Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng can thiệp nếu tỷ giá có diễn biến bất lợi
Thông tin tại họp báo quý 1 sáng nay (19/4), Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trong 3 tháng đầu năm Ngân hàng Nhà nước luôn theo sát diễn biến, điều hành tỷ giá trung tâm, linh hoạt, tạo điều kiện cho xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế – chính trị trên thế giới có nhiều biến động, khiến đồng nội tệ của nhiều quốc gia mất giá khá cao, kể cả các nước có nền kinh tế mạnh, dao động từ trên 3% đến gần 9%. Việt Nam cũng nằm trong xu thế đó, tỷ giá hiện mất giá 4,9% so với đầu năm. Năm qua Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất trong bối cảnh thế giới tăng lãi suất.
Ông Đào Minh Tú cũng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng can thiệp nếu tỷ giá có diễn biến bất lợi, kể cả ngay hôm nay. Dự trữ ngoại hối những năm qua đảm bảo được khi nhà điều hành muốn can thiệp thị trường.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, mặc dù Ngân hàng đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tuy nhiên tăng trưởng tín dụng thời điểm đầu năm 2024 khá thấp so với các năm gần đây, trong đó có nguyên nhân do nhu cầu vốn tín dụng thường tăng cao vào dịp cuối năm và thời điểm trước Tết Nguyên đán; cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp do nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng hoạt động.
Toàn cảnh họp báo. |
Do đó, ngày 7/2, Ngân hàng Nhà nước ban hành Công văn số 1088/NHNN-CSTT chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh các giải pháp đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề ra tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 15/1 nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tiếp đó, ngày 20/2, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 14/3, Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan có liên quan tổ chức Hội nghị “Triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô” do Thủ tướng chủ trì nhằm đề xuất, đưa ra các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp và người dân…
Nhờ đó, tín dụng trong tháng 3/2024 đã tăng tích cực trở lại sau khi giảm trong 2 tháng đầu năm do yếu tố mùa vụ. Đến ngày 29/3, tín dụng nền kinh tế tăng 1,34% so với cuối năm 2023.
Thông tin thêm về các giải pháp ổn định tỷ giá, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, hiện chỉ số phản ánh sức mạnh đồng đô la trên thị trường thế giới tăng nhanh, trên 6% sau 1 tháng đầu năm. Với biến động nhanh mạnh nhiều nước thả nổi đồng tiền, tuy nhiên vẫn có nước bảo vệ đồng nội tệ, trong đó có Việt Nam.
Ngân hàng Nhà nước có nhiều giải pháp từ đầu năm, nhất là khi tháng 3 tỷ giá tăng cao Ngân hàng Nhà nước đã hút tiền đồng về thông qua phát hành tín phiếu. Những ngày gần đây nhu cầu ngoại tệ cao để nhập khẩu nguyên liệu xăng dầu, sắt thép. Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều biện pháp chặt chẽ và mạnh mẽ các phương án can thiệp ngoại tệ, bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm. Ngay sau động thái công bố này thì thị trường ngoại tệ trong nước đã bớt nóng.
Về định hướng điều hành thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động điều hành tăng trưởng tín dụng nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an toàn hệ thống.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cấp tín dụng phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024. Rà soát, đánh giá và đề xuất Chính phủ để xem xét kéo dài thời gian thực hiện Thông tư 02/2022/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ.
Bảo Thoa
Nguồn: Báo lao động thủ đô