Năng lượng tái tạo: Những cản trở từ hạ tầng và chính sách

Năng lượng tái tạo: Những cản trở từ hạ tầng và chính sách

Phải chăng thiếu điện nên là động lực lớn để Việt Nam mạnh mẽ chuyển đổi nguồn cung cấp hướng đến năng lượng xanh vốn được xem là giải pháp bền vững?

Chúng tôi đã trao đổi với ông Mã Khai Hiền – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Tiết kiệm năng lượng (ENERTEAM) – về yếu tố cơ hội theo sau hiện trạng này. Phải chăng thiếu điện nên là động lực lớn để Việt Nam mạnh mẽ chuyển đổi nguồn cung cấp hướng đến năng lượng xanh vốn được xem là giải pháp bền vững?

Ông Hiền nói: Khi bàn về năng lượng đô thị, dạng cơ bản nhất là điện năng. Thời điểm giữa tháng 5.2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay có 11/47 hồ thủy điện có mực nước chết hoặc ở ngưỡng báo động. Khoảng 20 hồ có lượng nước chảy về chỉ bằng 20-30% so với các năm trước, dẫn đến thiếu hụt điện năng từ nguồn thủy điện.

Tại các đô thị, nắng nóng khiến mức phụ tải sử dụng điện trên địa bàn 21 tỉnh, thành phía Nam, trong đó có TP.HCM, tăng cao. Đỉnh điểm phụ tải điện cao nhất từ trước đến nay xảy ra ngày 8.5. Tất cả cho thấy rủi ro trong việc bảo đảm nguồn cung cấp điện năng.

Chìa khóa mở cánh cổng năng lượng đô thị

Theo ông, bên cạnh những giải pháp tình thế, đâu là giải pháp bền vững nhằm bảo đảm cung cấp điện năng cho các đô thị lớn như TP.HCM?

Năng lượng tái tạo: Những cản trở từ hạ tầng và chính sách
Ông Mã Khai Hiền.

Đồng ý rằng những giải pháp cần ưu tiên đối với các đô thị lớn như TP.HCM là ở phía cầu. Vì để có được 1kWh tại đầu cuối sử dụng thì phải cần đến 3kWh phía đầu cấp. Có thể thấy, hoạt động tiết kiệm điện tại hộ sử dụng sẽ mang lợi ích gấp 3 lần phía nhà máy sản xuất điện.

Ngành điện thành phố đang khuyến khích người dân, hộ gia đình, tòa nhà… tích cực, chủ động tham gia các hoạt động tiết kiệm năng lượng như chỉ sử dụng các thiết bị điện khi thật sự cần thiết, tăng cường sử dụng quạt thay vì máy điều hòa…

Hưởng ứng điều này, tôi cho rằng các cơ quan nhà nước cũng nên ưu tiên trang bị các thiết bị điện có dán nhãn năng lượng, hiệu suất cao. Ngoài ra, thực hiện giải pháp tiết kiệm điện chủ động thông qua giải pháp kiến trúc cho các nhà ở hộ gia đình, tòa nhà. Có thể sử dụng vật liệu cách nhiệt tường, mái nhà, khuyến khích các giải pháp thông gió tự nhiên, lấy sáng tự nhiên cho việc chiếu sáng. Nhưng tựu trung, đây là các giải pháp ngắn hạn.

Về lâu dài, theo tôi phải sớm huy động nguồn cung cấp điện từ các dự án điện năng lượng mặt trời phân tán tại mái nhà hộ gia đình, tòa nhà, nhà xưởng và ưu tiên sử dụng tại chỗ. Áp dụng các giải pháp công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh và ở quy mô lớn hơn là đô thị thông minh sử dụng hiệu quả năng lượng nhằm quản lý, cung ứng nhu cầu điện tốt hơn.

Tuy nhiên, sẽ chưa đủ nếu bỏ qua phía nguồn cung. Bộ Công Thương, EVN cần có kế hoạch đảm bảo công tác cung ứng điện an toàn, quản lý phụ tải tốt và ổn định. Về lâu dài, cần nâng cấp truyền tải, trạm phân phối để huy động tối đa các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió từ các tỉnh ven biển miền Trung để bổ sung vào sự thiếu hụt này của thủy điện.

Ông có thể giải thích thêm vì sao các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập để hòa lưới điện?

Hiện tại nguồn điện cung cấp cho TP.HCM đến từ nguồn điện các nơi hòa vào lưới điện quốc gia, trong đó có thủy điện và cả nhiệt điện than, điện mặt trời, điện gió… Thế nhưng, do hạ tầng truyền tải vẫn chưa đồng bộ nên không đủ tiếp ứng, truyền tải hết công suất phát từ các nguồn tái tạo có khi lên đến hàng chục nghìn MWh điện này. Tức là công suất phát điện mặt trời, điện gió hiện nay lớn nhưng phần hạ tầng tiếp nhận lại không đủ tải. Do vậy đang có tình trạng không huy động được hết công suất phát điện từ các nguồn năng lượng tái tạo.

Đây là vấn đề tầm nhìn. Hệ thống truyền tải hiện hữu được thiết lập trước đây chưa dự báo hết phần công suất phát từ các nguồn đóng góp của năng lượng tái tạo.

Ý ông là nên đầu tư xây dựng thêm hạ tầng truyền tải?

Vâng, tôi nghĩ nên nâng cấp hoặc xây dựng thêm hệ thống truyền tải năng lượng tái tạo hoạt động song song với lưới điện quốc gia hiện nay.

Ở một góc nhìn khác, đây có phải là cơ hội tốt để chúng ta mạnh mẽ chuyển đổi nguồn cung cấp hướng đến năng lượng xanh vốn được xem là giải pháp bền vững cho năng lượng đô thị?

Đã đến lúc áp dụng mạnh mẽ các giải pháp chuyển dịch năng lượng, chuyển đổi nguồn cung cấp hướng đến năng lượng xanh. Đây phải là một trong các giải pháp trọng tâm và bền vững cho năng lượng đô thị. Như đã nói, ưu tiên thúc đẩy áp dụng năng lượng xanh như pin mặt trời tại hộ gia đình, tòa nhà thương mại, công sở… là chìa khóa thành công để mở cánh cổng năng lượng đô thị.

Hiện dự án an ninh năng lượng đô thị Việt Nam do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ với kinh phí 14 triệu USD đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, đặc biệt ở TP.HCM, thực hiện trong 4 năm 2019-2023 nhằm cải thiện khung hỗ trợ, huy động vốn đầu tư và thúc đẩy áp dụng các giải pháp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng phân tán, công nghệ tiên tiến. Đây đúng là cơ hội tốt để chúng ta mạnh dạn chuyển đổi năng lượng xanh, một giải pháp bền vững cho năng lượng đô thị.

Năng lượng tái tạo: Những cản trở từ hạ tầng và chính sách
Công suất phát điện mặt trời, điện gió hiện nay lớn nhưng phần hạ tầng tiếp nhận lại không đủ tải. Ảnh: CTV

Thực tế, các chính sách chuyển đổi năng lượng xanh đã ban hành nhưng chưa được làm đến nơi đến chốn. Theo ông, cần phải có hành động cụ thể nào từ Chính phủ để các vấn đề này mang tính khả thi cao, bảo đảm việc thực thi, giám sát hiệu quả?

Ngày 15.5, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII). Đây là điều đã được trông đợi từ lâu với kỳ vọng không những giúp mở ra nút thắt liên quan đến chính sách chuyển đổi năng lượng xanh mà còn đưa ra bước đi cụ thể cho quy hoạch điện Việt Nam từ an ninh năng lượng, đến các nguồn cung cấp điện mang tính ổn định, bền vững, xanh và sạch hơn.

Đồng thời, với quyết định này, Chính phủ cũng hy vọng huy động được nguồn lực kỹ thuật, công nghệ và vốn đầu tư để bảo đảm việc thực thi, giám sát hiệu quả năng lượng quốc gia, trong đó bao gồm chuyển đổi năng lượng đô thị. Có thể thấy yêu cầu nổi bật mà Quyết định số 500/QĐ-TTg đặt ra là đến 2030 phải có ít nhất 50% mái nhà công sở và hộ gia đình lắp đặt được hệ thống năng lượng điện mặt trời.

Chính sách chưa khuyến khích chuyển đổi năng lượng xanh

Theo quan sát của chúng tôi, đa số nhận thức của người dân lẫn cơ quan ban ngành về đầu tư, chuyển đổi sử dụng điện mặt trời áp mái còn rất hạn chế…

Người dân thường nghĩ đến điện mặt trời áp mái như là giải pháp dự phòng khi cúp điện. Cần hiểu muốn đầu tư hệ thống này hiệu quả, bền vững thì phải vận hành song song cùng với hệ thống hiện hành, tức là phải kết nối vào lưới điện quốc gia. Một số mô hình vận hành độc lập, không cần lưới điện đã bộc lộ tính không chủ động và chi phí cao do phải đầu tư thêm hệ thống lưu trữ điện, chi phí vận hành sau thời gian sử dụng cũng cao do phải thay thế nhiều phụ kiện. Cần tuyên truyền cho người dân hiểu.

Về hỗ trợ kỹ thuật cho năng lượng xanh, hiện nay USAID đã đưa ra hướng dẫn để chủ đầu tư là hộ gia đình hay doanh nghiệp và các nhà cung cấp dịch vụ tham khảo để làm sao phát triển các dự án điện mặt trời áp mái đúng kỹ thuật và quy định của Nhà nước.

Nếu có mái nhà đúc kiên cố, chi phí để một hộ gia đình chuyển sang điện mặt trời trong 2-3 năm gần đây đã rẻ hơn 20-30% so với cách đây 10 năm. Ví dụ, tùy theo công nghệ, nơi sản xuất tấm pin mặt trời giá dao động 12-17 triệu đồng/kWp. Một kWp cần tương đương diện tích mái 5-6m2 để lắp 2-3 tấm pin (2m2/tấm).

Năng lượng tái tạo: Những cản trở từ hạ tầng và chính sách
TP.HCM đang đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù được phát triển nguồn phát điện tại chỗ. Trong đó, tập trung phát triển điện mặt trời mái nhà để cung cấp cho lượng phụ tải rất lớn tại thành phố. Ảnh: CTV

Xét về điều kiện địa lý, TP.HCM là khu vực ở phía Nam có cường độ ánh sáng mặt trời tương đối khá tốt so với các nơi khác. Theo mô phỏng mà tôi đã làm, bình quân một kWp ở TP.HCM có thể sản xuất được khoảng 1.450kWh điện/năm. Đối với gia đình 4 người, một tháng sử dụng 100-200kWh điện. Như vậy, một năm cần tầm 2.400kWh điện/năm, thì chỉ cần lắp 2 kWp là đủ dùng.

Nhắc lại, để hiệu quả, phải sử dụng điện mặt trời đồng thời với lưới điện quốc gia. Hệ thống như thế sẽ vận hành như sau: điện từ pin mặt trời là điện PC một chiều, qua bộ chuyển đổi để thành điện AC xoay chiều là dòng điện đồng bộ với lưới điện hiện hành để hòa cùng nhau. Hệ thống sẽ tự động ưu tiên để các thiết bị điện trong nhà chạy từ nguồn điện mặt trời, sau đó mới đến nguồn lưới điện. Nghĩa là chắc chắn khi có điện mặt trời đang phát thì sẽ giảm nhu cầu sử dụng trên lưới quốc gia.

Liên quan việc “bán điện”, hộ dân có thể đầu tư hệ thống điện mặt trời có công suất phát lớn hơn so với nhu cầu, khi ấy lượng điện dư sẽ lưu trữ và có thể đẩy ngược lên lưới. Từ 31.12.2020, EVN có quyết định tạm ngưng mua điện từ điện mặt trời áp mái cũng vì lý do tôi đã nói, hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, không đủ đáp ứng đấu nối. Thứ hai là giá mua điện cần phải điều chỉnh để phù hợp với chính sách chung. Ngày 7.1 vừa qua, Bộ Công Thương đã có Quyết định số 21/QĐ-BCT ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Giá mua mới thấp hơn so với trước đây. Nhưng dù sao có giá mới cũng giúp khai thông cho các hệ thống điện mặt trời có thể hòa lưới lại.

Việc EVN tạm ngưng mua điện năng lượng mặt trời áp mái, rồi bây giờ đơn giá mới mà Bộ Công Thương ban hành lại thấp hơn giá mua trước đây…, có phải là một bước lùi trong việc khuyến khích người dân và toàn xã hội chuyển đổi sang năng lượng xanh, nhất là tại các đô thị lớn?

Tôi xin phép không trả lời câu hỏi này. Tuy nhiên, ở TP.HCM, những nhà phố độc lập có điều kiện về mặt kỹ thuật thì dễ dàng triển khai. Nhưng căn hộ chung cư thì dù có biết chính sách cũng không thực hiện được vì lý do khách quan hạ tầng. Vấn đề vướng mắc chính hiện nay trong đầu tư, lắp đặt điện mặt trời áp mái ở phía người dân còn là quy định thủ tục không thuận lợi, nhiêu khê.

Thông tin về các bên cung cấp, đấu nối lưới như thế nào cũng như các quy định kỹ thuật là rào cản lớn. Chưa kể, người dân muốn làm thì thường phải triển khai với các nhà cung cấp có “khả năng” bao tiêu luôn các thủ tục, quy trình hòa lưới… Có một số khía cạnh khác nữa, như bên phía “bán điện” cũng không mặn mòi lắm với chính sách này khi mà có thêm nguồn cung nữa. Nhưng mệnh lệnh chính trị và chiến lược phát triển quốc gia thì phải làm.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu COP26, Việt Nam cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Ông có thể cho biết thêm những vấn đề liên quan thay đổi nhận thức xã hội, quản lý nhà nước để có thể đạt các cam kết này?

Phát thải khí nhà kính của chúng ta chủ yếu đến từ nguồn thải sản xuất năng lượng (hơn 83%), sản xuất công nghiệp, giao thông và dân dụng (nhà ở, tòa nhà). Do đó, để đạt mục tiêu phát thải ròng về 0 (Net Zero) thì chắc chắn phải tập trung áp dụng chuyển dịch năng lượng, công nghệ sạch, hiệu quả năng lượng, lưu trữ carbon (CCUS)… Thúc đẩy phát triển hạ tầng đô thị xanh, đô thị thông minh gắn kết cung cầu với chuyển đổi năng lượng xanh mới có thể góp phần hoàn thành cam kết của Việt Nam.

Ngoài thúc đẩy nhận thức, nâng cao năng lực và hỗ trợ kỹ thuật liên quan đến chuyển đổi năng lượng xanh là bước đi ban đầu, tôi nghĩ việc huy động nguồn kinh phí để chuyển đổi toàn bộ phương tiện sang sử dụng năng lượng xanh là vấn đề nan giải. Chưa hết, để “góp sức” cho việc chuyển đổi năng lượng xanh còn đòi hỏi một lượng lớn nguồn lực lao động có tay nghề, kỹ thuật cao. Cần kêu gọi sự tham gia hỗ trợ của các tổ chức tài chính cấp vốn ưu đãi cho các dự án năng lượng tái tạo. Đứng trước nhiều cơ hội đầu tư tài chính cho phát triển bền vững nhưng vì đây là lĩnh vực đầu tư mới, nên hành lang pháp lý liên quan cũng cần được hoàn thiện nhằm giúp cho việc cấp tín dụng đối với các dự án năng lượng tái tạo giảm khó khăn, vướng mắc.

Xin cảm ơn ông.

Giáo sư Bob Baulch, Đại học RMIT Việt Nam:

Nhiều quốc gia trợ cấp cho dân lắp hệ thống năng lượng mặt trời

Năng lượng tái tạo: Những cản trở từ hạ tầng và chính sách

Việt Nam nên tập trung vào cả phía cung lẫn cầu trong quá trình chuyển đổi năng lượng sắp tới. Cùng với việc bổ sung năng lực sản xuất năng lượng tái tạo thông qua đầu tư vào năng lượng gió và mặt trời, có thể thực hiện nhiều phương án để giảm nhu cầu điện đô thị. Ví dụ, thúc đẩy các hệ thống điều hòa không khí tiết kiệm năng lượng, phủ xanh các khu vực đô thị và áp dụng hệ thống quản lý năng lượng thông minh.

Singapore và Brisbane (Úc) là những ví dụ hàng đầu từ các quốc gia đã phát triển hệ thống điều hòa không khí và nước nóng kết hợp, không đòi hỏi chất làm lạnh hóa học hoặc tiêu thụ nhiều điện. Một tính toán sơ bộ cho thấy việc áp dụng hệ thống điều hòa không khí/nước nóng tiết kiệm năng lượng có thể làm giảm nhu cầu sử dụng điện của TP.HCM ít nhất 10%. Singapore cũng đã thí điểm các công nghệ lưới điện thông minh.

Xe điện, đặc biệt là xe máy, có tiềm năng lớn ở các khu vực đô thị nơi khoảng cách di chuyển ngắn và mức độ ô nhiễm không khí cao. Mặc dù xe điện sẽ không làm giảm nhu cầu về điện, nhưng việc đưa vào sử dụng các trạm sạc năng lượng mặt trời tại nơi làm việc như đã được vận hành ở miền Nam nước Mỹ và Úc có thể giúp ích rất nhiều cho việc “xanh hóa” năng lượng hỗn hợp và cải thiện chất lượng không khí ở các thành phố lớn ở miền Trung và miền Nam Việt Nam.

