Ngăn chặn các vụ lừa đảo sử dụng công nghệ cao: Ý thức người dân vẫn là trên hết!

“Điểm danh” những thủ đoạn tinh vi

Theo Công an quận Hoàn Kiếm, loại tội phạm sử dụng công nghệ cao đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến rất phức tạp, với nhiều thủ đoạn như: Tạo lập các website, sàn giao dịch, ứng dụng kiếm tiền, sử dụng “mồi nhử” là các khoản lợi nhuận cao để kêu gọi, lôi kéo đầu tư kinh doanh tiển ảo, ngoại hối (Forex), sàn giao dịch quyền chọn nhị phân;… theo mô hình đa cấp, sau đó can thiệp vào hệ thống kỹ thuật, làm cho nhà đầu tư thua lỗ hoặc đánh sập để chiếm đoạt tài sản;

Đăng thông tin giả mạo và các hoàn cảnh khó khăn để vận động quyên góp từ thiện và chiếm đoạt số tiền huy động được; lợi dụng việc mua bán hàng hóa trên các website bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội; giả danh các trang bán hàng trực tuyến như Shoppe, Lazada, Yody… để lừa bị hại làm nhiệm vụ, sau đó gia tăng số tiền để đảm bảo dẫn đến bị hại liên tục chuyển tiền cho các đối tượng.

Đặc biệt hơn là loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong các lĩnh vực kinh tế như tài chính, chứng khoán, đầu tư, phát hành trái phiếu doanh nghiệp… với thủ đoạn hết sức tinh vi, lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật để hoạt động phạm tội, gây ra hậu quả thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp.

Ngăn chặn các vụ lừa đảo sử dụng công nghệ cao: Ý thức người dân vẫn là trên hết!
Lực lượng Công an tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân.

Dẫn chứng về điều này, Trung tá Tống Đăng Công, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự – Công an quận Hoàn Kiếm cho hay, trong số các tin báo liên quan đến các vụ lừa đảo công nghệ cao, Công an quận đã tiếp nhận 17 tin tội phạm “hack” tài khoản mạng xã hội, giả lập người quen để vay tiền gấp. Đây là phương thức thủ đoạn khá quen thuộc được các đối tượng sử dụng, nhưng do người dân chủ quan nên vẫn “sập bẫy”. Tội phạm trong quá trình dẫn dắt bị hại thường đã nghiên cứu kỹ các cuộc trò chuyện với chủ tài khoản trước đó, từ đó nhắn tin với lời lẽ, cách viết tương tự, khiến nạn nhân không có sự đề phòng. Nếu không tỉnh táo, các đối tượng sẽ lợi dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tiền.

Thậm chí, theo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an, ngoài những thủ đoạn nêu trên, tội phạm còn giả danh cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án… gọi điện thoại thông báo người dân có liên quan đến các vụ án đang điều tra, mua bán ma túy, rửa tiền…, gửi lệnh bắt giữ hay tài liệu liên quan khác qua mạng xã hội để đe dọa, yêu cầu chuyển tiền đến các tài khoản chỉ định hoặc tài khoản mới giả mạo cơ quan, nhằm đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt. Người dân cần hiểu rõ việc các cơ quan chức năng điều tra, xác minh, xử lý tội phạm đều được tiến hành trực tiếp, không thông qua mạng xã hội gửi thông báo, tin nhắn yêu cầu. Do vậy, mọi người dân cần cảnh giác, không thực hiện theo các yêu cầu của đối tượng và trình báo ngay với cơ quan Công an nơi gần nhất để được giải quyết.

Chủ động phòng ngừa, đấu tranh

Xác định tội phạm lợi dụng không gian mạng để hoạt động ngày càng có chiều hướng gia tăng, phức tạp với thủ đoạn biến tướng khó lường, Công an quận Hoàn Kiếm đã chỉ đạo Đội Cảnh sát hình sự phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao -Công an thành phố Hà Nội, Công an 18 phường triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, trong đó có phòng ngừa nghiệp vụ và phòng ngừa xã hội.

Bên cạnh việc triển khai các biện pháp nghiệp vụ, Công an quận Hoàn Kiếm tập trung công tác tuyên truyền đến từng người dân bằng các hình thức sau: Tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của phường và nhóm Zalo, Facebook phòng chống tội phạm trên địa bàn các phường; lồng ghép nội dung trong các cuộc họp tại các tổ dân phố, khu dân cư và thông qua các hoạt động, sinh hoạt cộng đồng trong các tổ dân phố. Lực lượng Cảnh sát khu vực phải trực tiếp phát các bài tuyên truyền đến từng doanh nghiệp, từng hộ, từng người dân đang sinh sống làm việc trên địa bàn; đặc biệt chú ý đến đối tượng là phụ nữ lớn tuổi, sống một mình hoặc thường xuyên ở nhà một mình…

Tương tự, tại quận Hai Bà Trưng, Công an quận xác định, công tác phòng ngừa là yếu tố then chốt để ngăn chặn các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản công nghệ cao. Mỗi người dân nếu tự nâng cao ý thức cảnh giác, tội phạm sẽ khó có cơ hội lợi dụng hoạt động. Trên cơ sở nắm và dự báo tình hình, Công an quận Hai Bà Trưng , trong đó nòng cốt là Đội Cảnh sát hình sự – Công an quận đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, giải pháp phòng ngừa.

Trung tá Hoàng Quốc Thực – Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự – Công an quận Hai Bà Trưng cho biết, trước hết, phải tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân. Bởi lẽ, tội phạm công nghệ cao sẽ không có “cửa” hoạt động khi mỗi người, mỗi gia đình đều tự trang bị các kiến thức cũng như cảnh giác phòng ngừa. “Chúng tôi mong muốn truyền tải đến người dân những thông tin liên quan đến thủ đoạn của tội phạm, cách đối phó cũng như trấn an bà con không nên hoang mang, lo lắng trước những thông tin thất thiệt mà tội phạm đưa ra, để từ đó, nếu có trường hợp bị tội phạm lừa đảo công nghệ cao “tấn công”, người dân sẽ bình tĩnh hơn, phối hợp với cơ quan Công an điều tra, lần theo dấu vết các ổ nhóm đối tượng…”, Trung tá Hoàng Quốc Thực thông tin.

Để phòng, chống tội phạm công nghệ cao mỗi người dân, phải tự nâng cao tinh thần cảnh giác, không chủ quan, mất bình tĩnh khi bị tội phạm lừa đảo “tấn công”.

Minh Phương

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích