Nếu thảm hoạ hạt nhân xảy ra, đây là 2 quốc gia an toàn nhất để trú ẩn
Nếu thảm hoạ hạt nhân xảy ra, đây là 2 quốc gia an toàn nhất để trú ẩn
Theo dõi MTĐT trên
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng Australia và New Zealand có nguồn lực lý tưởng để tồn tại ngay cả khi thảm hoạ hạt nhân xảy ra.
Cụ thể, theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Phân tích Rủi ro, Australia, New Zealand, Iceland, Quần đảo Solomon và Vanuatu là những quốc gia có khả năng duy trì sự sống nếu những thảm họa như chiến tranh hạt nhân, va chạm với tiểu hành tinh hoặc siêu núi lửa diễn ra.
Bởi lẽ, những quốc đảo nói trên có sản lượng lương thực đủ để dự trữ cho dân số trong phạm vi lãnh thổ của mình, tạo tiền đề cho quá trình xây dựng lại nền văn minh sụp đổ.
Theo các nhà nghiên cứu, “ngay cả trong những kịch bản tồi tệ nhất, các quốc đảo này vẫn sẽ là nơi cư ngụ của những nhóm người cuối cùng sống sót trên Trái Đất”.
Nhóm tác giả đã đánh giá 38 quốc đảo dựa trên 13 yếu tố được cho là có tính chính xác cao trong việc dự đoán khả năng tồn tại của một quốc gia trong kịch bản tận thế.
Một vài yếu tố tiêu biểu trong mô hình này bao gồm sản lượng lương thực, khả năng tự cung ứng năng lượng và mức độ tác động của thảm họa đối với môi trường.
Trong khi đó, Australia và New Zealand đều là những quốc gia có nền nông nghiệp phát triển mạnh, đồng thời có lợi thế về mặt địa lý khi nằm cách xa những điểm nóng hạt nhân vốn phân bố ở bán cầu Bắc.
“Australia có trữ lượng lương thực khổng lồ, bên cạnh dân số bản địa thì nguồn dự trữ này đủ để nuôi sống cho vài chục triệu người nữa”, nhóm nghiên cứu kết luận.
Giáo sư Nick Wilson (Đại học Otago) và tiến sĩ Matt Boyd thuộc nhóm nghiên cứu cho rằng một số quốc gia có trữ lượng lương thực đủ lớn để tồn tại trong kịch bản tận thế song lại không thỏa một số điều kiện để phục hồi sau thảm họa.
Đơn cử, theo mô hình dự đoán của các nhà nghiên cứu, sản lượng lương thực của Nga, Mỹ và Trung Quốc có thể giảm tới 97% nếu phải hứng chịu siêu thảm họa. Do đó, trong trường hợp kịch bản tận thế xảy ra, những cường quốc này cần phải phụ thuộc vào công nghệ phát triển lương thực mới.
Thiên Bảo (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị