Năng lượng nguyên tử Việt Nam: Nghịch lý của tiềm năng
Năng lượng nguyên tử Việt Nam: Nghịch lý của tiềm năng
Tại sao một lĩnh vực KH&CN có nhiều tiềm năng đóng góp cho đời sống xã hội như năng lượng nguyên tử vẫn phải chật vật để tồn tại và mở rộng hơn nữa ứng dụng của kỹ thuật hạt nhân ở nhiều lĩnh vực khác nhau?
Câu hỏi này cứ day dứt tồn tại trong tâm trí mỗi người mỗi khi nhắc đến lĩnh vực năng lượng nguyên tử ở Việt Nam. Đây là nghịch lý vẫn hiện diện trong vòng gần vài chục năm nay nhưng chưa có lời giải nào thỏa đáng, bất chấp một sự thật hiển nhiên là theo giáo sư Trần Đức Thiệp (Viện Vật lý, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), một chuyên gia về thực nghiệm vật lý hạt nhân, chia sẻ tại hội nghị triển khai công tác năm 2024 của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM) “ở nhiều quốc gia phát triển, năng lượng nguyên tử đã trở thành một nhân tố quan trọng của cả nền kinh tế và vị thế đất nước”.
Không chỉ dừng lại ở việc tạo ra nguồn điện bền vững từ các lò phản ứng năng lượng, trên thực tế, vai trò của năng lượng nguyên tử còn lớn hơn gấp nhiều lần. “Tôi có thể tự tin nói rằng, có lẽ có ít ngành nghề nào mà kết quả nghiên cứu của nó có ứng dụng sâu rộng như vậy, bởi ngành năng lượng nguyên tử có thể ứng dụng các kết quả nghiên cứu của nó vào hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như nông nghiệp, công nghiệp, y tế và môi trường, và thậm chí đang đi theo xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, PGS.TS Phan Việt Cương (Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, VINATOM), trao đổi tại cuộc họp.
Những kỹ thuật đa zi năng
Các hội nghị tổng kết hoạt động hằng năm của VINATOM là cơ hội gặp gỡ của những người làm hạt nhân với một không khí thật đặc biệt: không phải là nơi để trao đổi về chuyên môn sâu như những hội nghị chuyên ngành cũng không phải là những hội thảo mang tính chất “hội hè đình đám”. Đó là nơi để họ chia sẻ với nhau những bài học kinh nghiệm có thể gợi mở phương pháp làm việc tốt hơn, và qua đó, mở ra những con đường mới đưa kỹ thuật hạt nhân vào áp dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.
Trong bối cảnh hiện nay, không dễ để làm được điều đó. Nhưng có lẽ, một trong những phẩm chất của người làm hạt nhân là sự kiên trì và nhẫn nại, không dễ bỏ cuộc. Đó là lý do vì sao giữa muôn vàn khó khăn, họ vẫn đi theo con đường của mình. “Từ những năm 1990, chúng ta đã sử dụng phân tích kích hoạt neutron để phân tích thorium, uranium và sau này, chúng ta đã phát triển các thiết bị phân tích thorium, uranium cho ngành dầu khí”, ThS. Bùi Quang Trí (Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp, VINATOM) nhớ lại.
Việc ứng dụng các kỹ thuật hạt nhân trong ngành dầu khí là một câu chuyện dài, trong đó soi chiếu cả sự phát triển của cả hai ngành. “Lúc đó thì ngành hạt nhân còn non trẻ, chưa có điều kiện chế tạo thiết bị nên chúng ta tư vấn cho ngành dầu khí sử dụng các máy phát neutron để phân tích lỗ khoan, tư vấn các thiết bị đo độ rỗng, độ thấm ở dưới lỗ khoan. Khi ngành dầu khí từ giai đoạn thăm dò bước sang giai đoạn khai thác dầu, chúng ta đã cung cấp các thông tin quan trọng để họ ra quyết định khai thác hay không khai thác”, anh nói. Ở cả ba quá trình chủ chốt của ngành dầu khí là tìm kiếm, thăm dò; khai thác; xử lý, chế biến, có quá nhiều đất cho các kỹ thuật hạt nhân. “Nếu ban đầu, dầu có thể tự đẩy lên trên nước nên dễ khai thác. Khi áp suất trong mỏ giảm, muốn khai thác được dầu lên thì người ta phải bơm nước vào trong mỏ để đẩy dầu lên. Và xuất hiện vấn đề là chúng ta phải biết là nước đi đâu và tham gia đẩy dầu như thế nào. Lúc đó, kỹ thuật hạt nhân đã được ứng dụng đánh dấu để xác định hướng, tốc độ di chuyển của nước ép để các kỹ sư dầu khí áp dụng các kỹ thuật mỏ, các mô hình và điều chỉnh chế độ khai thác”, ThS. Bùi Quang Trí nói.
Ngay cả trong những lúc khó khăn thì điều mà VINATOM tâm niệm không chỉ là tiền, là thu nhập mà là những đóng góp vào cái chung, vào xã hội. Với một ngành như thế, tại sao lại không thể tồn tại một cách bền vững?
Những vấn đề vẫn tiếp tục mở ra trong quá trình này vì ngành dầu khí vẫn cần tính toán hiệu quả kinh tế giữa việc chuyển đổi công nghệ khai thác, sau khi việc bơm ép nước không còn hiệu quả nữa. “Để đánh giá được lượng dầu còn lại trong mỏ, áp dụng kỹ thuật hạt nhân lại có công ăn việc làm. Hiện nay, CANTI có hai công nghệ xác định lượng dầu còn trong mỏ, một là đánh giá đơn giếng, hai là đánh giá liên giếng”, theo ThS. Bùi Quang Trí. Mới đây, CANTI thực hiện một hợp đồng mà theo anh là không lớn, chỉ vào khoảng 200.000 USD với Việt Xô Petro để khảo sát vùng mà họ đang dự kiến đầu tư 11 triệu USD để tăng cường thu hồi dầu. Sau khi nhận kết quả khảo sát của CANTI, Vietsovpetro đã quyết định dừng dự án này lại vì thấy không hiệu quả.
Dù chưa nói hết những điều mình đã làm, chuyện của CANTI cho thấy, khi được tin tưởng thì đóng góp cho một lĩnh vực, một ngành nghề của kỹ thuật hạt nhân sẽ rất lớn lao. Tuy nhiên, cũng có đóng góp không thể thuần túy định lượng bằng tiền bạc. Năm 2023, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội (HIC) đã có một thành công, một bước ngoặt trong hoạt động sau một thập kỷ chuẩn bị. “Trong vòng 10 năm vừa rồi, TS. Đặng Quang Thiệu đã rất nỗ lực đưa chiếc máy gia tốc do Hàn Quốc tặng vào vận hành, sản xuất dược chất phóng xạ phục vụ chẩn đoán ung thư, sau khi từng bước hoàn thành từng yêu cầu một của các cơ quan chức năng”, TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng VINATOM đánh giá.
Nhờ vậy, giờ đây sự gắn bó của HIC với ngành y không chỉ là “một tháng chiếu xạ khoảng 1.000 mẫu phẩm từ Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện ĐH Y, Bệnh viện 103 và Bệnh viện Bỏng Quốc gia” như chia sẻ của TS. Đặng Quang Thiệu vào tháng 5/2023, mà còn cung cấp được dược chất Vinatom FDG cho các bệnh viện ở Hà Nội chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) với não, tim, tuyến giáp, xương để chẩn đoán sớm ung thư và xạ trị điều trị khối u bên trong cơ thể. Đây là mơ ước từ lâu của các bệnh viện nhưng thật khó có nó. Tại sao vậy? Dược chất phóng xạ này có chu kỳ bán rã ngắn (110 phút) nên sau 110 phút, hoạt độ phóng xạ của nó giảm một nửa, việc vận chuyển đường xa vô cùng khó khăn còn nhập khẩu là điều không thể.
Thêm một lý do nữa để các nhà nghiên cứu của HIC phải nỗ lực đến cùng với dược chất này: do thời gian bán rã ngắn, Vinatom FDG không tồn tại trong cơ thể quá lâu. Nhờ vậy, sau khi chiếu chụp, bệnh nhân không phải mất nhiều thời gian lưu lại bệnh viện, qua đó góp phần giảm tải bệnh viện và giảm cả chi phí điều trị, chẩn đoán. “Cho đến thời điểm này, Trung tâm đã sản xuất và cung cấp khoảng hơn 52.000 milicurie cho bốn bệnh viện chính của Hà Nội là Bệnh viện 198, Bệnh viện K, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện 103, giúp chẩn đoán sớm ung thư cho hơn 5.000 bệnh nhân. Tôi nghĩ đây là niềm vui của những người làm khoa học sau bao năm trăn trở làm nghiên cứu cũng như kiên nhẫn xin giấy phép GMP WHO”, PGS.TS Phan Việt Cương chia sẻ.
Nếu VINAGAMMA ở phía Nam chủ yếu chiếu xạ các sản phẩm chế biến xuất khẩu thì ở phía Bắc, HIC chủ yếu là chiếu xạ đông dược hoặc xuất khẩu vải, xoài sang thị trường Úc và New Zealand. “Có thể nói với sự hỗ trợ của các công nghệ chiếu xạ, chúng ta đang góp phần vào việc làm cho các sản phẩm Việt Nam trở nên an toàn hơn”, PGS.TS Phan Việt Cương nói. Dĩ nhiên công việc như vậy có thể đem lại nguồn thu nhưng “thực ra mà nói, chúng ta đóng góp cho xã hội nhiều hơn. Ví dụ, khi chiếu xạ 1 kg thủy hải sản đông lạnh, chúng ta chỉ lấy 2.000 đồng thôi nhưng đã giúp một cân thủy hải sản được chấp nhận ở thị trường quốc tế với giá trị tầm 10 USD. Doanh thu của dịch vụ chiếu xạ là thang đánh giá sức khỏe của nền kinh tế”, anh nhận xét.
Trước ngưỡng chuyển đổi
Bất chấp một sự thật là những khả năng của kỹ thuật hạt nhân đã được chứng thực theo thời gian nhưng các lĩnh vực ở Việt Nam mới khai thác được một vài khía cạnh đơn lẻ của nó. Đó là những trăn trở của ngành hạt nhân, bởi lẽ trong không gian của một xã hội hiện đại, có quá nhiều cơ hội để ngành hạt nhân có thể đóng góp. Qua hoạt động của các phòng thí nghiệm hạt nhân hàng đầu thế giới, người ta thấy tiềm năng của kỹ thuật hạt nhân có thể mở rộng một cách hào phóng: áp dụng các kỹ thuật đánh giá không phá hủy trong đánh giá sai hỏng khuyết tật, kiểm tra độ bền của các vật thể ở những quy mô khác nhau, từ vật liệu, linh kiện điện tử đến các công trình lớn như máy bay, cầu đường, đập thủy điện, nhà máy sản xuất…; nghiên cứu và đánh giá môi trường, đánh giá tài nguyên nước, địa chất thủy văn, xác thực chất lượng, truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ xử lý sâu bệnh, chọn lọc tạo giống cây trồng; sản xuất các dược chất phóng xạ hỗ trợ chẩn đoán, điều trị ung thư…
Nghịch lý lớn nhất hiện nay mà những người làm ở VINATOM nhận thấy là dù có quá nhiều cơ hội họ có thể đóng góp cho xã hội nhưng lại phải tồn tại ở thế vô cùng bấp bênh. Trong bối cảnh hạn hẹp về nguồn lực đầu tư ngân sách, các đơn vị của VINATOM đều phải tuân thủ cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 54 và sau là Nghị định 60, những văn bản quy định cơ chế tự chủ ở các tổ chức KH&CN công lập thuần túy tập trung vào yếu tố tài chính. Với các mức độ tự chủ khác nhau, hầu hết các đơn vị của VINATOM phải chật vật để tìm nguồn thu trong khi khó có thể nâng giá sản phẩm, dịch vụ của mình lên. Mặt khác, việc đáp ứng các chỉ tiêu về tinh giản biên chế trong khi các chế độ đãi ngộ kém hấp dẫn và áp lực công việc cao khiến cho VINATOM không còn là điểm hấp dẫn để thu hút nhân lực chất lượng cao. “Có rất nhiều điều cản trở VINATOM tuyển được người tốt, ví dụ như quy định của Việt Nam là các nghiên cứu sinh phải nộp học phí trong khi ở nước ngoài, họ được hưởng học bổng đủ sức nuôi mình và thậm chí là gia đình. Trong các phòng thí nghiệm nước ngoài, các nghiên cứu sinh là nguồn nhân lực khoa học vô cùng quan trọng (ví dụ, đóng góp hàng đầu trong công bố quốc tế), nhưng ở Việt Nam nguồn nhân lực ấy lại phải lo kiếm tiền nộp học phí, không thể dành toàn tâm toàn ý cho nghiên cứu”, TS. Trần Chí Thành nói.
Hệ quả nhãn tiền mà những người ở VINATOM cảm thấy đau khổ là khi các lớp cán bộ giỏi đã lớn tuổi hoặc đến tuổi nghỉ hưu nhưng thật khó khăn để tuyển chọn và đào tạo được lớp kế cận. “Thế hệ tôi thời đó rất mừng là được nối nghiệp các bậc đàn anh như GS. Cao Chi, GS. Phạm Duy Hiển. Nhưng bây giờ không phải dễ để nói với các bạn trẻ về niềm đam mê khổ hạnh làm khoa học bởi dù đời sống xã hội đã khá lên nhưng đời sống của cán bộ trong ngành vẫn còn khó khăn”, GS. Đào Tiến Khoa từng chia sẻ suy nghĩ gan ruột của mình. Từ vài năm nay, trong báo cáo tổng kết năm, VINATOM đều ghi rõ “Mức lương hiện còn thấp theo mức chung nên cho dù VINATOM đã cố gắng tạo mọi điều kiện đến mức tối đa cho các cán bộ nghiên cứu nhưng đã bắt đầu có hiện tượng các cán bộ trẻ chuyển công tác tới các đơn vị bên ngoài có mức lương cao hơn”.
Và nghịch lý là bất chấp việc phải dành mọi sức lực để tồn tại giữa vô vàn bất lợi ấy, VINATOM vẫn phải duy trì tốt công việc nghiên cứu triển khai, đáp ứng các nhiệm vụ chính trị được giao ngày càng tăng mà những dự án đầu tư trang thiết bị cần thiết cho nghiên cứu vẫn còn bị hạn chế.
Đó là những bài toán trong bài toán mà VINATOM không thể tự mình nỗ lực giải quyết.
Trong lúc “gõ cửa” các nhà quản lý về những chính sách và cơ chế đặc biệt dành cho ngành hạt nhân, VINATOM vẫn không ngừng tìm mọi cách để có thể tự cứu mình. “Chúng tôi đã có những hợp đồng nguyên tắc với cả hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn. Khi họ gặp trục trặc kỹ thuật thì trong vòng 24 tiếng đồng hồ chúng tôi sẽ có mặt để giúp họ tìm ra nguyên nhân để khắc phục. Năm 2016, 12 giờ đêm, giám đốc Dung Quất gọi điện cho CANTI về một tình huống gay cấn. Năm giờ sáng hôm sau, CANTI đã có mặt ở Dung Quất, làm việc một ngày và cung cấp số liệu cho các kỹ sư Dung Quất”, ThS. Bùi Quang Trí kể. “Làm ứng dụng phục vụ sản xuất, tất nhiên tiền cũng quan trọng vì nó giúp chúng tôi tự chủ được 50% nhưng kết quả nghiên cứu của mình phục vụ được cho sản xuất của họ cũng là một niềm vui của những người làm nghiên cứu”.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị