Ngân hàng Thế giới chỉ ra cách thiết thực giúp giảm 1/3 lượng phát thải toàn cầu
Ngân hàng Thế giới chỉ ra cách thiết thực giúp giảm 1/3 lượng phát thải toàn cầu
Báo cáo của WB khuyến nghị các quốc gia có thu nhập trung bình nên xem xét thực hiện một số thay đổi, bao gồm chuyển sang các phương thức chăn nuôi phát thải thấp và sử dụng đất bền vững hơn.
Trong báo cáo công bố ngày 6/5, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết việc chuyển đổi cách thức sản xuất lương thực trên toàn thế giới có thể giúp giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính vào cuối thập kỷ này.
Theo WB, ngành sản xuất thực phẩm nông nghiệp gây ra gần 1/3 tổng lượng khí thải nhà kính trên toàn thế giới. Trong đó, 2/3 lượng khí thải từ ngành này xuất phát từ các quốc gia có thu nhập trung bình, nhóm giữ tới 7/10 vị trí trong danh sách các nước phát thải hàng đầu khí nhà kính trên toàn thế giới – trong đó 3 vị trí đầu lần lượt là Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ.
Giám đốc điều hành cấp cao của WB Axel van Trotsenburg nhấn mạnh để bảo vệ hành tinh này, thế giới cần thay đổi cách thức sản xuất và tiêu thụ thực phẩm.
Báo cáo của WB nêu rõ “các hành động sẵn có và hợp lý” mang lại cơ hội lớn cho lĩnh vực nông nghiệp – thực phẩm cắt giảm gần 1/3 lượng khí thải toàn cầu. Qua đó, WB kêu gọi các nước đầu tư nhiều tiền hơn để giải quyết vấn đề này.
Báo cáo của WB khuyến nghị các quốc gia có thu nhập trung bình nên xem xét thực hiện một số thay đổi, bao gồm chuyển sang các phương thức chăn nuôi phát thải thấp và sử dụng đất bền vững hơn.
Ông Van Trotsenburg cho rằng chỉ với việc thay đổi cách sử dụng đất (như sử dụng đất rừng và hệ sinh thái) trong sản xuất lương thực, các quốc gia có thu nhập trung bình sẽ có thể cắt giảm 1/3 lượng khí thải nông nghiệp vào năm 2030.
Trong báo cáo, WB lưu ý rằng các quốc gia nên xem xét cắt giảm một số khoản trợ cấp nông nghiệp không cần thiết để dành vốn chi trả cho việc chuyển sang các phương pháp canh tác ít phát thải hơn.
Các quốc gia có thu nhập cao như Mỹ (nước phát thải khí nhà kính lớn thứ 4 thế giới) nên tăng cường hành động hơn để cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, cũng như dần loại bỏ các khoản trợ cấp dành cho các nguồn thực phẩm phát thải cao.
Trong khi đó, các nước thu nhập thấp nên tránh xây dựng cơ sở hạ tầng phát thải cao mà hiện nay các nước thu nhập cao đang tìm cách thay thế./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị