Ngăn chặn thông tin xấu, độc trên mạng xã hội: Càng khó… càng phải quyết tâm dọn sạch!
Báo động tin xấu độc trên mạng xã hội
Ngày nào cũng vậy, sau 19h, kết thúc bữa ăn tối, chồng và 3 đứa con của chị Nguyễn Thị M. (ở Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội) lại “cắm đầu” vào điện thoại di động, Ipad, máy tính xách tay… để truy cập internet. Điều đáng chú ý, theo chị M., trước đây, chồng chị và 3 đứa con (lần lượt học lớp 3, lớp 6, lớp 9) chủ yếu vào mạng để chơi điện tử thì gần đây chuyển hết sang xem các clip trên Youtube, Tiktok. Khi kiểm tra, chị M. mới phát hiện nhiều nội dung trong các clip đều rất nhảm nhí, vô bổ, thiếu tính giáo dục… thậm chí còn có những hình ảnh phản cảm và xuyên tạc.
Chị M. chia sẻ: “Thời gian đầu, tôi còn khuyên bảo, nhắc nhở các cháu không xem những clip không lành mạnh, tuy nhiên, những đường link dẫn đến các clip này liên tục xuất hiện trên mạng internet khiến các cháu tò mò vào xem. Gia đình chỉ còn cách đặt mật khẩu cho các thiết bị truy cập được internet, quản lý sát sao thời gian, nội dung clip các cháu theo dõi để ngăn chặn những thông tin xấu có thể đầu độc giới trẻ”.
Không chỉ riêng gia đình chị M., qua tìm hiểu, hiện nay nhiều gia đình cũng đang đau đầu để quản lý việc sử dụng các thiết bị truy cập internet đối với các con. Nhiều người tìm giải pháp, đưa ra cảnh báo, tin tức về những hệ lụy, mặt trái của mạng xã hội… với các thành viên trong gia đình nhưng có thể thấy, thông tin xấu độc vẫn đang là nguy cơ “bủa vây” giới trẻ.
Những hình ảnh không lành mạnh cần ngăn chặn trên mạng xã hội. (Ảnh minh họa) |
Bên cạnh những thông tin không lành mạnh trên mạng xã hội thì tình trạng những tài khoản cá nhân đăng những thông tin sai sự thật nhằm “câu wiew” cũng đang diễn ra. Điển hình ngày 27/10/2022, Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã tuyên án 2 năm tù đối với Facebooker Đặng Như Quỳnh về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Theo cáo trạng, từ cuối năm 2019 đến tháng 4/2022, bị cáo sử dụng tài khoản Facebook “Đặng Như Quỳnh” đăng tải nhiều bài viết hoặc chia sẻ lại bài viết của người khác, bao gồm nội dung ám chỉ về việc các cơ quan tố tụng sẽ xử lý hình sự đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị một tập đoàn lớn. Thông tin này sau đó đã lan truyền tại nhiều diễn đàn mạng xã hội, kéo theo phản ứng tiêu cực của hàng loạt nhà đầu tư…
Nguy hiểm nhất, mỗi lần có một sự kiện chính trị diễn ra như Hội nghị Trung ương Đảng, miễn nhiệm chức vụ lãnh đạo, kỷ luật cán bộ… có những kẻ là người Việt định cư ở nước ngoài, chẳng hề biết nội tình đất nước thế nào, nhưng rất nhanh chóng lấy những thông tin, hình ảnh trên mạng rồi cắt xén, lồng nghép bình phẩm, thậm chí làm cả chức năng “sắp ghế” để câu khách.
Mặc dù là tin thất thiệt, vu khống nhưng lại nhận được rất nhiều like, commet của bạn đọc. Tính hiếu kỳ của bạn đọc nhẹ dạ đâu biết rằng, mỗi một like của quý vị là góp phần tạo ra số tiền thu được hàng ngày cho những đối tượng này tiêu pha…
Cần sự vào cuộc của toàn xã hội
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Thông tin tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước ta, thông tin sai sự thật, vi phạm pháp luật chủ yếu tập trung trên các mạng xã hội do nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, điển hình là Facebook, YouTube và gần đây là TikTok. Hiện nay, Bộ TT&TT cùng các bộ, ngành đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để quản lý các nội dung thông tin trên mạng.
Một trong những giải pháp Bộ TT&TT đưa ra là: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức người dân để chủ động phòng tránh tin giả, tin sai sự thật, đồng thời áp dụng quy tắc ứng xử phù hợp trên mạng. Trong đó, tăng cường chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương tuyên truyền mạnh mẽ các chủ trương, chính sách, của Đảng, Chính phủ, chính quyền địa phương nhằm tạo sự đồng thuận xã hội.
Bên cạnh đó, phổ biến Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, nhằm nâng cao nhận thức và hành vi ứng xử trên mạng xã hội của người dân, giúp người sử dụng có thể nhận biết và cảnh giác hơn với các thông tin giả mạo, sai sự thật. Đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch thông qua việc duy trì hiệu quả cơ chế hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại định kỳ hằng tháng…
Ngoài ra, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý và giám sát các nội dung thông tin trên môi trường mạng. Bộ TT&TT đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý, xử lý theo thẩm quyền được giao. Nếu xác định được nhân thân đối tượng vi phạm trên địa bàn thì các địa phương chủ động xử lý đối tượng (xử phạt vi phạm hành chính).
Trong trường hợp đối tượng vi phạm nhiều lần, nghiêm trọng thì Sở TT&TT phối hợp với Công an tỉnh, thành phố củng cố chứng cứ để có thể xử lý ở mức cao hơn (xử phạt hình sự); trường hợp không xác định được danh tính, nhân thân của đối tượng vi phạm, thì các địa phương phối hợp với Bộ TT&TT, Bộ Công an để có biện pháp ngăn chặn, xử lý phù hợp.
Theo thống kê chưa đầy đủ, ở Việt Nam có khoảng 65 triệu tài khoản mạng xã hội trên tổng số hơn 96 triệu dân. Một người hiện nay có gần 4 tài khoản trên các mạng xã hội khác nhau, trong khi đó lực lượng giám sát mỏng nên việc ngăn chặn thông tin xấu, độc thực sự gặp khó khăn. Do đó, cần sự vào cuộc đồng bộ của toàn xã hội mới giải quyết được căn cơ vấn đề.
Theo Bộ TT&TT: Từ năm 2021 đến tháng 12/2022, Bộ TT&TT và các Sở TT&TT đã kiểm tra 141 vụ, thanh tra 10 vụ, ban hành 589 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động thông tin điện tử, mạng xã hội với tổng số tiền phạt gần 6 tỷ đồng. |
H.Duy
Nguồn: Báo lao động thủ đô