Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam
Kỹ năng nghề là “chìa khóa” nâng cao năng suất lao động
Hiện nay, với xu thế hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa cũng như tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, yêu cầu về nâng tầm kỹ năng lao động đang trở nên hết sức cần thiết đối với mọi quốc gia. Việc nâng tầm kỹ năng lao động sẽ làm gia tăng chất lượng và hiệu quả lao động, là nhân tố hết sức quan trọng quyết định sự phát triển kinh tế – xã hội. Việc đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nguồn nhân lực có kỹ năng nghề chính là “chìa khóa” để nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ông Trương Anh Dũng- Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH)) cho rằng, những quốc gia có năng suất lao động cao thường có hệ thống giáo dục nghề nghiệp phát triển và lực lượng lao động có kỹ năng nghề cao và quốc gia nào càng nhiều lao động vững kỹ năng nghề, càng thu hút nhiều nhà đầu tư. Ông Trương Anh Dũng khẳng định, các cơ quan chức năng đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm trang bị và nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động.
Tập trung đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động để nâng cao năng suất lao động |
Thời gian qua, hệ thống giáo dục nghề nghiệp ở nước ta được quan tâm, đầu tư phát triển về nhiều mặt. “Nhờ đó, từ năm 2017 đến nay, hơn 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp của cả nước đã tuyển sinh, đào tạo nghề cho hơn 2 triệu lượt người, vượt kế hoạch đề ra. Sau khi ra trường, hơn 85% số người học nghề có việc làm, với thu nhập tốt”, ông Trương Anh Dũng cho biết. Những kết quả đạt được trong giáo dục nghề nghiệp kể trên, đã góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 58,6% vào năm 2018, lên khoảng 65% vào năm 2020.
Tỷ lệ lao động có bằng hoặc chứng chỉ cũng tăng từ 22,2% năm 2018, lên 25% vào năm 2020.”Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, với tốc độ tăng trung bình 5,8%/năm. Sự chuyển biến tích cực đó góp phần nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động Việt Nam. Theo báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam tăng 13 bậc, góp phần tăng 10 bậc năng lực cạnh tranh quốc gia so với năm 2018…”, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nói.
Trong khi đó, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến quý II/2021, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ở nước ta là 51,1 triệu người, tăng 44,7 nghìn người so với quý trước và tăng 1,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, so với cùng kỳ năm 2019 khi chưa có dịch, lực lượng lao động vẫn thấp hơn 304 nghìn người.Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý II năm 2021 là 26,1%, cao hơn 0,1% so với quý trước và cao hơn 0,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ qua đào tạo của lao động khu vực thành thị đạt 41,1%, cao hơn 2,3 lần so với khu vực nông thôn (17,6%). Những con số thống kê cho thấy lực lượng lao động Việt Nam khá dồi dào, sẵn sàng đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tuy nhiên, tỷ lệ quy mô, cơ cấu và chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề của Việt Nam hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong bối cảnh hiện tại và cũng như trong tương lai.
Tiếp tục nâng tầm kỹ năng lao động cả về số lượng và chất lượng
Với lợi thế là quốc gia đang ở giai đoạn dân số vàng, các chuyên gia khẳng định, việc nâng tầm kỹ năng cho người lao động về cả số lượng và chất lượng là điều kiện tiên quyết để Việt Nam tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh của quốc gia; nhằm thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện kinh tế – xã hội để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình vào năm 2030, hướng tới mục tiêu đến năm 2045 đưa nước ta trở thành nước phát triển hoặc nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ của ngành trong 5 năm tới (2021- 2026) đó là chuyển đổi kỹ năng cho người lao động nhằm mục tiêu phát triển bao trùm bền vững với 3 trụ cột cơ bản là kỹ năng lao động, việc làm thỏa đáng và an sinh bền vững. Phải nâng cao tỉ lệ lao động qua đào tạo lên 70-75%, trong đó tỷ lệ có chứng chỉ, bằng cấp đạt 30% (hết nhiệm kỳ 2021-2025) tiến đến 40% vào năm 2030, đây là tỉ lệ tương đương mặt bằng chung các nước phát triển. |
Đặc biệt, việc nâng cao kỹ năng lao động càng phải được chú trọng hơn bao giờ hết, khi Đảng và Nhà nước đang coi nguồn nhân lực là một trong 3 đột phá chiến lược. Để đáp ứng nâng cao kỹ năng lao động, hệ thống giáo dục nghề nghiệp tiếp tục cần được đổi mới hơn nữa.
Theo ông Trương Anh Dũng, ngành LĐ-TB&XHsẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân lực của thị trường lao động cũng như sự phát triển bền vững của đất nước, của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.
Việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp được chú trọng cả về quy mô, cơ cấu và chất lượng đào tạo, trên cơ sở kế thừa, phát huy những thành tựu đạt được, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế. Hiệu quả của hoạt động giáo dục nghề nghiệp sẽ được đo bằng tiêu chí “chấp nhận của thị trường lao động”.
Ngoài ra, các bên liên quan sẽ thúc đẩy phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có năng lực tự chủ và hoạt động hiệu quả; tăng cường đầu tư các trường nghề chất lượng cao, tập trung đào tạo các nghề trọng điểm… Về phía các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cần tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ… thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động. Cả nước phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 70 trường cao đẳng chất lượng cao, đủ năng lực đào tạo một số ngành, nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN công nhận.
Cùng với sự đổi mới của hệ thống giáo dục nghề nghiệp, các chuyên gia cũng cho rằng, các địa phương cần làm tốt hơn công tác dự báo, cập nhật dữ liệu mở về lao động có kỹ năng nghề theo từng lĩnh vực, ngành nghề, trình độ đào tạo, làm căn cứ để xây dựng kế hoạch tuyển sinh học nghề, giải quyết việc làm cho người lao động qua đào tạo nghề, đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo chuyển biến về nhận thức, đồng thuận của xã hội về vị trí, vai trò của nhân lực có kỹ năng nghề.
Về phía đơn vị sử dụng lao động nên chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên cho người lao động, để có lực lượng lao động vững kỹ năng nghề. Đối với người lao động, cần chủ động trang bị cho bản thân những kỹ năng nghề nghiệp phù hợp.Ở cấp vĩ mô, mối quan hệ gắn kết 3 “nhà”: Nhà nước – nhà trường – doanh nghiệp trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp cần được củng cố, tăng cường; cùng với đó có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công cho người lao động dựa trên kỹ năng, năng lực hành nghề…
Với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả từ Nhà nước – nhà trường – doanh nghiệp và người lao động, thời gian tới chắc chắn tỷ lệ lao động có kỹ năng nghề ở nước ta sẽ tăng, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia tiếp tục được cải thiện./.
Nguồn: Báo lao động thủ đô