Nên xử lý người đứng đầu đơn vị, nếu để nhân viên ra đường nhiều!

Trả lời câu hỏi: “Tại sao thành phố Hà Nội đang trong giai đoạn giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 mà trên nhiều tuyến phố, đặc biệt trong giờ hành chính vẫn khá đông các phương tiện tham gia giao thông?”, nhân viên một doanh nghiệp cho hay, thực ra trong bối cảnh đại dịch diễn biến khó lường, chẳng ai muốn đi làm, chỉ muốn ở nhà để được an toàn cho bản thân và gia đình. Nhưng mình là nhân viên, thủ trưởng và lãnh đạo cơ quan vẫn chỉ đạo, giao việc thì vẫn phải đến cơ quan để hoàn thành nhiệm vụ, ai dám chống lệnh.

Anh này cũng nói thêm: Chẳng lãnh đạo nào muốn cán bộ, nhân viên cơ quan, đơn vị mình phải đi làm nhiều, nhưng do sức ép về công việc, sức ép về kinh tế, đơn hàng, lãnh đạo phải “cắn răng” điều động cán bộ, nhân viên đi làm mà thôi.

Nên xử lý người đứng đầu đơn vị, nếu để nhân viên ra đường nhiều!
Thực hiện nghiêm Chỉ thị 17 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và khuyến cáo 5K của Bộ Y tế để chung tay đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho mình, gia đình và cộng đồng. (Ảnh minh họa)

Cách diễn giải của anh nhân viên nọ nghe cũng có lý. Song Thủ tướng đã phát đi thông điệp “chống dịch như chống giặc” thì chúng ta phải hiểu “giặc Covid-19” nguy hiểm đến mức nào. Châu Âu, châu Mỹ, châu Á và hiện tại điểm nóng Đông Nam Á là ví dụ điển hình. Biến chủng Delta với tốc lây nhiễm nhanh, tỷ lệ tử vong cao đã khiến nhiều quốc gia khốn đốn. Ấn Độ, Myanmar, Indonesia… là những ví dụ sinh động.

Trong nước, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và một số tỉnh ở Nam Bộ cũng đang phải “căng mình” chống chọi với đại dịch. Hệ thống y tế quá tải vì số bệnh nhân tăng hàng ngày. Đặc biệt thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương thiếu trầm trọng cơ sở điều trị bệnh cũng như đội ngũ y, bác sĩ phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho người mắc Covid-19. Hà Nội và các địa phương phía Bắc, Bắc Trung Bộ đang phải cử đội ngũ y, bác sĩ tinh nhuệ, nhiệt huyết vào “chia lửa” với miền Nam. Nếu chúng ta không đồng tâm, hiệp lực, ý thức cao độ giữ cho Hà Nội bình yên, Covid-19 chẳng may bùng phát hậu quả sẽ ra sao?

Con người với “bản năng” sinh tồn, trong một môi trường thanh bình, nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống là điều tất yếu. Nhưng khi thiên tai, địch họa xảy ra cái quý giá nhất lại chính là mạng sống, sức khỏe.

Sức ép tài chính, công việc là có thật. Cả một thời gian dài chúng ta đã ưu tiên mục tiêu “kép” vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch. Nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, đại dịch bùng phát mạnh, Chính phủ đã đặt mục tiêu chống dịch, đảm bảo sức khoẻ nhân dân lên hàng đầu thì không thể mang “mạng sống” ra để đánh đổi kinh tế. Ở nhà có thể ăn uống đơn sơ hơn, thu nhập ít hơn, song bù lại có được chốn an toàn nhất, không phải nơm nớp lo âu mỗi khi ra đường.

Yêu cầu nhân viên đi làm nếu chẳng may lây nhiễm Covid-19, điều đầu tiên cả cơ quan sẽ bị phong tỏa, hoạt động sẽ ách tắc hẳn. Kéo theo là biết bao hệ luỵ, truy vết, cách ly, giãn đoạn sản xuất, ảnh hưởng sức khoẻ… Còn về góc độ pháp lý, thủ trưởng, lãnh đạo cơ quan để nhân viên đi làm không đúng thành phần, công việc, làm lây lan bệnh dịch, chắc chắn sẽ bị xử lý. Nếu điều đó xảy ra, cái lợi chẳng thấy đâu, lại bị “thiệt đơn, thiệt kép”.

Nhiều đơn vị đã bố trí cho nhân viên làm việc online, hiệu quả công việc tuy có giảm sút nhưng không đứt gãy chuỗi sản xuất. Khối hành chính trị sự chắc chắn bố trí làm việc online thuận lợi hơn, nhưng khối doanh nghiệp sản xuất trực tiếp thì thật khó. Theo dõi thời gian này có lẽ thấy được sự lúng túng để hài hoà sản xuất của doanh nghiệp. Lúc này đòi hỏi ban lãnh đạo phải xây dựng được kế hoạch, phương án sản xuất phù hợp, đảm bảo không bị Covid-19 “tấn công”. Lãnh đạo đơn vị phải hạn chế được tối đa số người đến đơn vị. Chỉ khi ý thức thực hiện nghiêm giãn cách xã hội xuất phát từ người đứng đầu, ban lãnh đạo đơn vị thì mới hạn chế được số nhân viên ra đường không đúng quy định.

Để cộng đồng trách nhiệm với Đảng, Nhà nước, thành phố Hà Nội trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường, hơn lúc nào hết mỗi thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải quán triệt tinh thần Chỉ thị 16 của Chính phủ, Chỉ thị 17 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố một cách nghiêm túc nhất và có trách nhiệm với cán bộ, nhân viên của mình, trách nhiệm với cộng đồng, đất nước bằng việc phân công công việc hợp lý, hạn chế tối đa nhân sự đến cơ quan, công sở, nhà máy, đơn vị. Nói một cách ngắn gọn, thương nhân viên xin đừng “bắt” họ đi làm! Yêu nhân viên “đừng” đẩy họ ra đường! Yêu nước hãy bố trí công việc hợp lý.

Giãn cách triệt để sẽ hạn chế triệt để nguồn lây. Nếu không thì ý nghĩa của những tuần giãn cách khó mà như mục tiêu đặt ra. Đến lúc đấy có lẽ lại phải tiếp tục giãn cách. Kéo dài giãn cách hẳn không phải là mong muốn của mỗi chúng ta.

“Nước xa không cứu được lửa gần”. “Nước xa” là lợi ích kinh tế từ việc cho đi làm quá đông, sai quy định trong những ngày giãn cách chưa thấy đâu, “lửa gần” là “bóng ma” Covid-19 vẫn quanh quẩn đâu đây, chỉ cần lơ là là chúng ta sẽ bị tấn công bất cứ lúc nào. Cái giá cho bản thân, đơn vị và xã hội là vô cùng lớn.

Thời gian giãn cách không còn nhiều, bên cạnh việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, nên chăng các cấp có thẩm quyền cần tiếp tục ban hành chế tài xử lý trách nhiệm người đứng đầu nặng hơn nếu để cán bộ, nhân viên ra đường, đến cơ quan làm việc nhiều. Có như thế mới góp phần đẩy lùi đại dịch Covid-19; Thủ đô mới thực sự bình yên!

L.Hà

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích