Nền kinh tế cần nhiều hơn những doanh nghiệp nòng cốt dẫn dắt
Mặc dù đã có trên 930 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa (chiếm đến 98%) và chỉ có khoảng 2% các doanh nghiệp lớn. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhóm các doanh nghiệp lớn có vai trò quan trọng, là nòng cốt dẫn dắt sự phát triển của các ngành và cả nền kinh tế.
Chính vì vậy, bên cạnh mục tiêu phát triển 2 triệu doanh nghiệp đến năm 2030, Đại hội XIII của Đảng cũng khẳng định “Khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế”. Nghị quyết 41-NQ/TW cũng đề ra nhiệm vụ phải “phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới, xây dựng đội ngũ doanh nhân dân tộc”.
Thời gian gần đây đã ghi nhận những chuyển động về mặt nhận thức, đường lối, tư duy phát triển đội ngũ doanh nhân – một trong những thành tố quan trọng phát triển kinh tế, nhất là ở những ngành công nghiệp mũi nhọn, trọng điểm.
Tại tọa đàm “Doanh nhân Việt Nam với vai trò dẫn dắt các ngành công nghiệp mũi nhọn”, chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Trần Đình Thiên cho biết, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đang phát triển; trong đó, một số doanh nghiệp đã trở thành “sếu đầu đàn” có thể dẫn dắt nền kinh tế và một số doanh nhân Việt Nam góp mặt trong danh sách tỷ phú thế giới năm 2024. Đây là một trong những danh hiệu quan trọng bậc nhất của doanh nghiệp, khẳng định tầm vóc của doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam trên toàn cầu.
Muốn tạo nền tảng vững cần không gian phát triển thuận lợi cho doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: NC) |
Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam cần phải có nhiều hơn những tập đoàn, doanh nghiệp và những doanh nhân tỷ phú như vậy. Số lượng doanh nghiệp “sếu đầu đàn” hiện nay chưa đủ đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế. Do đó, cần có cách tiếp cận mới, khác thường, đặc biệt để đội ngũ doanh nhân có bước tiến đúng tầm thời đại.
Nhấn mạnh đến những khó khăn trong việc xây dựng doanh nghiệp dẫn dắt song chuyên gia Trần Đình Thiên cũng cho rằng, thách thức thời nào cũng có, quan trọng hơn, cần nghĩ đến câu chuyện này thật nghiêm túc với một số vấn đề cần tập trung thực hiện. Thứ nhất là đặt bài toán cho doanh nghiệp, doanh nhân tương thích với thời đại, với yêu cầu đất nước, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang đi sau.
Thứ hai là để nền kinh tế phát triển cần những trụ cột dẫn dắt. Trụ cột đầu tiên là ưu tiên phát triển những tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân làm động lực, trụ cột cho nền kinh tế và đủ năng lực cạnh tranh quốc tế. Đây là quan điểm này rất quan trọng, đưa doanh nghiệp tư nhân vượt tầm quy mô của một doanh nghiệp để vươn mình trở thành doanh nghiệp dân tộc, thương hiệu của doanh nghiệp gắn liền và mang tầm quốc gia.
Thứ ba là muốn xây dựng trụ cột tốt cần nền tảng vững, mạnh cho doanh nghiệp phát triển. Thực tế hiện nay doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khả năng cạnh tranh còn yếu. Muốn tạo nền tảng vững cần không gian phát triển thuận lợi cho doanh nghiệp thông qua xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh, bình đẳng, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đào tạo cung ứng nhân lực… Đây là yêu cầu sống còn đối với doanh nghiệp.
Thứ tư là tập trung nguồn lực, hỗ trợ cho một số tập đoàn lớn dẫn dắt nền kinh tế. Đó là sự hỗ trợ ủng hộ của Chính phủ trong việc tạo cơ chế cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia công trình, dự án lớn; hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với thị trường nước ngoài…
Để làm được điều này, nên hỗ trợ trọng tâm vào một số ngành, hỗ trợ từng doanh nghiệp, từng lĩnh vực để tạo thành một số chuỗi cung ứng của Việt Nam, do người Việt Nam đứng đầu, từ đó tạo điều kiện mở đường cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước cùng tham gia chuỗi. Bên cạnh đó, khi khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vẫn đang đóng vai trò quan trọng cần tạo cơ hội, chính sách để doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI ở những khâu mà Việt Nam có lợi thế.
Cần thiết phải có Chiến lược xây dựng doanh nghiệp bám sát thực tiễn để thay vì phát triển doanh nghiệp theo số lượng cần phát triển doanh nghiệp hùng mạnh.
Chuyên gia kinh tế đã dẫn mô hình doanh nghiệp nhiều tầng mà Nhật Bản đã thực hiện thành công. Ở mô hình này có doanh nghiệp quy mô rất lớn, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ… Trên cơ sở đó, phân chia, định hình chiến lược phát triển để phù hợp với từng tầng để doanh nghiệp thực hiện đúng bài, đúng vai, qua đó xây dựng chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm hàng hoá chủ lực mang thương hiệu riêng.
Đi liền với đó là môi trường kinh doanh cạnh tranh tốt để doanh nghiệp có năng lực sẽ bứt phá phát triển; khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần hình thành những “sếu đầu đàn” dẫn dắt tăng trưởng kinh tế.
Tại “Báo cáo phục vụ Buổi gặp mặt của Thường trực Chính phủ gặp gỡ giới doanh nhân Việt Nam năm 2024 nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam”, Liên đoàn Thương mại và Công thương Việt Nam VCCI đã chỉ rõ: Hiện nay ở nước ta đã xuất hiện các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu vươn ra thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế như: Viettel, PVN, Tập đoàn Vingroup, FPT, Thaco, Hòa Phát, TH,…
Nhiều doanh nghiệp đã vươn lên làm chủ công nghệ, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có thương hiệu, tạo dựng được hệ sinh thái cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng phát triển, tiên phong trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tham gia giải quyết các thách thức, bài toán lớn của quốc gia, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Yêu cầu đặt ra là cần sớm có cơ chế, chính sách đột phá tạo điều kiện xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nghiệp dân tộc và các doanh nghiệp lớn, đầu ngành của Việt Nam.
Đức Hạnh
Nguồn: Báo lao động thủ đô