Ngành chế biến, chế tạo: Động lực tăng trưởng kinh tế
Theo Tổng cục Thống kê, quý III/2024, hoạt động sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp tăng trưởng tích cực hơn quý trước, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã đóng góp tích cực và là động lực tăng trưởng của của nền kinh tế trong quý III và 9 tháng năm 2024.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2024 ước tính tăng 7,40% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp tăng 9,59% so với quý III/2023. đóng góp 3,15 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là điểm sáng của nền kinh tế với tốc độ tăng 11,41%, đây là mức tăng cao nhất của cùng kỳ các năm trong 6 năm gần đây, đóng góp 2,93 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Ngành chế biến, chế tạo được nhận định là động lực tăng trưởng kinh tế.
Tính chung lại, GDP 9 tháng năm 2024 ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2024 tăng 8,34% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 2,71 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng với tốc độ tăng 9,76%, đóng góp 2,44 điểm phần trăm.
So với cùng kỳ năm trước, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2024 ước tính tăng 8,34% (quý I tăng 6,47%; quý II tăng 8,78%; quý III tăng 9,59%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,76% (quý I tăng 7,21%; quý II tăng 10,39%; quý III tăng 11,41%).
Chỉ số sản xuất (IIP) 9 tháng năm 2024 của một số ngành cấp II trọng điểm của công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao so với cùng kỳ năm trước: sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 28,8%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 24,7%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 18,8%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 16,9%; sản xuất xe có động cơ tăng 13,0%; dệt tăng 12,8%; sản xuất kim loại tăng 12,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 12,0%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 11,6%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 9,1%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 7,8%. Bên cạnh đó, chỉ số IIP của một số ngành giảm: sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 0,3%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị giảm 3,7%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 03 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng khá cao. Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp hoặc giảm.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực 9 tháng năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Thép thanh, thép góc tăng 26,7%; xăng, dầu tăng 20,3%; thép cán tăng 16,8%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 15,9%; đường kính tăng 13,5%; phân hỗn hợp NPK tăng 13,3%; sữa bột tăng 12,1%; ô tô tăng 11,9%. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 16,5%; khí hóa lỏng LPG giảm 15,0%; điện thoại di động giảm 7,6%; than đá (than sạch) giảm 4,2%; bia giảm 2,8%; Alumin giảm 2,3%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng năm 2024 tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 tăng 0,6%).
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/9/2024 tăng 5,2% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 8,5% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 19,4%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân chín tháng năm 2024 là 76,8% (bình quân chín tháng năm 2023 là 85,3%).
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành ngành chế biến, chế tạo tại thời điểm 01/9/2024 tăng 1,2% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 5,6%; % so với cùng thời điểm năm trước
Bước sang quý IV/2024, kinh tế – xã hội nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, chịu nhiều tác động trước những rủi ro, bất ổn trên thế giới về kinh tế, chính trị, thiên tai, dịch bệnh… Để ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục phát huy vai trò quan trọng và là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, các cấp, các ngành cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu, hỗ trợ sản xuất công nghiệp tháo gỡ khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất. Cụ thể như sau:
Một là, cần có giải pháp hỗ trợ, giải quyết khó khăn về vốn sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trong thiệt hại do cơn bão số 3 Yagi gây ra các tỉnh, thành phố phía Bắc; tiếp tục duy trì hạ lãi xuất cho vay, đặc biệt ưu tiên có chính sách đối với các doanh nghiệp bị thiệt hại do cơn bão Yagy gây ra;
Hai là, doanh nghiệp rất cần chính phủ, các cấp, các ngành hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, ưu tiên có chính sách đối với các doanh nghiệp bị thiệt hại do cơn bão gây ra trong khâu tiêu thụ sản phẩm như: tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu, giảm chi phí logistics,…
Ba là, Chính phủ, các cấp, các ngành thúc đẩy giải ngân nhanh các gói hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời và hiệu quả. Đặc biệt tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn ưu đãi thuận lợi, nhanh chóng; kích cầu tiêu dùng trong nước;
Bốn là, do giá dầu thô, khí đốt trên thế giới vẫn ở mức cao, chi phí logistics tăng và nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng tăng, do vậy doanh nghiệp rất cần chính phủ, các cấp, các ngành hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh;
Năm là, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giải ngân nhanh đầu tư công, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh đặc biệt là ngành xây dựng, công nghiệp phát triển, giải quyết việc làm, thu nhập của người lao động, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế;
Sáu là, đẩy mạnh hoạt động có hiệu quả trong ngăn chặn hàng nhập lậu, chống chuyển giá, gian lận nhãn mác trong các doanh nghiệp;
Bảy là, tuyên truyền và đẩy mạnh chính sách tiêu dùng trong nước, kích cầu tiêu thụ trong nước “người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt Nam”.
Nam Dương