Ngăn chặn tấn công mã độc vào điện thoại thông minh bằng cách khởi động lại
Trong thời đại công nghệ ngày nay, nguy cơ từ các cuộc tấn công mã độc ngày càng gia tăng, đặc biệt là trên thiết bị di động như điện thoại thông minh. Để đối phó với tình hình này, nhiều chuyên gia an ninh mạng đều đồng thuận với việc sử dụng biện pháp khởi động lại thiết bị như một cách hiệu quả để ngăn chặn và loại bỏ mã độc tiềm ẩn trong bộ nhớ.
Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Kỹ thuật, Công ty Công nghệ An ninh Mạng Việt Nam (NCS), việc khởi động lại điện thoại thông minh được coi là biện pháp hiệu quả để ngăn chặn những cuộc tấn công mạng. Do các phần mềm và hệ điều hành thường có vùng nhớ rác và khởi động lại sẽ làm mới lại bộ nhớ, dọn dẹp các khối bộ nhớ không còn sử dụng, từ đó giúp hệ thống hoạt động nhanh hơn và ổn định hơn.
Đặc biệt, trên hệ điều hành iOS, khởi động lại có thể loại bỏ mã độc tiềm ẩn trong bộ nhớ, giúp điện thoại tránh khả năng bị theo dõi, gián điệp và những tác động xâm hại khác. Tuy nhiên, điều này chỉ áp dụng cho thiết bị chạy hệ điều hành iOS; đối với Android, việc tắt máy và khởi động lại không đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Trước đó, Thủ tướng Úc Anthony Albanese và các chuyên gia công nghệ hàng đầu cũng đề cập đến vấn đề bảo đảm an toàn thông tin bằng cách khởi động lại điện thoại thường xuyên. Đây không phải vấn đề mới vì năm 2020, Cơ quan An ninh Quốc gia của Hoa Kỳ đã ban hành các nguyên tắc thực hành tốt nhất để bảo mật thiết bị di động, bao gồm việc khởi động lại điện thoại thông minh mỗi tuần một lần để ngăn chặn hành vi xâm nhập.
Giải thích rõ hơn về việc khởi động lại điện thoại giúp bảo mật an toàn thông tin, TS. Priyadarsi Nanda, Giảng viên cao cấp tại Đại học Công nghệ Sydney, chuyên về phát triển an ninh mạng cho biết: “Với mức độ chúng ta sử dụng điện thoại thông minh trong cuộc sống của mình, chúng tôi biết có những trường hợp mọi người không tắt điện thoại thông minh trong cả năm. Mặc dù khởi động điện thoại thông minh lại hàng ngày có vẻ là biện pháp cơ bản, nhưng điều này có thể hữu ích trong một số trường hợp.
“Nếu có quy trình đang chạy từ phía đối thủ thì việc tắt điện thoại sẽ phá vỡ chuỗi, ngay cả khi chỉ trong thời gian tắt điện thoại, điều đó chắc chắn sẽ khiến tin tặc tiềm năng thất vọng. Điều này có thể không bảo vệ bạn hoàn toàn, nhưng khởi động lại máy có thể khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn”, Tiến sĩ Priyadarsi Nanda chia sẻ.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tắt nguồn điện thoại định kỳ để dọn dẹp dữ liệu rác. Ông Trần Thái Hiếu, Trưởng phòng kỹ thuật hệ thống Di Động Việt khuyến cáo người dùng nên tắt nguồn điện thoại từ 4-5 ngày hoặc sau 1 tuần sử dụng, bởi mỗi ngày các ứng dụng như Facebook, Zalo… sẽ phát sinh những dữ liệu rác, dẫn đến tình trạng máy bị lắc, đơ màn hình khi sử dụng.
Về tần suất tắt nguồn điện thoại để dọn rác, ông Lê Trần Hà – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật và bảo hành FPT Shop cho biết, việc tắt nguồn smartphone giúp giải phóng không gian bộ nhớ RAM đã có thông tin khá lâu. Tuy nhiên, hiện nay các dòng smartphone tầm trung đến cao cấp đã được các hãng trang bị bộ nhớ RAM tương đối thoải mái (4GB, 6GB…), cùng với đó là các phiên bản hệ điều hành ngày một tối ưu và cập nhật liên tục giúp cho việc quản lý RAM trở nên tốt hơn. “Vì vậy không quá cần thiết phải tắt nguồn máy đi vài phút mỗi ngày mà có thể làm việc này 1 tuần 1 lần hoặc lâu hơn. Thay vào đó, người dùng chỉ cần tập trung vào trải nghiệm của mình”, ông Hà chia sẻ.
Nhìn chung, việc khởi động lại điện thoại thông minh không chỉ là biện pháp cơ bản mà còn là phương pháp hữu ích để ngăn chặn và loại bỏ các mã độc tiềm ẩn, đảm bảo an toàn thông tin cá nhân và chống lại tấn công mạng tiềm ẩn. Tuy nhiên, người dùng cũng cần hiểu rõ rằng biện pháp này chỉ có hiệu quả trên một số loại thiết bị và hệ điều hành cụ thể.
Duy Trinh (t/h)