Năng suất lao động khu vực doanh nghiệp của Việt Nam theo xu hướng tăng

Tăng NSLĐ trong doanh nghiệp không chỉ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường mà còn nâng cao NSLĐ của toàn nền kinh tế, đặc biệt trong xu hướng toàn cầu hóa cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi quá trình sản xuất và thương mại trên toàn thế giới.

Theo Tổng cục Thống kê, NSLĐ bình quân toàn bộ khu vực doanh nghiệp năm 2020 theo giá hiện hành ước tính đạt 309,9 triệu đồng/lao động, tăng 93,1% so với năm 2011, trong đó: doanh nghiệp Nhà nước đạt 735,6 triệu đồng/lao động, tăng 105,7%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước đạt 221,8 triệu đồng/lao động, tăng 129,3%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 374,8 triệu đồng/lao động, tăng 85,6%.

Mức chênh lệch NSLĐ giữa các loại hình doanh nghiệp ngày càng nới rộng, nguyên nhân chủ yếu là: (1) Các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian vừa qua đẩy mạnh sắp xếp cổ phần hóa và chiếm ưu thế trong việc phân bổ nguồn lực, đặc biệt là nguồn tài nguyên thiên nhiên nên NSLĐ đạt khá cao; (2) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có lợi thế về công nghệ sản xuất và phương pháp quản lý tiên tiến nên tác động tích cực đến NSLĐ; (3) Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước trong thời gian qua cũng đã chú trọng nâng cao NSLĐ, tuy nhiên do có quy mô nhỏ, nguồn lực tài chính mỏng, việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ vào sản xuất còn khó khăn, mặt khác thiếu lao động có kỹ năng nên có mức NSLĐ thấp nhất. Năm 2020, số doanh nghiệp ngoài nhà nước đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh chiếm 96,5% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế, trong khi đó doanh nghiệp nhà nước chiếm 0,3% và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 3,2% nên việc NSLĐ của doanh nghiệp ngoài nhà nước thấp kéo theo NSLĐ toàn khu vực doanh nghiệp tăng thấp so với các nước trong khu vực.

Năng suất lao động trong doanh nghiệp theo xu hướng tăng. Ảnh minh hoạ

Theo ngành kinh tế, NSLĐ bình quân các doanh nghiệp trong khu vực dịch vụ năm 2020 đạt mức cao nhất với 327,2 triệu đồng/lao động, giảm 3,1 triệu đồng/lao động so với năm 2019 do một số ngành bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 đặc biệt là các ngành có liên quan đến hoạt động du lịch như: dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 35 triệu đồng/lao động, giảm 94,3 triệu đồng/lao động; vận tải kho bãi đạt 236,5 triệu đồng, giảm 30,4 triệu đồng/lao động; nghệ thuật vui chơi và giải trí đạt 381,9 triệu đồng/lao động, giảm 413,1 triệu đồng/ lao động.

Trong khi các doanh nghiệp ngành dịch vụ gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì doanh nghiệp ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản lại là trụ đỡ của nền kinh tế. NSLĐ của doanh nghiệp nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2020 đạt 163,8 triệu đồng/ lao động, tăng 62,4% so với năm 2019 (tương ứng tăng 62,9 triệu đồng/lao động).

Năm 2020, NSLĐ của doanh nghiệp khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 304,8 triệu đồng/lao động, tăng 13,2% so với năm 2019 (tương ứng tăng 35,6 triệu đồng/lao động), trong đó doanh nghiệp ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí có NSLĐ đạt cao nhất với 1.768,4 triệu đồng/lao động, tăng 27,3%.

So với năm 2011, NSLĐ của doanh nghiệp khu vực công nghiệp và xây dựng năm 2020 tăng cao nhất 114,9% (tăng 163 triệu đồng/lao động); doanh nghiệp khu vực dịch vụ tăng 64,9% (tăng 128,8 triệu đồng/lao động) và doanh nghiệp khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 8,1% (tăng 12,2 triệu đồng/lao động).

Giai đoạn 2011-2020, NSLĐ trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng có xu hướng giảm trong khi đó NSLĐ của ngành chế biến, chế tạo có xu hướng tăng dần đều. Năm 2011, NSLĐ của doanh nghiệp ngành khai khoáng đạt 842,9 triệu đồng/lao độnglao động; năm 2012 là 1.002,9 triệu đồng/lao động; năm 2013 là 997,6 triệu đồng/lao động và năm 2014 là 1.081,3 triệu đồng/lao động thì sang năm 2015 giảm xuống còn 852,0 triệu đồng/lao động; năm 2019 giảm xuống 597,4 triệu đồng/lao động và năm 2020 còn 528,2 triệu đồng/lao động. NSLĐ của doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo năm 2011 đạt 128,4 triệu đồng/lao động, năm 2015 đạt 202,6 triệu đồng/lao động, năm 2019 đạt 266,6 triệu đồng/lao động và năm 2020 đạt 296,7 triệu đồng/lao động.

Điều này hoàn toàn phù hợp với đường lối phát triển công nghiệp mà Đảng và Nhà nước ra đã đặt ra, trong đó lấy ngành công nghiệp chế biến, chế tạo làm động lực tăng trưởng, giảm sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên và khoáng sản. Đây là điều cần thiết vì Việt Nam đang hướng tới phát triển bền vững hơn.

Giai đoạn 2011-2020, mặc dù NSLĐ khu vực doanh nghiệp có xu hướng tăng, tuy nhiên chưa thực sự là động lực quyết định tăng trưởng NSLĐ của toàn nền kinh tế. Bình quân giai đoạn này, NSLĐ khu vực doanh nghiệp tăng 8,7%/năm, trong khi đó thu nhập bình quân một lao động khu vực doanh nghiệp tăng 13,6%/năm. Điều này cho thấy, tăng tiền lương chưa phản ánh tăng NSLĐ; tiền lương tăng nhanh và cao hơn so với tăng NSLĐ chủ yếu do tác động của chính sách điều chỉnh mức lương tối thiểu.

Phong Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích