NASA, Boeing hợp tác phát triển máy bay tiết kiệm nhiên liệu và ít khí thải
NASA, Boeing hợp tác phát triển máy bay tiết kiệm nhiên liệu và ít khí thải
Theo dõi MTĐT trên
Vừa qua, NASA ra thông báo hợp tác với Boeing phát triển máy bay mới một lối đi tiết kiệm nhiên liệu dành cho thương mại nhằm cắt giảm lượng khí thải nhiên liệu và giảm tác động khí hậu của chuyến bay.
Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) hôm 18/1 cho biết họ đã trao 425 triệu USD cho nhà sản xuất máy bay Boeing Co để phát triển dự án xây dựng máy bay bền vững, khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nỗ lực cắt giảm khí thải của ngành hàng không.
Boeing sẽ hợp tác với NASA để chế tạo, thử nghiệm và vận hành một chiếc máy bay trình diễn quy mô lớn và xem xét các công nghệ nhằm giảm lượng khí thải.
Trong 7 năm, NASA sẽ đầu tư 425 triệu USD vào dự án. Boeing và các đối tác của họ sẽ đóng góp phần tài trợ còn lại của thỏa thuận, ước tính khoảng 725 triệu USD.
Các bên đặt mục tiêu đưa “Transonic Truss-Braced Wing” – chiếc máy bay một lối đi thử nghiệm giảm mức tiêu thụ nhiên liệu và khí thải tới 30%. Ý tưởng được đưa ra là một chiếc máy bay có đôi cánh cực dài, siêu mỏng được ổn định bằng các thanh chống chéo và tỷ lệ khung hình cao hơn để có thể chứa các hệ thống đẩy tiên tiến.
Kỹ sư trưởng của Boeing, ông Greg Hyslop, cho biết chương trình này là cơ hội thiết kế, chế tạo và lái một chiếc máy bay thử nghiệm có quy mô lớn, đồng thời hỗ trợ giải quyết các vấn đề kỹ thuật mới.
NASA có kế hoạch hoàn thành thử nghiệm vào cuối những năm 2020, để những công nghệ đã được kiểm chứng có thể tạo tác động đến các quyết định của ngành hàng không về máy bay thế hệ tiếp theo vào những năm 2030.
Giám đốc điều hành (CEO) Boeing Dave Calhoun vào tháng 11/2022 cho biết, các máy bay phản lực thương mại hoàn toàn mới thế hệ tiếp theo của họ chỉ có thể trình làng vào giữa những năm 2030.
Việc cải thiện cắt giảm lượng khí thải là động lực chính cho Boeing. Ông Calhoun nói rằng nếu các máy bay mới không có lớp vỏ sản xuất theo hướng bền vững về môi trường, không thể đáp ứng các bài kiểm tra khí thải, không thể mang lại lợi thế hiệu suất đáng kể, thì chúng sẽ không được ra mắt.
Chính phủ Mỹ đã đặt mục tiêu ngành hàng không nước này đạt được mức phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính ròng bằng 0 vào năm 2050.
Nhà Trắng đang nhắm tới việc ngành hàng không giảm 20% lượng khí thải vào năm 2030, trong bối cảnh các hãng hàng không phải đối mặt với áp lực từ các tổ chức bảo vệ môi trường để giảm lượng khí thải carbon và thực hiện cam kết sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững hơn.
Hải Đăng (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị