Ngành dệt may cần truy xuất nguồn gốc đến từng nguyên phụ liệu để đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu
Doanh nghiệp Việt gặp khó vì yêu cầu truy xuất nguồn gốc nguyên phụ liệu. Ảnh minh họa
Theo ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành này hàng năm đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 40-45 tỷ USD, nhưng để duy trì và phát triển, các doanh nghiệp cần phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt về môi trường và lao động từ các nước nhập khẩu.
Mới đây, Mỹ và Liên minh châu Âu EU cũng đã đưa ra các yêu cầu rất khắt khe về bảo vệ môi trường, chống lao động cưỡng bức, hay Chỉ thị truy xuất chuỗi cung ứng từ EU bắt đầu có hiệu lực, sẽ ảnh hưởng rất lớn tới ngành dệt may Việt Nam. Bởi việc truy xuất nguồn gốc từ sợi hoặc vải sẽ rất khó vì thực tế, ngành dệt may Việt Nam nhập khẩu hơn 70% nguyên phụ liệu, chỉ tự sản xuất được khoảng 30%.
Để đáp ứng tiêu chuẩn xanh, khâu đầu tiên là khai thác nguyên phụ liệu thân thiện môi trường như tơ tằm, xơ dứa, xơ chuối, vỏ sò, và bã cà phê. Các doanh nghiệp đã trồng cây gai xanh trên diện tích lớn tại các tỉnh như Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên để cung cấp nguyên liệu xanh cho sản xuất. Tuy nhiên, để phát triển nguồn nguyên liệu đủ quy mô phục vụ cho sản xuất xuất khẩu, cần một nguồn vốn đầu tư khổng lồ, đây là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp.
Bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, các đạo luật như Đạo luật chống phá rừng, Đạo luật truy xuất chuỗi cung ứng, Đạo luật sinh thái, hộ chiếu số và thuế carbon đều yêu cầu các doanh nghiệp chứng minh nguồn gốc nguyên phụ liệu không xâm phạm rừng nguyên sinh hay sử dụng sản phẩm từ hoạt động phá rừng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trong nước chưa nắm được thủ tục và cách thức thực hiện.
Về phía ông Đỗ Ngọc Hưng – Tham tán Thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ nhấn mạnh, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã khuyến cáo các nước nhập khẩu đặc biệt tuân thủ Đạo luật chống lao động cưỡng bức Duy Ngô Nhĩ. Các lô hàng vi phạm có thể bị trả lại hoặc thậm chí tiêu hủy tại cửa khẩu. Thống kê cho thấy đến 1/7/2024, Việt Nam đã có 493 lô hàng bị kiểm tra, trong đó 298 lô bị từ chối, 57 lô đang xem xét và 138 lô bị trả lại, với tổng kim ngạch 11 triệu USD.
Để đảm bảo xuất xứ hàng hóa theo yêu cầu của các thị trường khó tính, ông Hưng đề nghị Hiệp hội Dệt may Việt Nam làm việc với Hiệp hội Dệt may Mỹ để trao đổi về nhập khẩu các nguyên phụ liệu mà nước này có thế mạnh như bông, giúp cân bằng cán cân thương mại và tạo cơ hội hợp tác.
Còn tại EU, quy định sản phẩm không phá rừng áp dụng sau 30/12/2024 yêu cầu tất cả các sản phẩm phải thực hiện báo cáo thẩm định sản phẩm từ đất không phá rừng. Đối với ngành dệt may, da giày, đặc biệt là những ngành liên quan đến chất viscose và lyocell, cần phải phân tích chi tiết chuỗi cung ứng, sử dụng hình ảnh vệ tinh và dữ liệu định vị địa lý để truy tìm nguồn gốc nguyên liệu thô và đảm bảo tuân thủ các yêu cầu của EU.
Để ngành dệt may phát triển bền vững, các chuyên gia khuyến nghị cần có định hướng phát triển nguồn nguyên vật liệu tại chỗ và tìm kiếm các thị trường mới để đa dạng hóa thị trường nhập khẩu. Bên cạnh đó, cần có sự kết nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng để việc truy xuất nguồn gốc được tiến hành thuận lợi, đảm bảo tuân thủ các quy định quốc tế và duy trì sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.
Duy Trinh (t/h)