Năng lực hấp thụ, ứng dụng công nghệ của doanh nghiệp hạn chế là điểm ‘nghẽn’ tăng năng suất chất lượng
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp cũng gặp phải rất nhiều khó khăn như: thiếu nguyên liệu sản xuất, thị trường tiêu thụ hạn chế, thiếu hụt lao động, doanh thu sụt giảm, nguồn tiền chi trả các chi phí vận hành doanh nghiệp hạn hẹp. Vậy nên, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế ngoài nhà nước còn hạn chế trong khi khu vực kinh tế tư nhân phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ gặp khó khăn về tiếp cận và ứng dụng công nghệ trong sản xuất; tiếp cận tín dụng chính thức; thiếu lao động có kỹ năng.
Dù mong muốn hợp tác và học hỏi, tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài song doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp rất nhiều khó khăn để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Số lượng doanh nghiệp trong nước có thể tham gia chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ đạt khoảng 300 trên tổng số 1.800 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, trong đó chủ yếu cung ứng hàng hóa, dịch vụ có giá trị gia tăng thấp hoặc đơn giản (nguyên liệu thô, bán thành phẩm, bao bì đóng gói…).
Trình độ của doanh nghiệp cơ bản ở mức trung bình và lạc hậu, năng lực cạnh tranh, khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế, mức độ ứng dụng, đổi mới công nghệ tại doanh nghiệp còn ở mức thấp. Phần lớn doanh nghiệp sử dụng máy móc trong sản xuất mức tự động hóa thấp, dựa vào sức lao động là chủ yếu.
Việc tiếp nhận và chuyển giao công nghệ từ khu vực doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp trong nước nhằm nâng cao năng suất lao động thời gian qua còn hạn chế. Doanh nghiệp trong nước chủ yếu mới tham gia ở các khâu, công đoạn tạo giá trị gia tăng thấp như gia công, lắp ráp, không chủ động được nguồn cung cho sản xuất, nhất là các sản phẩm phải nhập khẩu nguyên phụ liệu (dệt, may mặc, da giày, điện tử, hóa chất…), trong khi đây là những ngành thâm dụng lao động.
Doanh nghiệp muốn nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cần đổi mới công nghệ và cải tiến kỹ thuật.
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) và doanh nghiệp Việt Nam chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ để cùng tham gia chuỗi giá trị do một số nguyên nhân quan trọng như: khi đầu tư tại Việt Nam, các doanh nghiệp có vốn ĐTNN hầu như đều đã có sẵn mạng lưới doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đủ sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu; trình độ lao động tương đối thấp và chậm cải thiện đang cản trở các DNNVV liên kết và duy trì quan hệ kinh doanh với doanh nghiệp có vốn ĐTNN; các nhà cung cấp trong nước thiếu kênh chính thức để thu thập thông tin về chiến lược mua hàng của doanh nghiệp có vốn ĐTNN nên không tạo được mối quan hệ kinh doanh; tính chất hợp đồng cung ứng với doanh nghiệp có vốn ĐTNN phổ biến có tính chất ngắn hạn; các chương trình của Chính phủ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới của khu vực tư nhân trong nước, bao gồm từ cải tiến công nghệ, đổi mới sáng tạo đến phát triển thị trường, đào tạo kỹ năng cũng như các gói tài chính độc lập (quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ hỗ trợ doanh nghiệp…) chưa phát huy hiệu quả rõ ràng.
Nền sản xuất công nghiệp dựa vào gia công và thâm dụng lao động đang chiếm phần lớn trong các doanh nghiệp sản xuất nước ta. Nhưng có thực tế là nhiều doanh nghiệp sản xuất vẫn sử dụng công nghệ 1.0 (sản xuất bằng tay), 2.0 (tự động chưa kết nối máy tính) và có khoảng cách rất xa ở mức 4.0.
Thực tế cũng chỉ ra rằng, có nhiều thách thức trong quá trình doanh nghiệp đổi mới nâng cao năng suất chất lượng. Đầu tiên là về máy móc, thiết bị. Phần lớn doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn ngại chuyển đổi số, lý do chính là vấn đề tài chính và sự am hiểu công nghệ. Trong khi đó, những nền tảng chuyển đổi số do các cơ quan chức năng đang triển khai chỉ mới tập trung vào quản trị văn phòng mà chưa tính đến hoạt động sản xuất, dây chuyền công nghệ, qua đó ảnh hưởng đến lợi ích tiềm năng và cân nhắc của doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi số.
Chuyển đổi số là một trong những hoạt động thúc đẩy năng suất chất lượng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng không có nhiều lựa chọn về tài chính. Muốn thúc đẩy nền sản xuất thông minh, nhất định phải có hệ điều hành, nhà máy thông minh để khai thác một cách có hiệu quả nguồn lực của doanh nghiệp nhưng việc đầu tư vào những giải pháp này đòi hỏi chi phí rất lớn, nhiều khi vượt quá năng lực của doanh nghiệp.
Nhiều chuyên gia nhận định, hiện nay, cuộc CMCN 4.0 đang loại bỏ dần ưu thế của kinh nghiệm, phương thức quản trị tự phát và mô hình kinh doanh cũ. Đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, lợi nhuận, giảm chi phí, tăng sự hài lòng và đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Bên cạnh đó, hoạt động này cũng giúp doanh nghiệp đạt được lợi thế cạnh tranh, tạo ra thị trường mới, thu hút nguồn lực tài trợ của các đối tác, sử dụng hiệu quả nguồn lực, giảm lãng phí, nâng cao uy tín doanh nghiệp. Đồng thời là yếu tố không thể thiếu góp phần tạo thêm việc làm.
Hoàng Dương