Năng suất chất lượng giúp doanh nghiệp tăng cạnh tranh trên thị trường

Theo chuyên gia thuộc Viện Năng suất Việt Nam, năng suất luôn là vấn đề nóng không chỉ đối với nền kinh tế mà còn đối với từng doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế đó. Tăng năng suất được coi là một trong những phương thức phát triển bền vững đối với doanh nghiệp. Để tăng năng suất, ngoài yếu tố lao động và vốn, các nghiên cứu đã chỉ ra các nhân tố tổng hợp khác có thể làm tăng năng suất cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp không nhất thiết phải tăng vốn hay tăng lao động mà kết quả đầu ra vẫn có thể khả quan hơn nếu doanh nghiệp biết khai thác, sử dụng tối ưu nguồn lao động và vốn đầu tư bằng việc tăng cường phối hợp sử dụng hiệu quả các yếu tố đầu vào, kết hợp với cải tiến tổ chức sản xuất, đổi mới nâng cao trình độ công nghệ, đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ mới, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực.

Chuyên gia cho rằng, việc cải tiến tổ chức sản xuất, đổi mới nâng cao trình độ công nghệ, đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ mới, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực,… sẽ tạo nên một nhân tố mới đóng vai trò tích cực tạo ra giá trị gia tăng cao hay còn gọi là năng suất các nhân tố tổng hợp.

Năng suất chất lượng giúp doanh nghiệp tăng cạnh tranh trên thị trường.

Bên cạnh đó, năng suất các nhân tố tổng hợp cũng là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp tạo được sự cạnh tranh. Đây có thể hiểu là chỉ tiêu đo lường năng suất gồm lao động và vốn trong một doanh nghiệp cụ thể hay cho cả nền kinh tế. TFP phản ánh sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật và công nghệ, qua đó gia tăng đầu ra không chỉ phụ thuộc vào tăng thêm về số lượng đầu vào (phương thức truyền thống) mà còn tuỳ thuộc vào chất lượng các yếu tố đầu vào là lao động và vốn.

Việc nâng cao TFP là biện pháp gia tăng đầu ra bằng nâng cao chất lượng các yếu tố đầu vào là lao động và vốn. Cùng với lượng đầu vào như nhau, lượng đầu ra có thể lớn hơn nhờ việc cải tiến chất lượng của lao động, vốn và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực này. Vì vậy, tăng TFP gắn liền với áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, đổi mới công nghệ, cải tiến phương thức quản lý, nâng cao kỹ năng, trình độ tay nghề của người lao động…

Để đo lường yếu tố đầu ra của doanh nghiệp, kinh nghiệm thế giới cho thấy, không chỉ sử dụng chỉ tiêu tổng sản lượng mà sử dụng giá trị gia tăng mà doanh nghiệp tạo ra để đo lường năng suất và gắn kết với tạo động lực làm việc của người lao động để bài toán tăng năng suất không chỉ là bài toán của nhà quản trị mà của mọi thành viên trong doanh nghiệp.

Phương Nam

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích