Nền kinh tế không thiếu tiền, chỉ thiếu vốn
Theo TS. Trần Du Lịch, nền kinh tế hiện không thiếu tiền nhưng thiếu vốn. Việc cần làm là đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, nới room tín dụng đúng đối tượng cần tiền để tạo dòng vốn.
Hãy tưởng tượng, doanh nghiệp Việt Nam đang trong bối cảnh như thửa ruộng khô do không có nước, nhưng thực tế có một hồ nước mênh mông ở đâu đó. Mấu chốt là kênh dẫn từ hồ nước vào ruộng đang bị nghẽn.
Ẩn dụ trên được TS.Trần Du Lịch – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đưa ra tại tọa đàm “Tìm giải pháp tài chính doanh nghiệp trong tình hình hiện nay” do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM tổ chức sáng 26/11.
Như vậy, theo ông Lịch, nền kinh tế hiện không thiếu tiền nhưng thiếu vốn.
Hệ lụy bất động sản và trái phiếu
Khi đề cập những khó khăn hiện nay, ông Lịch cho rằng, hệ lụy một phần đến từ các doanh nghiệp bất động sản chưa có hệ thống quản trị rủi ro hiệu quả. Cùng với đó, doanh nghiệp bất động sản dùng đòn bẩy tài chính thái quá, đến nay, 4 dòng tiền là: vốn chủ hữu; vay ngân hàng; trái phiếu; tiền khách hàng ứng trước đều tắc.
Trước đây, các doanh nghiệp bất động sản đưa ra thị trường sản phẩm đầu cơ nhiều hơn sản phẩm cho thị trường. Đơn cử, đi dọc miền Trung toàn các dự án phân lô, bán nền, nhiều người miền Bắc vào mua mà không biết bao giờ sẽ ở; những dự án pháp lý không ổn được mua đi bán lại mà giờ kêu nhà nước gỡ thì đâu đơn giản, ông Lịch bình luận.
Ông Nguyễn Quang Thanh – Phó Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) cho hay, việc phát hành trái phiếu dưới chuẩn thời gian qua đã tạo ra ảnh hưởng nhất định. Thường người mua trái phiếu là các tổ chức nhưng khi ngân hàng bảo lãnh, đã phát hành nhiều cho cá nhân. Trái lại, nhà đầu tư cá nhân kiến thức còn hạn chế, họ nhiều khi không biết đang mua cái gì nên khó đánh giá chính xác về trái phiếu. Nếu trái phiếu được bán cho tổ chức thì tình hình đã tốt hơn.
Đây là lúc doanh nghiệp buộc phải mua lại trái phiếu, bởi nếu doanh nghiệp bị phát hiện đã phát hành trái phiếu, sử dụng tiền không đúng mục đích, có thể sẽ bị xử lý hình sự.
Tọa đàm Tìm giải pháp tài chính doanh nghiệp trong tình hình hiện nay sáng 26/11. (Ảnh: Trần Chung) |
Cần bơm tiền đúng đối tượng
Nhận định về sức khỏe nền kinh tế hiện nay, ông Dominic Scriven – Chủ tịch Công ty quản lý quỹ đầu tư Dragon Capital cho biết, nhiều vấn đề đến cùng lúc không thể dự báo trước như chiến tranh; giá nhiên liệu; lạm phát thế giới. Song, nền kinh tế Việt Nam có sức khỏe nội tại. Khó khăn trước mắt chỉ nhất thời, vấn đề là xử lý điểm nghẽn vốn.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Phó Tổng giám đốc HFIC Nguyễn Quang Thanh thông tin, đơn vị này sẵn sàng cho doanh nghiệp vay với các lĩnh vực như: hạ tầng; xử lý rác, nước thải; giáo dục; dự án phát triển khu công nghiệp; công nghiệp hỗ trợ… Do huy động được nguồn vốn từ World Bank và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nên HFIC hỗ trợ vay với lãi suất cạnh tranh, không giới hạn room.
Đối với doanh nghiệp bất động sản, ông Lịch ủng hộ có chính sách gỡ khó nhưng các ông lớn, các doanh nghiệp phải trả giá bằng khối tài sản của mình chứ không thể bình chân như vại, chờ nhà nước cứu. Trước mắt, khoản vốn đầu tư công khoảng 900.000 tỷ đang chậm giải ngân, nếu kênh này giải ngân được vào hạ tầng thì dòng tiền sẽ góp phần tạo vốn cho thị trường. Cùng với đó, nhiều đề nghị nói NHNN cần tăng tín dụng, thêm 1% tức là khoảng 100.000 tỷ vào nền kinh tế. Tuy nhiên, nới room ở đây là phải bơm vốn cho dự án nhà ở xã hội, công trình phục vụ thị trường.
“Bơm tiền cho nhóm này chứ không bơm tất cả, nếu không sẽ lấy tiền nuôi bệnh. Cung tiền không khéo thì đẩy lạm phát, nguy cơ nhất là vừa lạm phát vừa trì trệ”, ông Lịch nhận định.
Nguồn: Báo xây dựng