Nên thu hồi đất để xây trường

Nên thu hồi đất để xây trường
Ảnh minh họa.

Với quyết tâm dồn lực để nuôi các con ăn học, hy vọng sau này con cái không phải vất vả như mẹ, chị Trâm đang làm công việc bán hàng ăn sáng tại một ngõ nhỏ trên phố Thái Thịnh tâm sự: “Bao nhiêu thu nhập từ cái quán ăn này cũng đều đầu tư cho con ăn học. Cháu học cũng được, vậy mà kỳ thi vào lớp 10 vừa rồi lại bị trượt, không đủ điểm vào trường công nên đành phải học trường tư. Đau đầu vấn đề tài chính lắm”! Rồi chị ước, giá những khu đất công, những nhà máy di dời ra ngoại thành, mà mỗi quận giành lấy một khu để xây trường cho các cháu học, áp lực về thi, về tài chính đối với những người lao động có thu nhập vốn thấp như chúng tôi sẽ không lớn.

Tâm sự của chị Trâm cũng là vấn đề mà Lao động Thủ đô cũng từng đề cập. Câu chuyện tuyển sinh đầu cấp “bỗng nhiên” trở thành đề tài “nóng” trong vòng hơn 10 năm trở lại đây. Lý do thật đơn giản: Dân số cơ học tăng quá nhanh, song hệ thống trường công lại không đáp ứng được, vì hầu như quận nào trong nội đô cũng bị thiếu đất (chưa bàn đến yếu tố cơ chế). Vậy vấn đề đặt ra, chúng ta có nên tiếp tục duy trì thực trạng “nóng” trong công tác tuyển sinh đầu cấp hay không? Nghĩa là chấp nhận việc “chọi” vào hệ thống trường công như hiện tại để (có thể) nâng cao chất lượng đầu vào, hay cần “phủ sóng” trường công?

Trả lời câu hỏi này, đa số chuyên gia, phụ huynh đều mong muốn cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng, cần xây dựng thêm trường để con em được học ở hệ thống trường công. Nhưng mấu chốt là đất đâu, trong bối cảnh quỹ đất ở các quận nội đô hầu như không còn? Khi chắp bút cho bài viết này, người viết đọc được trên hệ thống báo chí thông tin về cuộc làm việc của Ban chỉ đạo về việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn Hà Nội do Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chủ trì ngày 9/8, trong đó có thông tin đáng chú ý từ báo cáo của Sở Tài nguyên – Môi trường và Sở Kế hoạch- Đầu tư là toàn Thành phố hiện có khoảng hơn 700 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất, nhưng đang chậm triển khai với diện tích lên đến hàng trăm ha. Tại hội nghị này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã đề nghị các sở, ngành, quận, huyện lên phương án cụ thể để xử lý từng dự án chậm triển khai.

Nhân sự kiện này, cá nhân người viết cũng như một số ý kiến người dân đề xuất, thành phố Hà Nội với chức năng và thẩm quyền của mình, nên chăng rà soát trong số 700 dự án trên, dự án nào có quy mô về diện tích không thể triển khai hoặc không cần thiết triển khai kiên quyết thu hồi, đồng thời quy hoạch lại để nhường đất cho việc xây trường học. Nếu vượt thẩm quyền, thì xin ý chỉ đạo của Chính phủ hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nếu trong thời gian ngắn, 3-4 năm tới, chỉ cần mỗi quận nội đô có thêm 1-2 trường xây mới sẽ góp phần giải quyết tương đối câu chuyện thiếu trường, lớp đông như hiện nay.

Lê Hà

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích