Nét uy quyền của rồng qua các vương triều Đại Việt
Nét uy quyền của rồng qua các vương triều Đại Việt
Hình tượng rồng qua mỗi vương triều Đại Việt có những đặc trưng riêng nhưng đều thể hiện nét uy quyền, hạnh phúc và ấm no.
Rồng đứng đầu trong bộ tứ linh: Long, Ly, Quy, Phụng. Hình tượng rồng qua các vương triều Đại Việt có những nét đặc trưng riêng thể hiện qua trang phục, gốm sứ hay kiến trúc… Thời xưa, hình tượng rồng được đưa vào các tục, nghi lễ với mong ước bình an, hạnh phúc, may mắn và sự thịnh vượng.
Hiện tại, Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội) trưng bày rất nhiều hình tượng rồng ở các triều đại Lý, Trần, Lê hay Nguyễn. Rồng thời Lý có đầu nhỏ, mình thon mềm mại, uốn lượn nhiều vòng, uyển chuyển trên bốn chân chim, mình không có vảy, đặc biệt là đầu không có tai và sừng.
Nắp hộp men xanh lục trang trí nổi hình rồng và văn mây thời Lý.
Đến đầu thời Trần, rồng vẫn kế thừa phong cách rồng thời Lý. Càng về sau, hình tượng rồng càng phát triển đa dạng, không còn khuôn vàng thước ngọc như rồng thời Lý mà bắt đầu biến đổi, mỗi nơi một khác, thể hiện sự tiếp biến và giao thoa mới.
Hình tường rồng thời Trần có những thay đổi như đầu lớn hơn, râu tóc rõ hơn, có thêm sừng và tai. Lưng có vảy và thân mình uốn khúc trên thế chân đạp vững chãi.
Sang thời Lê sơ là thời kỳ cực thịnh của Nho giáo tại nước ta, rồng bỗng chuyến hoá trở về chịu ảnh hưởng mạnh của rồng phương Bắc với đầu to, sừng có chạc, vây và lông gáy tua rủa, vẩy to và chân xoè năm ngón, móng quặp lại trông rất dữ tợn, thể hiện uy quyền và sự nghiêm ngặt của nhà vua.
Ngói ống tạo hình con rồng thời Lê sơ.
Chiếc đĩa nhỏ vẽ hình rồng này là hiện vật chứa đựng nhiều câu chuyện lịch sử, không chỉ là vật dụng trong bữa ăn của nhà vua mà nó còn thể hiện kỹ thuật sản xuấn những đồ gốm cao cấp dành cho nhà vua do lò quan Thăng Long chế tác vào thời Lê sơ, thế kỷ 15.
Thời Nguyễn để lại một kho tàng di sản văn hoá đồ sộ vẫn được lưu giữ cho đến ngày nay. Rồng thời Nguyễn có đầu to, sừng giống sừng hươu chĩa ngược ra sau, mắt rồng lộ to, mũi sư tử, miệng há lộ răng nanh. Con rồng thời Nguyễn kế thừa nét đẹp tinh hoa truyền thống, đến nay có sự sáng tạo một cách phóng khoáng và phong phú hơn.
Ngoài ra, thời xưa hình tượng rồng được sử dụng nhiều trong kiến trúc cung đình, đền đài, trang phục vua chúa.
Thăng Long – nơi rồng vàng xuất hiện cũng là nơi vương triều Lý (1010-1125) xây dựng nhiều công trình kiến trúc hoàng thành, chùa, tháp mở đầu cho độc lập tự chủ của Đại Việt.
Hình tượng rồng thể hiện rõ nét trên kiến trúc đình, đền và chùa.
Đôi rồng Hồ Tây được chế tác bằng gốm sứ theo phong cách thời Lý. Mỗi con rồng dài 15,6 m và cao 8,5 m, được gia công chắc chắn bằng khung thép và lớp bê tông dày. Tổng trọng lượng của đôi rồng lên đến 60 tấn. Hiện, kỷ vật này đã được ghi vào sách kỷ lục Guinness và sách kỷ lục Việt Nam.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị