Nắng nóng cực đoan ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai như thế nào

Nắng nóng cực đoan ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai như thế nào

MTĐT –  Thứ ba, 06/09/2022 11:05 (GMT+7)

Khi thế giới ngày càng nóng lên, số ca sinh non, chết lưu và sinh thiếu cân cũng tăng đột biến.

Vào những ngày hè nóng nực ở Kilifi, một vùng nông thôn ven biển ở Kenya, nhiệt độ không khí thường lên đến 38 độ C. “Nơi này luôn luôn nóng”, nhà nhân chủng học y tế Adelaide Lusambili tại Đại học Aga Khan ở Nairobi cho biết, “nhưng bây giờ thì cực kỳ nóng”.

Nắng nóng kéo dài đặc biệt nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai. Khi thế giới ngày càng nóng lên, các nhà khoa học đang chứng kiến số ca thai chết lưu (đứa trẻ chết trước khi ra khỏi bụng mẹ sau ít nhất 20 tuần tuổi thai), sinh non (đứa trẻ được sinh ra trước 37 tuần thay vì đủ 40 tuần) hoặc sinh thiếu cân tăng đột biến.

Nhiều nghiên cứu khoa học ủng hộ quan sát đó. Một nghiên cứu mới đây tổng hợp 70 nghiên cứu được thực hiện tại 27 quốc gia – trong đó có Mỹ, Trung Quốc, một số quốc gia châu Âu và châu Phi cận Sahara – cho thấy khi nhiệt độ trung bìnhtăng thêm 1,8 độ F, nguy cơ sinh non và thai chết lưu tăng 5%. “Con số có vẻ nhỏ, nhưng mối đe dọa này ngày càng tăng với phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh trong bối cảnh biến đổi khí hậu gây ra nắng nóng gay gắt và thường xuyên hơn trên toàn cầu”, tác giả chính Matthew Chersich, nhà dịch tễ học tại Đại học Witwatersrand, Nam Phi, cho biết.

tm-img-alt
Một bà bầu cầm ô khi ngồi dưới nắng ở Bắc Kinh, Trung Quốc.

Các nhà khoa học chưa thể xác định chính xác giai đoạn thai kỳ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi nhiệt độ, nhưng có vẻ như tiếp xúc với nhiệt độ cao trong giai đoạn đầu và giai đoạn cuối thai kỳ đều để lại các hậu quả nghiêm trọng.

Kết hợp giữa hồ sơ nhiệt độ và hồ sơ thai kỳ, một số nghiên cứu cho thấy việc phụ nữ mang thai tiếp xúc với nhiệt độ khắc nghiệt trong những ngày hoặc tuần cuối của thai kỳ có thể dẫn đến tăng nguy cơ thai chết lưu hoặc sinh non; và tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp, suy giảm phát triển thần kinh và tử vong trong thời thơ ấu ở trẻ.

Nghiên cứu khác thì chỉ ra rằng khi người mẹ chịu đựng nhiệt độ cao trong thời kỳ đầu mang thai, đứa trẻ trong bụng có nguy cơ bị dị tật tim, tủy sống hoặc não.

Trong một nghiên cứu mới đây, nhóm nghiên cứu của nhà dịch tễ học Lyndsey Darrow ở Đại học Nevada, Reno, đã sử dụng hồ sơ tử vong của thai nhi từ 1991 đến 2017 ở sáu bang của Mỹ – California, Florida, Georgia, Kansas, New Jersey và Oregon – và nhận thấy nguy cơ thai chết lưu tăng 3% khi phụ nữ mang thai phải trải qua bốn ngày nóng liên tiếp vào tuần trước khi sinh. Ở Bắc Carolina, họ nhận thấy nhiệt độ vào ban đêm liên quan mật thiết đến việc sinh non. Từ năm 2011 đến năm 2015, nguy cơ sinh non tăng 6% mỗi lần nhiệt độ ban đêm lên quá 24 độ C trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 9.

Một nghiên cứu khác, điều tra ảnh hưởng của nắng nóng đối với phụ nữ ở 14 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình – trong đó có Ethiopia, Nigeria, Nepal và Nam Phi – cũng ghi nhận tỷ lệ sinh non và thai chết lưu cao hơn khi phụ nữ mang thai trải qua những đêm có nhiệt độ khắc nghiệt và ẩm ướt hơn trong bảy ngày trước khi sinh.

Cơ chế ảnh hưởng

Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được con đường sinh lý chính xác mà nhiệt độ ảnh hưởng đến thai kỳ, nhưng họ có một vài giả thuyết.

Phụ nữ mang thai có nhiều khả năng bị mất nước, ít đổ mồ hôi, vì thế không có khả năng làm mát cơ thể nhanh như người bình thường, và nhiệt độ cơ thể tăng nhanh khi nhiệt độ xung quanh tăng đột biến. Trong khi đó, nhiệt độ cơ thể của phụ nữ mang thai vốn đã cao hơn một chút so với mức trung bình. Đây có thể là một lý do giải thích tại sao nhiệt độ cao hơn rất nguy hiểm cho phụ nữ mang thai.

Mất nước cũng có thể làm đặc máu, tăng huyết áp của mẹ và giảm lưu lượng máu, do đó giảm lượng oxy và chất dinh dưỡng cung cấp cho thai nhi, dẫn đến trẻ nhẹ cân hoặc bị sinh non.

Căng thẳng nhiệt còn có thể gây ra viêm ở màng rụng – màng chức năng của nội mạc tử cung ở phụ nữ có thai – dẫn đến chuyển dạ sinh non. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy nhiệt độ tăng cao kích thích tạo ra nhiều hormone thai kỳ như oxytocin, gây chuyển dạ sớm.

Còn nhiều yếu tố chưa được nghiên cứu, chẳng hạn như nhiệt độ trung bình theo mùa tăng dần hay những vấn đề bất bình đẳng về sức khỏe và kinh tế – gồm khả năng tiếp cận bóng mát, quạt và điều hòa nhiệt độ. Một số phụ nữ dễ bị ảnh hưởng bởi nắng nóng hơn nhiều so với những người khác.

Các nhà nghiên cứu sức khỏe bà mẹ ở các nước có thu nhập thấp và trung bình nghi ngờ rằng tác động của các đợt nắng nóng đối với phụ nữ mang thai sống ở những nước này sẽ còn lớn hơn nhiều khi phụ nữ mang thai bị hạn chế về dinh dưỡng và vẫn phải tham gia các công việc mất sức – từ đi bộ đường dài để lấy nước đến làm ruộng và hái củi – vào cuối thai kỳ, kể cả trong thời kỳ nắng nóng gay gắt.

Đến nay, phần lớn các nghiên cứu nghiêng về ảnh hưởng của nhiệt đối với phụ nữ mang thai sống ở các nước có thu nhập cao. Các nhà khoa học như Lusambili và Chersich đang cố gắng thay đổi điều đó. Nhóm Lusambili đang tham gia với các nhóm trong cộng đồng Kilifi để nâng cao nhận thức về tác hại của nắng nóng khắc nghiệt với bà mẹ, và kêu gọi giảm khối lượng công việc đối với phụ nữ mang thai. Chersich hy vọng sẽ phát triển một hệ thống cảnh báo phụ nữ mang thai trong những ngày nắng nóng.

Nhưng ngay cả ở Mỹ, các bà mẹ cũng ít được phổ biến về ảnh hưởng của nhiệt độ đến thai kỳ. Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe không được đào tạo để nói chuyện với sản phụ về nguy cơ nhiệt độ. Cần phải làm nhiều hơn để hiểu và phổ biến cho công chúng về các rủi ro, các nhà khoa học lưu ý.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích