Nắng nóng làm gia tăng bạo lực gia đình
Nắng nóng làm gia tăng bạo lực gia đình
Một nghiên cứu mới đây cho thấy có sự liên quan giữa tỉ lệ tăng nhiệt độ và tỉ lệ gia tăng bạo lực với bạn tình.
Ngày 2/7, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA Psychiatry của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, đã xem xét “mối liên hệ giữa nhiệt độ môi trường xung quanh” với “tỷ lệ bạo lực với bạn tình” ở Ấn Độ, Nepal và Pakistan.
Các nhà nghiên cứu đã theo dõi hơn 194.800 cô gái và phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 49 để nghiên cứu mức độ phổ biến của bạo lực do bạn tình gây ra, bao gồm lạm dụng thể chất, tình dục và cảm xúc.
Nhìn chung, nghiên cứu cho thấy nhiệt độ trung bình hàng năm tăng 1 độ C có liên quan đến tỷ lệ bạo lực với bạn tình tăng 4,5%.
Mặc dù nghiên cứu cho thấy bạo lực gia tăng liên quan đến nắng nóng ở tất cả các nhóm thu nhập, nhưng mức gia tăng lớn nhất là ở các hộ gia đình có thu nhập thấp và nông thôn.
Trong số ba quốc gia được khảo sát, sự gia tăng bạo lực và lạm dụng liên quan đến sự gia tăng nhiệt độ cao nhất ở Ấn Độ. Nghiên cứu cho thấy nhiệt độ tăng 1 độ C ở Ấn Độ có liên quan đến bạo lực thể xác tăng 8% và bạo lực tình dục đối với phụ nữ tăng 7,3%.
Ở Ấn Độ, những đợt nắng nóng chưa từng có đang trở thành chuyện thường niên. Vào tháng 5, nắng nóng gay gắt đã quét qua nhiều vùng rộng lớn của đất nước này, với nhiệt độ lên tới 45 độ C (113 độ F).
Abinash Mohanty, người đứng đầu Bộ phận biến đổi khí hậu và tính bền vững của IPE-Global, cho biết: “Các hiện tượng khí hậu cực đoan đang ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn, tàn phá cuộc sống và sinh kế của con người, tác động không cân xứng đến các cộng đồng nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất, đồng thời góp phần gây ra bạo lực trên cơ sở giới đối với trẻ em gái và phụ nữ”.
Mohanty cho rằng các chương trình phúc lợi xã hội trong khu vực ứng phó với biến đổi khí hậu cần xem xét mối liên hệ giữa nắng nóng khắc nghiệt với bạo lực trên cơ sở giới.
Mohanty cho biết: “Mặc dù bằng chứng thực nghiệm và những hạn chế về dữ liệu vẫn còn là những điểm mù trong việc xác định tác động của biến đổi khí hậu và bạo lực trên cơ sở giới, nhưng các quốc gia dễ bị tổn thương như Ấn Độ cần phải đảm bảo các kế hoạch hành động về khí hậu phải hội tụ và giải quyết những thách thức này”.
Nhiệt độ cực cao cũng làm giảm số giờ làm việc của những người làm công ăn lương hàng ngày, làm giảm thu nhập và buộc các thành viên trong gia đình phải dành nhiều thời gian hơn ở nhà. Điều này làm tăng khối lượng công việc nội trợ cho phụ nữ và gây căng thẳng ở những người đàn ông thấy mình không thể chu cấp cho gia đình.
Nghiên cứu của JAMA cũng phát hiện ra rằng căng thẳng kinh tế do sản xuất nông nghiệp và hiệu quả lao động giảm cũng như môi trường sống xấu đi do các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt gây ra cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bạo lực gia đình.
Nam Á được các nhà khoa học khí hậu coi là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu trên thế giới.
“Bất kỳ loại căng thẳng nào cũng có thể gây ra bạo lực gia đình. Ở khu vực Nam Á nơi ít sử dụng điều hòa nhiệt độ nhất, căng thẳng do nắng nóng tạo ra đang dẫn đến bạo lực gia đình nhiều hơn. Tôi tin rằng khủng hoảng khí hậu sẽ dẫn đến nhiều bất hòa trong gia đình và xã hội hơn”, Chandra Bhushan, Giám đốc Diễn đàn Quốc tế về Môi trường, Tính bền vững và Công nghệ, cho biết.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị