Ngành dệt may có những dấu hiệu xuất khẩu tích cực
Số liệu từ Tổng Cục Thống kê, 2 tháng đầu năm 2024 nhóm hàng dệt may đạt 5,2 tỷ USD xuất khẩu, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, xếp thứ 4 trong nhóm mặt hàng có kim ngạch cao nhất cả nước.
Kết quả này đạt được nhờ tình hình thị trường tiêu dùng hàng dệt may thế giới dần ấm lại từ cuối năm 2023. Cùng đó, cộng đồng doanh nghiệp dệt may trong nước xoay xở tìm đơn hàng.
Đến thời điểm hiện nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dệt đã có đơn hàng đến hết tháng 4.
Trong tình hình ngành dệt may chưa hết khó khăn nhưng đến thời điểm này Công ty TNHH May mặc Dony ở huyện Bình Chánh, TP.HCM đã có đơn hàng đến hết tháng 4 với khách hàng ở Mỹ, Singapore, Campuchia, Malaysia… Số lượng hàng xuất của công ty tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp đang đàm phán cho đơn hàng tới tháng 8. Mục tiêu của công ty năm nay là tăng trưởng 15%.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony cho biết, đầu năm 2023, khi các khách hàng lớn không tiếp tục đặt hàng gia công, doanh nghiệp phải chuyển hướng tìm nhiều đơn hàng nhỏ, may hàng đồng phục và đã có những thay đổi ngoạn mục. Năm 2023, Dony đạt mức tăng trưởng 21% và đầu năm nay tiếp tục có nhiều đơn hàng xuất khẩu mới.
“Chúng tôi xây dựng lại đường đi của các sản phẩm trong nhà máy trong quản trị sản xuất. Trong thêu, in, cắt, may, kho nguyên liệu… tất cả nhập vào trong 1 khu sản xuất chuyên biệt cho nhóm sản phẩm đó. Vì vậy, khi làm thì sẽ tự động chạy trong hệ thống đó, tiết kiệm rất nhiều thời gian, khi vừa cắt xong thì đẩy qua in, vừa in xong thì đẩy ra may liền… giúp cắt ngắn thời gian giao hàng cho khách hàng, sản phẩm chất lượng tốt hơn, giảm chi phí thấp” – ông Phạm Quang Anh nói.
Tương tự, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) đã ký được các đơn hàng may xuất khẩu đến hết nửa đầu 2024 nhờ nhiều đối tác lớn đã bán hết hàng tồn kho, thậm chí đặt thêm đơn hàng mới.
Với tình hình khả quan đó, trong năm 2024, TNG dự kiến nâng tổng công suất thêm 15% với việc triển khai thêm 45 chuyền may và tuyển thêm 3.000 công nhân, bắt đầu từ tháng 3/2024. Bên cạnh đó, công ty sẽ dịch chuyển 2 nhà máy may Việt Đức và Việt Thái vào trong khu công nghiệp Sơn Cẩm nhằm tăng tính liên kết với các nhà máy phụ trợ, qua đó cải thiện hiệu suất tổng thể.
TNG cũng vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 2 với doanh thu 347 tỷ đồng, giảm 7,5% so với cùng kỳ nhưng lũy kế 2 tháng đầu năm tăng gần 13% lên 871 tỷ đồng.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng linh hoạt, thích ứng để có nhiều đơn hàng như Dony. Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội May thêu đan mỹ nghệ TP.HCM thì Hội vẫn nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp thay đổi cách làm, chủ động đi tìm đơn hàng và tiết giảm chi phí sản xuất để cạnh tranh.
“Hội tích cực xúc tiến thương mại, tìm kiếm thêm đơn hàng, tìm thị trường mới. Trước đây, doanh nghiệp dệt may chờ khách hàng đến, giờ doanh nghiệp phải “chạy” tìm khách hàng, mở rộng xúc tiến thương mại, liên kết nhiều hơn, mạnh hơn, nhanh hơn” – ông Phạm Xuân Hồng cho biết.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang nhận định, các đơn hàng trở lại gần đây cho thấy ngành dệt may đang tiếp tục phục hồi. Để hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu, từ nay đến năm 2030, ngành dệt may sẽ chuyển trọng tâm dần từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn. Giai đoạn từ năm 2031 đến 2035, phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Năm 2024, Hiệp hội đang đưa ra kịch bản đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 44 tỷ USD trên cơ sở nhiều thị trường và đơn hàng đã quay lại. Dự báo, nước ta sẽ ký thêm một số hiệp định thương mại với một số nước khác, đây là yếu tố tích cực khi sân chơi toàn cầu được mở ra toàn diện, ngành dệt may Việt Nam sẽ lan tỏa theo thị trường, theo hiệp định thương mại.
Theo Thương Hiệu Và Sản Phẩm
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu