Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đấu thầu vàng miếng, giá tham chiếu 85,3 triệu đồng/lượng

Theo đó, tổng khối lượng vàng miếng dự kiến đấu thầu là 16.800 lượng vàng; khối lượng vàng miếng của một lô giao dịch là 100 lượng. Loại vàng đấu thầu là vàng miếng SJC do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất.

Ngân hàng Nhà nước nêu rõ tỷ lệ đặt cọc khi tham gia đấu thầu là 10%, giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 85,3 triệu đồng/lượng. Bên cạnh đó khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 7 lô tương đương 700 lượng, khối lượng tối đa là 20 lô tương đương 2.000 lượng. Bước giá dự thầu là 10.000 đồng/lượng, bước khối lượng dự thầu là 1 lô tương đương 100 lượng.

Ngân hàng Nhà nước cũng quy định mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký 1 mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá sàn do Ngân hàng Nhà nước công bố.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đấu thầu vàng miếng, giá tham chiếu 85,3 triệu đồng/lượng
Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đấu thầu vàng miếng (Ảnh minh họa)

Các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp tham gia đấu thầu phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước (thành phố Hà Nội). Địa điểm giao nhận vàng tại Chi cục Phát hành và kho quỹ – Ngân hàng Nhà nước, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trước đó, sau 3 lần tổ chức đấu thầu, đến nay mới chỉ một phiên đấu thầu hôm 23/4 diễn ra theo kế hoạch với kết quả là 2 thành viên trúng thầu, với tổng khối lượng 34 lô (3.400 lượng); giá trúng thầu cao nhất 82,33 triệu đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất 81,32 triệu đồng/lượng.

Theo các chuyên gia kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức đấu thầu vàng nhằm đưa một lượng vàng lớn vào lưu thông, góp phần bình ổn lại cung cầu, thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới, giữa giá mua và giá bán.

Nhưng để ổn định được giá vàng, chuyên gia kinh tế Nguyên Trí Hiếu cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có thể phải cần tổ chức rất nhiều phiên đấu thầu tương tự và những phiên đấu thầu đó phải có một lượng vàng lớn để đổ vào trong thị trường, đồng thời phải có nhiều nhà kinh doanh vàng tham gia đấu thầu và trúng thầu thay vì số lượng khiêm tốn như hiện tại.

Bên cạnh việc triển khai đấu thầu, Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng cũng cần được sửa đổi. Nên bỏ độc quyền thương hiệu vàng quốc gia của SJC, tạo sự công bằng cho tất cả các sản phẩm trên thị trường.

Còn ông Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính – Học viện Tài chính thì cho rằng sau động thái của Ngân hàng Nhà nước, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới có thể sẽ thu hẹp lại. Mức độ thu hẹp đến đâu còn phụ thuộc vào quy mô nhập khẩu vàng nguyên liệu. Giá vàng trong nước thời gian tới sẽ tiếp tục biến động theo giá vàng thế giới và điều này rất khó đoán. Nhiều dự báo cho rằng giá vàng có thể tăng tiếp, nhưng cũng có dự đoán cho rằng giá vàng có thể đạt đỉnh ít nhất trong ngắn hạn và sẽ giảm trong thời gian tới.

Giá vàng trong nước ngày 7/5 tiếp tục đà tăng mạnh, lúc 16 giờ 22 phút, giá vàng SJC niêm yết ở mức 85,.3 – 87,5 triệu đồng/lương, tăng 1 triệu đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua. Trên thị trường quốc tế, giá vàng cũng neo ở mức cao.

H.P

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích