NASA: Phát hiện hàng chục điểm thải khí metan lớn trên khắp thế giới

NASA: Phát hiện hàng chục điểm thải khí metan lớn trên khắp thế giới

MTĐT –  Thứ năm, 27/10/2022 09:24 (GMT+7)

Một công cụ mới của NASA được thiết kế để nghiên cứu mức độ ảnh hưởng của bụi đối với khí hậu, đã xác định được hơn 50 điểm trên khắp thế giới có lượng phát thải khí metan lớn, đánh dấu một sự phát triển có thể giúp chống lại hiệu ứng nhà kính

Một thiết bị không gian của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), vốn được thiết kế để nghiên cứu về bụi trong không khí và tác động đối với biến đổi khí hậu, đã thực hiện được một chức năng quan trọng khác liên quan đến khoa học Trái đất – đó là phát hiện các điểm thải khí metan lớn trên khắp thế giới. Cơ quan này đã định nghĩa các chất siêu phát thải là cơ sở vật chất, thiết bị và cơ sở hạ tầng khác, thường là trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch, chất thải hoặc nông nghiệp, thải ra khí metan với tỷ lệ cao.

NASA mới đây cho biết thiết bị quang phổ kế của cơ quan này đã phát hiện hơn 50 “điểm siêu thải khí methane” ở Trung Á, Trung Đông và Tây Nam nước Mỹ kể từ khi được lắp đặt hồi tháng bảy vừa qua trên trạm vũ trụ quốc tế (ISS).

Đây là một phần trong nhiệm vụ “Điều tra nguồn bụi khoáng sản trên bề mặt Trái đất” (EMIT) của NASA, nhằm lập bản đồ sự phổ biến của các khoáng chất quan trọng trong các sa mạc sinh ra bụi của hành tinh.

tm-img-alt
Một chùm khí metan dài 2 dặm (3 km) được phát hiện về phía đông nam Carlsbad, New Mexico (Nguồn: ZME Science)

Các “điểm nóng” thải khí metan mới được phát hiện này (một số đã được biết đến trước đó và nhiều điểm mới được phát hiện) bao gồm các cơ sở dầu khí lớn và các vùng trồng trọt rộng lớn. Đáng kể nhất là nhóm 12 vệt quang phổ được phát hiện từ cơ sở dầu khí ở Turkmenistan, một số vệt dài tới hơn 32km.

Các nhà khoa học ước tính các vệt quang phổ ở Turmenistan thải 50.400kg mehan mỗi giờ, tương đương mức lớn nhất tại mỏ khí Aliso Canyon ở gần Los Angeles năm 2015, vốn được đánh giá là một trong những nơi thải khí metan nhiều nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Ngoài ra, 2 điểm thải khí lớn khác là một mỏ dầu ở New Mexico và một khu phức hợp xử lý rác thải ở Iran, thải ra tổng cộng gần 29.000kg metan mỗi giờ.

Quản trị viên NASA Bill Nelson cho biết trong một tuyên bố: “Kiểm soát lượng khí thải metan là chìa khóa để hạn chế sự nóng lên toàn cầu”. Công cụ này sẽ giúp xác định chính xác các chất siêu phát thải metan để có thể ngăn chặn lượng khí thải như vậy tại nguồn.

Theo cơ quan vũ trụ NASA, so với carbon dioxide, metan chiếm một phần nhỏ lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do con người gây ra, nhưng nó được ước tính là giữ nhiệt hiệu quả hơn 80 lần trong khí quyển trong 20 năm sau khi giải phóng. Khí metan là nguyên nhân gây ra khoảng 30% sự gia tăng nhiệt độ trên toàn cầu cho đến nay .

Hơn nữa, người ta cũng lưu ý rằng trong khi carbon dioxide tồn tại trong nhiều thế kỷ, metan vẫn tồn tại trong khoảng một thập kỷ. Điều này có nghĩa là nếu lượng khí thải giảm, bầu khí quyển sẽ phản ứng trong một khung thời gian tương tự, dẫn đến hiện tượng ấm lên trong thời gian ngắn hơn.

Hải Sơn (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích