Nếu được nhập khẩu 37 toa tàu cũ do Nhật Bản tài trợ, VNR sẽ khai thác thế nào?

Nếu được nhập khẩu 37 toa tàu cũ do Nhật Bản tài trợ, VNR sẽ khai thác thế nào?
Nếu được nhập khẩu 37 toa tàu cũ do Nhật Bản tài trợ, VNR sẽ khai thác thế nào?

Liên quan đến đề xuất Thủ tướng Chính phủ mới đây của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) về việc cho nhập khẩu 37 toa tàu cũ của Nhật Bản, trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch hội đồng thành viên VNR, cho biết đây là những toa tàu của Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản (JR East) muốn tài trợ miễn phí cho đường sắt Việt Nam. VNR chỉ phải chịu chi phí vận chuyển, cải tạo để đưa vào sử dụng.

Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR Vũ Anh Minh cho hay: “JR East là đối tác lâu năm của Tổng công ty. Hiện nay, đã có các nước là Philippines và Indonesia đăng ký mua những toa tàu này, nhưng phía Nhật Bản đã từ chối và đồng ý tặng cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam”.

Đề cập đến chất lượng những toa tàu này, ông Vũ Anh Minh chia sẻ, hiện Nhật Bản không quy định về niên hạn sử dụng với toa tàu. Các toa này trước khi thông báo chuyển giao vẫn được JR East khai thác bình thường, bảo dưỡng thường xuyên nên còn đảm bảo chất lượng. Phía JR East loại ra do dừng khai thác tuyến đường sắt sử dụng công nghệ cũ để chuyển sang công nghệ mới nên toa tàu đó không còn tương thích.

“Lâu nay đường sắt Nhật Bản vẫn trong quá trình thay đổi dần công nghệ các tuyến đường sắt, nên vẫn loại ra các toa tàu như vậy và tài trợ rất nhiều nước, đặc biệt là Myanmar (mới nhận năm 2020). Đường sắt Việt Nam không nhận, phía Nhật Bản cũng tài trợ cho nước khác”, Chủ tịch VNR chia sẻ.

Đặc biệt, theo Chủ tịch hội đồng thành viên VNR, khổ ray của các toa xe Nhật Bản loại lần này là hơn 1 m (1.067mm), trong khi khổ ray của mình là 1.000mm, nên có sự khác biệt không nhiều. Tuy nhiên ngành đường sắt sẽ phải cải tạo lại một số thông số cho phù hợp hạ tầng đường sắt Việt Nam nếu được tiếp nhận các toa xe này. Mặt khác, việc đánh giá toàn diện chất lượng những toa xe này sẽ do Cục Đăng kiểm Việt Nam đánh giá trước khi được nhập khẩu vào Việt Nam.

Đánh giá về lợi ích kinh tế khi nhập khẩu những toa xe này, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch hội đồng thành viên VNR, phân tích việc tiếp nhận các toa tàu của Nhật đã qua sử dụng, cải tạo phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam giúp giảm đáng kể chi phí đầu tư đóng mới toa xe; tạo điều kiện cho việc nghiên cứu, phát triển công nghệ mới phục vụ việc đóng mới…

Mặt khác, ông Minh lý giải, theo quy định của Luật Đường sắt sửa đổi năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành, toa tàu chở khách đã qua sử dụng nhập khẩu không được quá 10 năm. Niên hạn với toa tàu khách Việt Nam quy định không quá 40 năm. Do đó, để được tiếp nhận và đưa vào sử dụng 37 toa xe trên, VNR kiến nghị với Thủ tướng và nếu được Thủ tướng Chính phủ cho phép nhập khẩu, đưa vào sử dụng thì mới tiến hành.

Khi hỏi về kinh phí khi tiếp nhận những toa tàu này, ông Minh khẳng định: “Những toa tàu của phía Nhật Bản chuyển giao cho chúng ta nếu mua mới có giá trị khoảng hơn 30 tỷ đồng/toa. Như vậy, nếu để đầu tư 37 toa tàu mới này, chúng ta phải bỏ ra hơn 1.100 tỷ đồng, nhưng khi nhập khẩu 37 toa tàu được tài trợ này chúng ta chỉ mất chi phí vận chuyển về Việt Nam và các chi cải tạo cho phù hợp với hạ tầng đường sắt Việt Nam vào khoảng 140 tỷ đồng”.

Nhìn nhận ở một khía cạnh khác, ông Minh chia sẻ, trong bối cảnh ngành đường sắt đang thiếu vốn, không có vốn đầu tư cũng như bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, nếu được phép nhập được 37 toa tàu cũ này chúng ta sẽ tiết kiệm được một khoản ngân sách lớn so với đóng mới hoàn toàn.

“Đồng thời, những toa tàu của Nhật Bản giúp chúng ta tiết kiệm nhiên liệu, chi phí vận hành và phù hợp với khổ đường sắt của chúng ta đang khai thác. Trọng lượng nhẹ hơn và khai thác an toàn hơn những đoàn tàu của chúng ta đang khai thác. Khi đưa về nước chỉ cần hoán cải một số chi tiết là có thể đưa về khai thác. Về nội thất, chắc chắn những toa tàu này hiện đại hơn những toa tàu của chúng ta đang khai thác sử dụng”, ông Vũ Anh Minh thông tin.

Đặc biệt, Chủ tịch hội đồng thành viên VNR khẳng định có thể coi đây là giai đoạn thí điểm để ngành đường sắt được tiếp cận với công nghệ hiện đại hơn. Ngoài ra, việc đưa các đoàn tàu vào khai thác còn có thể giúp ngành cơ khí đường sắt nghiên cứu để đưa ra được các giải pháp sản xuất kinh doanh cho tương lai.

Theo ông Minh, nếu những toa tàu này được đưa về nước, chúng ta có thể đưa vào khai thác các tuyến Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Lào Cai, Nha Trang – Tp. Hồ Chí Minh. Đà Nẵng – Quảng Bình.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, về nội dung đề xuất của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nhập khẩu 37 toa tàu cũ của Nhật Bản đề nghị PV liên hệ với Tổng công ty và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Còn theo đại diện lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam, thông tin về việc ngành đường sắt đề xuất nhập khẩu 37 toa tàu trên đơn vị chưa nhận được văn bản, mới biết thông tin qua báo chí.

Theo tìm hiểu của phóng viên TTXVN, trước đó vào tháng 3/2021, Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản (JR East) thông báo có tổng số 61 toa tàu Kiha 40 và Kiha 48 không khai thác nữa. Phía đối tác Nhật Bản sẵn sàng chuyển giao cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Đây là số toa tàu chưa từng được khai thác tại Việt Nam, khi về nước 37 toa tàu này cũng là công nghệ mới nhất đối với các đoàn tàu mà đường sắt Việt Nam đang khai thác.

Phía Nhật Bản cho biết, các toa tàu Kiha 40 và 48 có thể tiếp tục vận hành tốt nếu được bảo trì tốt. Điểm khác biệt giữa Kiha 40 với 48 là không ảnh hưởng đến vận hành và hoàn toàn tương thích; có thể dễ dàng nối Kiha 40 với 48 và có thể kéo với đầu máy.

Cũng theo phía đối tác Nhật Bản, điểm mạnh của những toa tàu này là hệ thống điều khiển đơn giản (dẫn động và hãm) có thể nhận bất cứ thành phần nào. Đồng thời, có thể vận hành đa dạng để phục vụ khách đi làm theo vé tháng, ngắm cảnh, đoàn tàu đặt chỗ trước.

Ngoài ra, sau khoảng 40 năm vận hành, cả 2 loại toa xe Kiha 40 và Kiha 48 không gặp bất kể vấn đề nghiêm trọng về an toàn và chất lượng. Cùng với đó, toa tàu không cần phải hoán cải, loại trừ khác biệt về khổ đường giữa Nhật bản và Việt Nam.

Loại toa Kiha 40 với 48, công suất 68-82 chỗ ngồi, 28-34 chỗ đứng, tốc độ vận hành tối đa 95km/h trên các tuyến đường sắt khổ 1.067mm của Nhật Bản.

Trước đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho phép nhập khẩu các toa tàu tự hành DMU đã qua sử dụng của Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản (JR East). Đây là các toa tàu được sản xuất trong giai đoạn 1979-1982. Nếu được phép, VNR sẽ nhập về cải tạo và đưa vào khai thác chở khách trên hệ thống đường sắt Việt Nam.

Phóng viên TTXVN sẽ tiếp tục thông tin về nội dung này.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích