Ngắm vẻ đẹp Bến Nhà Rồng – “Nơi in dấu chân Bác”
Bến Nhà Rồng, một địa danh nổi tiếng ở TPHCM. Nơi đây, ngày 5/6/1911, Bác Hồ đã lên con tàu của Pháp, lấy tên là Văn Ba, bắt đầu chuyến hành trình tìm đường cứu nước kéo dài 30 năm.
Bến Nhà Rồng ngày nay được gọi là Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TPHCM là tên thường gọi cho cụm di tích kiến trúc – bảo tàng nằm bên sông Sài Gòn (quận 4, TPHCM).
Trước đây, nơi này từng là trụ sở của thương cảng Sài Gòn, được thực dân Pháp xây dựng từ năm 1863. Nhắc đến Bến Nhà Rồng, trong mỗi chúng ta không thể không biết đến địa danh nổi tiếng đã góp phần thay đổi toàn bộ lịch sử của nền dân tộc Việt Nam. Nơi đây, ngày 5/6/1911, chàng thanh niên trẻ Nguyễn Tất Thành đã lên con tàu Amiral Latouche Tréville (Pháp) lấy tên là Văn Ba, bắt đầu chuyến hành trình tìm đường cứu nước kéo dài 30 năm.
Đã 112 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2023) tại Bến Nhà Rồng, nơi đây đã trở thành tâm điểm lịch sử của dân tộc với giá trị vô cùng cao quý. Hiện là nơi lưu giữ nhiều kỷ vật, dấu tích về cuộc đời của Bác Hồ trên con đường tìm đường cứu nước.
Công trình được xây dựng bởi người Pháp nên nét kiến trúc nơi đây mang đậm dấu ấn phương Tây với các cột trụ lớn, cửa sổ được bổ trí xung quanh tòa nhà và không gian bề thế, sang trọng. Điểm thú vị là những nét kiến trúc Á Đông cũng được kết hợp một cách khéo léo, tạo nên vẻ đẹp độc đáo, hòa quyện giữa Á và Âu.
Rất nhiều loại tranh, ảnh, kỷ vật cũng như vật dụng mang dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trưng bày bên trong bảo tàng.
Đặc biệt, một số đồ vật, vật dụng gắn liền với cuộc sống của Bác Hồ cũng được lưu giữ và trưng bầy tại đây như đôi dép cao su Bác mang hàng ngày, những chiếc tạ tay tập thể dục.
Bến cảng Nhà Rồng nằm sát bờ sông Sài Gòn, hướng thẳng ra Bến Bạch Đằng, phía xa là cầu Thủ Thiêm 2.
Đây là địa điểm tham quan ý nghĩa được nhiều học sinh, sinh viên và các đoàn du khách ghé thăm mỗi khi đến TPHCM.
Các em học sinh trường Nguyễn Trường Tộ được cô giáo dẫn đi tham quan và tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua những kỷ vật, hình ảnh được trưng bày bên trong bảo tàng.
Mô hình căn nhà lá của gia đình Bác Hồ ở Nghệ An được trưng bày tại đây thu hút sự hiếu kỳ của các em nhỏ.
Nội dung của bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc vào ngày 2/9/1945 được trưng bày trang trọng bên trong bảo tàng.
Bạn Thanh Hoàng và Huỳnh Yến (sinh viên Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM) tới tham quan bảo tàng nhân dịp kỷ niệm 133 năm ngày sinh của Bác Hồ (19/5/1890 – 19/5/2023)
“Biết về Bến Nhà Rồng từ rất lâu, nhưng hôm nay bọn em mới có dịp để ghé thăm và tìm hiểu về Bác thông qua những kỷ vật, những dấu ấn của Bác tại bảo tàng. Khi có mặt ở đây, bọn em thật sự biết ơn sự hy sinh của người, lòng tự hào dân tộc trong tim cũng được khơi gợi khi nghe những câu chuyện, nhìn những kỷ vật của Bác tại đây”, Thanh Hoàng chia sẻ.
Một kỷ vật đặc biệt được trưng bày tại bảo tàng đó là viên gạch sưởi – loại gạch cùng thời và được làm cùng chất liệu với viên gạch mà Nguyễn Ái Quốc đã dùng để sưởi ấm trong thời gian sống ở nhà số 9 (ngõ Compoint, quận 17, Paris, Pháp).
Chiếc máy đánh chữ cùng bút, kính và chiếc nón sắt từng được Bác Hồ dùng trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở Miền Bắc được trưng bày trang trọng ở bảo tàng. Đây là những vật dụng quen thuộc gắn liền với cuộc sống hàng ngày của Bác Hồ khi còn sống.
Bến Nhà Rồng sáng rực, lung linh về đêm vào dịp kỷ niệm 133 năm sinh nhật Bác Hồ. Có thể nói Bến Nhà Rồng cũng là biểu tượng của TPHCM, hầu hết người dân đến du lịch tại thành phố này phải ghé thăm một lần.
Bến Nhà Rồng có vị trí đắc địa khi nằm sát bờ sông Sài Gòn, mặt tiền hướng thẳng ra cột cờ Thủ Ngữ, bến Bạch Đằng (quận 1), phía đông giáp sông Sài Gòn, đây cũng là khu vực neo đậu của nhiều du thuyền du lịch nổi tiếng của TPHCM về đêm.
Nằm lọt thỏm giữa lòng thành phố năng động, hoa lệ, nhưng Bến Nhà Rồng vẫn giữ được nét đặc trưng và dấu ấn riêng biệt về cả mặt văn hóa, lịch sử, kiến trúc.
Nguồn: Báo xây dựng