Về phía cung, mặc dù tỷ trọng than và khí đốt trong nguồn cung năng lượng của Việt Nam sẽ giảm cho đến cuối những năm 2030 nhưng vẫn đóng vai trò đáng kể. Do đó, các biện pháp giảm tác động đến môi trường và sức khỏe như sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch là ưu tiên cấp bách trong ngắn hạn và trung hạn. Trong khi một số công nghệ được nhắc đến nhiều nhất như thu hồi và lưu trữ carbon rất tốn kém và hiếm khi được sử dụng thì các công nghệ khác như máy lọc màng để loại bỏ lưu huỳnh dioxit lại tương đối rẻ và phổ biến.

Cuối cùng, năng lượng sóng biển là một cơ hội đang bị lãng quên ở hầu hết các quốc gia, mặc dù hiện nay đã có một số dự án bán thương mại đầy hứa hẹn ở Israel và Bồ Đào Nha. Việt Nam may mắn có đường bờ biển dài gần nhiều thành phố lớn. Công nghệ sóng biển sinh thái là một công nghệ sạch, phi tập trung và mô-đun có thể được lắp đặt tại các đê chắn sóng, cầu tàu và cầu cảng ở các thành phố ven biển của Việt Nam trong tương lai, mặc dù chi phí đầu tư vẫn còn cao.

Đáng tiếc là EVN đã không mặn mòi việc mua điện mặt trời dân dụng. Giá của các tấm pin mặt trời giảm mạnh có nghĩa là chi phí bình quân của năng lượng mặt trời trên mái nhà hiện là một trong những công nghệ phát điện rẻ nhất. Hơn nữa, giá pin lithium-ion giảm và tiềm năng của các công nghệ lưu trữ khác đang là nhược điểm lớn nhất của sản xuất năng lượng mặt trời, vốn chỉ được tạo ra vào ban ngày khi mặt trời chiếu sáng, có thể được khắc phục với chi phí thấp hơn.

Nhiều quốc gia, chẳng hạn như Đức và Mỹ, cung cấp các khoản trợ cấp cho việc lắp đặt các hệ thống nhà năng lượng mặt trời. Kinh nghiệm của các quốc gia này và từ các khoản trợ cấp trước đây của TP.HCM cho hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời, cho thấy các hộ khá giả có thể tiếp thu công nghệ năng lượng mặt trời cao nếu có các biện pháp khuyến khích phù hợp. Với biểu giá điện năng lượng mặt trời cho hộ gia đình hoặc đo sáng mạng lưới, thời gian hoàn vốn cho các hộ gia đình lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời tại nhà sẽ giảm xuống còn 11 hoặc 12 năm.

TS. Trần Quang Thắng Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM:

Nhiều thách thức, rủi ro trong phát triển năng lượng xanh đô thị

Năng lượng tái tạo: Những cản trở từ hạ tầng và chính sách

Năng lượng xanh được hiểu là nguồn năng lượng được sản xuất từ các nguồn tự nhiên có thể tái tạo, liên tục và ít gây ảnh hưởng đến môi trường. Một số loại năng lượng xanh hiện nay như năng lượng mặt trời, gió, năng lượng sóng, địa nhiệt, năng lượng sinh khối… Thủy điện cũng được xem là năng lượng xanh.

Phát triển năng lượng xanh cho các đô thị hiện đại có một ý nghĩa quan trọng và thiết thực nhưng hiện cũng đối mặt với một số thách thức và rủi ro.

Thách thức về vốn đầu tư: Năng lượng xanh là một lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư lớn, dài hạn và có rủi ro cao. Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD để chuyển đổi năng lượng và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, trong đó ngành năng lượng chiếm khoảng 64 tỷ USD. Để đáp ứng nhu cầu tài chính, cần có sự kết hợp của nhiều nguồn lực, bao gồm tái phân bổ nguồn tiết kiệm nội địa, tăng dự trữ quốc gia và nguồn hỗ trợ tài chính từ bên ngoài.

Thách thức về cơ chế và chính sách: Năng lượng xanh cần có một khung pháp lý và cơ chế giá điện phù hợp để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia. Hiện nay Việt Nam vẫn chưa có một cơ chế giá điện ổn định và minh bạch cho các dự án năng lượng tái tạo.

Thách thức về hạ tầng và kỹ thuật: Năng lượng xanh cần có một hệ thống hạ tầng truyền tải và phân phối điện hiệu quả, an toàn. Hiện nay Việt Nam vẫn gặp phải tình trạng quá tải đường dây truyền tải ở một số khu vực có tiềm năng năng lượng tái tạo cao như Ninh Thuận, Bình Thuận. Điều này khiến cho nhiều nhà máy điện không thể phát hết công suất vào lưới. Ngoài ra, năng lượng xanh còn gặp phải những rủi ro kỹ thuật do tính biến động của nguồn năng lượng thiên nhiên.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích