.

Bên cạnh đó, khách hàng còn yêu cầu đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng ngắn, chỉ 10-14 ngày, trong khi trước đây khoảng 40 ngày đối với hàng CM (gia công), 70 ngày đối với hàng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm)…, đã tạo ra nhiều áp lực đối với doanh nghiệp. Nhờ tập trung nguồn lực, đưa ra các phương án kịp thời trong điều hành sản xuất, kinh doanh đã giúp đơn vị hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Cụ thể, tổng doanh thu của Vinatex năm qua đạt 17.225 tỷ đồng, bằng 104,4%; lợi nhuận trước thuế đạt 377 tỷ đồng, bằng 101,9% kế hoạch. Vinatex và các doanh nghiệp thành viên đã nỗ lực bảo đảm việc làm và thu nhập cho gần 62 nghìn người lao động thông qua việc giảm lợi nhuận nhằm duy trì lực lượng lao động với thu nhập bình quân đạt 9,45 triệu đồng/người/tháng, đạt 96% so với năm 2022, nhưng số giờ làm giảm xuống 15%,…

“Ðạt được thành quả nêu trên là sự nỗ lực, kiên cường bám trụ của người lao động toàn hệ thống. Ðể duy trì đơn hàng, các doanh nghiệp phải tiếp cận đơn hàng rất nhỏ, kỹ thuật khó, ít lặp lại, thời gian giao hàng ngắn, chấp nhận hy sinh năng suất và phương thức tổ chức sản xuất so với trước đây để sản xuất các mã hàng lớn có năng suất cao,…” – ông Cao Hữu Hiếu nhấn mạnh.

Nhận định về tín hiệu thị trường thời gian tới, Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị Vinatex Vương Ðức Anh cho rằng, các dự báo cho thấy những hy vọng nền kinh tế thế giới có sự cải thiện. Tại thị trường Mỹ, tín hiệu có thể có ba đợt cắt giảm lãi suất lên tới 0,75%, tạo động lực thúc đẩy tiêu dùng trở lại. Một số quốc gia cạnh tranh gặp nhiều vấn đề về lao động, xung đột vũ trang trong nước, trong khi Việt Nam được đánh giá điểm đến an toàn, có ưu thế để thu hút các đơn hàng trở lại. Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng có những thách thức mới như: Tiền lương tối thiểu tăng 6% từ ngày 1/7 tới, giá điện có thể tiếp tục tăng sau khi đã tăng hơn 7% năm 2023,…

Tương tự, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) Nguyễn Xuân Dương lưu ý, lượng đơn hàng những tháng đầu năm có tín hiệu khởi sắc nhưng mức giá tương đương so với năm 2023 và vẫn giảm khoảng 20-30% so với trước kia. Ngoài ra, do bất ổn ở khu vực Biển Ðỏ đã đẩy cước vận tải và logistics tăng cao, trong khi cầu tiêu dùng thế giới phục hồi chậm; đơn hàng diễn biến theo tuần sẽ là những thách thức doanh nghiệp cần chủ động ứng phó.

Nỗ lực đạt mục tiêu mới

2
Sản xuất hàng may mặc tại Xí nghiệp Sơ mi, Veston của Tổng Công ty May 10 tại Sài Đồng, Quận Long Biên, Hà Nội.

Theo nhận định từ các chuyên gia, năm 2024, ngành dệt may sẽ phải tiếp tục đối mặt những vấn đề như: Đơn hàng xuất khẩu còn giảm, dù đang bớt đi; chuỗi cung ứng còn rủi ro, chi phí đầu vào còn cao; rủi ro nghĩa vụ trả nợ còn cao; rủi ro lãi suất, tỷ giá giảm; xu hướng chuyển đổi số; xu hướng xanh hóa, kinh doanh tuần hoàn diễn ra nhanh…

Giải pháp chính của ngành dệt may vẫn sẽ đến từ việc đầu tư cho phát triển bền vững, phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực; trong đó ngành dệt may Việt Nam cần chủ động nguồn nguyên liệu xanh, tái chế, tăng dần tỷ trọng sợi tái chế trong sản phẩm vải cũng như sợi hữu cơ đối với các sản phẩm mới; đầu tư cải tạo nhà máy bằng việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà, sử dụng nguyên liệu đốt trong lò hơi từ than sang điện. Cùng đó đầu tư công nghệ, kiểm soát nguyên liệu đến khâu thiết kế sản phẩm, phát triển sản phẩm và tổ chức sản xuất…

Để chuẩn bị cho giai đoạn thị trường phục hồi, các doanh nghiệp dệt may cũng cần nỗ lực cắt giảm chi phí sản xuất, bằng mọi cách giữ chân lực lượng lao động. Việc này không chỉ chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi đơn hàng mà còn để khẳng định tính ổn định của nền sản xuất trong nước như một yếu tố cạnh tranh với các quốc gia khác.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Công ty CP May 10 cho biết, DN sẽ tập trung và chủ động tìm kiếm, khai thác thị trường trong nước và quốc tế, lo đủ việc làm cho người lao động trong chiến lược đa dạng hóa thị trường, mặt hàng và khách hàng.

“Năm 2024, May 10 tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy theo hướng tinh gọn và hợp lý. DN tập trung công tác phục vụ cho sản xuất, nghiên cứu và chuyển đổi sản phẩm, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, chất liệu mới, đẩy nhanh tốc độ may mẫu, dập mẫu, chất lượng mẫu… để làm các đơn hàng khó, kết cấu sản phẩm phức tạp, thời gian giao hàng nhanh. Đặc biệt, DN tăng cường công tác quản lý chất lượng, duy trì khẩu hiệu hành động “chọn việc khó” với phương châm bảo toàn khách hàng, đơn hàng, thị trường, lao động và kiểm soát chặt các chi phí”, ông Thân Đức Việt nêu phương hướng.

Khẳng định năm 2024 DN sẽ tập trung mạnh vào tăng năng suất lao động, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên – CTCP cho rằng, trong xu hướng của sản xuất xanh, tuần hoàn, các DN may đang vướng trong khâu đánh giá, trước những yêu cầu cao về điều kiện mặt bằng sản xuất, cả về xanh hóa và ứng dụng công nghệ số. Để đáp ứng các tiêu chí này, DN phải đầu tư rất lớn để tăng năng lực cạnh tranh do đó cần quan tâm đến tăng năng suất lao động.

“May Hưng Yên sẽ tiếp tục đầu tư thiết bị theo chiều sâu, sử dụng thiết bị tự động hóa, số hóa nhiều để sản xuất hàng trị giá cao. DN đề nghị với đơn vị có vốn của DN, cho phép các DN phát hành cổ phần ưu đãi 5% cho người lao động để giữ được đội ngũ lao động cốt cán, gắn bó với DN thông qua cổ phần”, ông Dương đề xuất.

Ngoài việc duy trì và mở rộng thị trường, cải thiện công tác tổ chức sản xuất, đảm bảo hiệu quả tối ưu, các DN dệt may trong năm 2024 còn phải hoàn thiện hệ thống số hóa quản trị sản xuất, đầu tư chiều sâu để đáp ứng tiêu chuẩn hóa của các nước nhập khẩu đặt ra đối với nền công nghiệp dệt may Việt Nam.

Ghi nhận của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho thấy, hiện tại, lượng đơn hàng đã có tín hiệu khởi sắc, báo hiệu thị trường đang ấm dần, trong đó, một số doanh nghiệp đã có đơn hàng hết quý I, đang đàm phán cho những quý tiếp theo, tuy nhiên, đơn giá vẫn ở mức giảm sâu và đang nhích lên không đáng kể.

Ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết: “Ở thời điểm này, đơn hàng đủ hay dài hay là cứ duy trì đàm phán đơn hàng, từng tháng, 2 tháng – 3 tháng, chúng ta phải tính toán.

Mọi thứ ở thị trường tiêu thụ lớn chưa có gì thay đổi, về mặt đơn giá là chưa cải thiện nhiều. Năm vừa rồi có câu chuyện tích cực, bản thân thị trường đã thanh lọc rất nhiều các nhà cung cấp không có đủ năng lực, đáp ứng với yêu cầu mới của thị trường, những đơn vị còn lại, trụ lại được sau giai đoạn khó khăn vừa qua thì chắc chắn sẽ duy trì vị thế tốt”.

Đối với giải pháp về thị trường, tiếp tục đa dạng hóa nguồn cung nguyên phụ liệu, mở rộng thị trường xuất khẩu. Tăng cường liên kết chuyển dần từ gia công (CMT) sang FOB, ODM, OBM và tập trung phát triển thương hiệu, sản phẩm mới…

Thời gian tới, ngành may cần tính toán giảm tỷ lệ sản phẩm giá rẻ (khoảng 20%), thay đổi kết cấu loại hàng, đầu tư thêm thiết bị chuyên dùng, đảm bảo công nhân lành nghề có thu nhập tương xứng, hướng đến đích tăng doanh thu và lợi nhuận trên đầu người…

Ngoài ra, ngành sợi cần tính toán hiệu suất từ sử dụng nguyên liệu, chi phí điện và vốn lưu động; rà soát và thoát khỏi câu chuyện phải tăng trưởng chiều rộng, phải tối đa sản lượng hàng hoá phổ thông mà mục tiêu chính phải là tăng trưởng hiệu quả, cải thiện sức mạnh doanh nghiệp sau một năm khó khăn.

 Theo Thương Hiệu Và Sản Phẩm

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích