Ngành công nghiệp hóa chất hướng tới tăng trưởng xanh

Theo Bộ Công Thương, tổng sản lượng công nghiệp hoá chất Việt Nam hàng năm chiếm 10-11% tổng giá trị GDP ngành công nghiệp, lực lượng lao động chiếm gần 10% và có năng suất lao động cao 1,36 lần năng suất lao động trung bình của toàn ngành công nghiệp do có mức độ tự động hoá cao. Chiến lược đưa ra mục tiêu, đến năm 2030, ngành công nghiệp hóa chất hướng tới tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn, ứng dụng chuyển đổi số phấn đấu đạt tỷ trọng 4-5%.

Công nghiệp hóa chất là một ngành công nghiệp có sự đa dạng về sản phẩm, phục vụ cho tất cả các ngành liên quan đến kinh tế kỹ thuật như sản xuất phân bón, hợp chất nitơ, nhựa, cao su tổng hợp dạng nguyên sinh, chất tẩy rửa, sơn, vecni…, đồng thời giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động. Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (VITIC), tại 6 vùng kinh tế trên cả nước, có 1,810 doanh nghiệp sản xuất hóa chất, trong đó có 894 doanh nghiệp sản xuất phân bón (49%), 106 doanh nghiệp sản xuất hóa chất bảo vệ thực vật (16%), 68 doanh nghiệp sản xuất hóa chất cơ bản (4%), 14 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hóa dầu (1%), đem lại việc làm cho hơn 2,7 triệu lao động, trong đó có 725,000 lao động trực tiếp tham gia sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất.

Nhằm tạo môi trường cho doanh nghiệp, giới chuyên môn trong nước và quốc tế tăng cường giao thương, học hỏi kinh nghiệm, triển lãm “Công nghiệp hóa chất Việt Nam lần thứ 20” (VINACHEM EXPO 2024) đã được tổ chức từ 27-29/11, tại TP. Hồ Chí Minh. Triển lãm thu hút hơn 700 gian hàng của 500 doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế tham dự với các nhóm chuyên đề như hóa chất nông nghiệp và bảo vệ thực vật; trang thiết bị hóa chất, sơn và vật liệu phủ; thiết bị, công nghệ và sản phẩm ngành nhựa; công nghệ sinh học – da giày và dệt may; chất kết dính và băng keo, cao su săm lốp.

Phát biểu tại triển lãm, ông Hoàng Trung – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – cho biết, phát triển nông nghiệp xanh và kinh tế xanh đòi hỏi nhiều yếu tố cần được chuẩn bị quyết liệt hơn trong thời gian tới. Các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cũng là những sản phẩm quan trọng, vừa góp phần phòng trừ sâu bệnh, vừa nâng cao sản lượng, chất lượng cây trồng. Triển lãm là sự kiện hết sức quan trọng, cho thấy sự hợp tác với hơn 10 quốc gia với 500 gian hàng, trong đó có những sản phẩm đang nằm trong định hướng phát triển nông nghiệp Việt Nam xanh, giảm phát thải thấp, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ông Hoàng Trung (trái) tham quan triển lãm (Ảnh: Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam)

Ông Hoàng Quốc Lâm – Phó Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công thương – cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành rất nhiều chủ trương, chính sách để hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm phát triển ngành công nghiệp Việt Nam nói chung và ngành công nghiệp hóa chất nói riêng. Công nghiệp hóa chất Việt Nam có một số lợi thế về tài nguyên thiên như các mỏ apatít, bôxít, dầu thô, cao su tự nhiên, và nhiều nguồn dược liệu có giá trị, có thể sản xuất các hoạt chất, hóa chất phục vụ cho công nghiệp.

Ông Hoàng Quốc Lâm phát biểu tại lễ khai mạc VINACHEM EXPO 2024 (Ảnh: báo Công Thương)

Ông Nguyễn Tuấn Dũng – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam – khẳng định, các đơn vị thành viên luôn hướng đến sản xuất bền vững, chú trọng chuyển đổi xanh thông qua nghiên cứu và thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, giảm tiêu hao năng lượng, chú trọng xử lý chất thải, với 3 định hướng sản xuất kinh doanh chính trong những năm tới: các sản phẩm mới trong ngành công nghiệp bán dẫn, các loại phân bón chất lượng cao, và chuyển đổi xanh trong toàn bộ tập đoàn, hướng tới tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính.

Phát triển xanh đang trở thành xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới, nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế gắn liều với bảo vệ môi trường bền vững. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu, đã và đang tiên phong trong việc thực hiện các cam kết xanh.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích