Nâng khống hơn 10 tỷ đồng so với giá thị trường tại 1 gói thầu ở Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum?
(Xây dựng) – Gói thầu Mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 cho các trường học trên địa bàn tỉnh Kon Tum có dấu hiệu nâng khống giá trị cao hơn thị trường gấp nhiều lần, gây thất thoát nguồn ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng, xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum – đơn vị làm chủ đầu tư.
Khu hành chính tỉnh Kon Tum, nơi Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum đóng trụ sở làm việc. |
Qua công tác theo dõi tình hình chi tiêu, sử dụng nguồn vốn ngân sách trên địa bàn tỉnh Kon Tum, phóng viên Báo điện tử Xây dựng phát hiện một số dấu hiệu vi phạm pháp luật tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum, cụ thể tại Gói thầu Mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 cho các trường học trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Gói thầu có giá dự toán: 25.934.000.000 đồng, giá dự thầu: 25.813.050.000 đồng, giá trúng thầu: 25.813.050.000 đồng. Đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty TNHH MTV Sách thiết bị Trường học Hà Nội và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Công nghệ Sao Mai (Liên danh SAO MAI-TBGD HÀ NỘI).
Ngày 18/6/2021, bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum ký quyết định số 1694/QĐ-SGDĐT về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Liên danh SAO MAI-TBGD HÀ NỘI trúng gói thầu nêu trên với 27 hạng mục mua sắm trị giá trên 25 tỷ đồng. Có một điều đặc biệt khi Liên danh này là đơn vị duy nhất tham gia dự thầu và trúng thầu, không có yếu tố cạnh tranh?!
Dưới đây là 27 danh mục hàng hóa, giá hàng hóa đã được chấm thầu của Gói thầu mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu học sinh lớp 1 cho các trường học trên địa bàn tỉnh Kon Tum:
Dấu hiệu nâng khống giá thiết bị gói thầu, chênh lệch khoảng 10,2 tỷ đồng
Việc nâng giá trang thiết bị trong gói thầu là một câu chuyện đáng bàn, hàng loạt trang thiết bị trúng thầu đều có giá cao hơn rất nhiều so với giá cả thị trường. Để có căn cứ pháp lý so sánh, phóng viên so sánh Gói thầu Mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 của trường Tiểu học Bùi Văn Ngữ (Thành phố Hồ Chí Minh). Độc giả có thể truy cập gói thầu trên mạng đấu thầu quốc gia theo Thông báo mời thầu (TBMT) số 20210103946 và tham khảo nội dung về thiết bị.
Để trực quan hơn, phóng viên lập bảng dữ liệu so sánh giá trị trang thiết bị giữa hai gói thầu:
Chỉ tính riêng 5 hạng mục giá trị tương đối nhỏ, sau khi lập bảng so sánh với giá trúng thầu tại Trường Bùi Văn Ngữ, số tiền chênh lệch hơn 2,8 tỷ đồng. Những chủng loại hàng hóa này giá chênh lệch lên tới 300% – một con số quá khủng khiếp. Việc so sánh về giá bao gồm cả thông số kỹ thuật với chủng loại hàng hoá giống hệt nhau về quy cách, tiêu chuẩn.
Với hạng mục thiết bị điện tử (tivi, máy tính xách tay, bàn phím điện tử), số tiền thất thoát ước tính khoảng 7,4 tỷ đồng. Cụ thể:
Tivi Arirang AR-6501S giá thị trường 15.800.000 đồng. Hoặc có thể so sánh với Mua sắm trang thiết bị mầm non, tiểu học và trung học sơ sở của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tây Giang (Quảng Nam), mã tivi này trúng thầu với giá 27.700.000 đồng.
Tuy nhiên, Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum mua tới 39.800.000 đồng. Đắt gần gấp 3 lần giá thị trường. Với 249 chiếc ti vi (94 chiếc+155 chiếc, số thứ tự trong danh sách 18, 27) Arirang AR-6501S, ước tính nguồn ngân sách bị thiệt hại khoảng gần 6 tỷ đồng.
Máy tính xách tay Travelmate P215-53 rao bán trên mạng với giá 7 triệu đồng; |
Quyết định kết quả lựa chọn nhà thầu của Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum. |
Máy tính xách tay Travelmate P215-53 là thế hệ dùng chíp Core i3 11th, giá thị trường trên dưới 10 triệu đồng/bộ. Nhưng Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum mua đến 22.000.000 đồng. Với 94 bộ máy tính xách tay, Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum chi khoản tiền 2.068.000.000 đồng, cao hơn thị trường khoảng 1,1 tỷ đồng.
Keyboard (đàn phím điện tử) CT-X5000 xuất xứ từ Trung Quốc. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Bình Tân (tỉnh Vĩnh Long) tổ chức đấu thầu và mua với giá 12.000.000/bộ (Số TBMT 20200521918). Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum mua 16.200.000 đồng/bộ. 94 bộ đàn phím điện tử đã thất thoát nguồn vốn 394,8 triệu đồng.
Trên đây, phóng viên mới chỉ so sánh 8 loại hàng hóa thiết bị trong tổng số 27 danh mục của Gói thầu do Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum làm Chủ đầu tư, số tiền chênh lệch lên đến hơn 10 tỷ đồng. Như vậy, công tác lập dự toán, xây dựng đơn giá, thẩm định nhà thầu của Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum tiềm ẩn nhiều nguy cơ và gây ra thất thoát nguồn vốn công với số tiền rất lớn chỉ trong 1 gói thầu.
Trốn tránh trách nhiệm, né báo chí?
Để rộng đường dư luận, phóng viên đặt lịch làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum, tuy nhiên đã 1 tháng trôi qua, mặc dù nhiều lần liên lạc với bà Phạm Thị Trung và lãnh đạo Văn phòng Sở nhưng với lý do đang bận họp, đi công tác… nên chưa sắp lịch?!
Và chỉ sau đó ít ngày, phóng viên bất ngờ nhận được cuộc điện thoại (0905.433.89X) của đại diện Liên danh nhà thầu đề nghị xin gặp. Qua cuộc trao đổi liên quan đến Gói thầu (Quyết định số: 1694/QĐ-SGDĐT), với giá trúng thầu 25.813.050.000 đồng. Người đàn ông tự giới thiệu tên Tuấn – đại diện Liên danh nhà thầu SAO MAI-TBGD HÀ NỘI khẳng định, “giá đó chỉ là con số trong quyết định thôi, thực tế phải thương thảo xuống 1,6 tỷ đồng. Số tiền thực hiện hợp đồng là hơn 24 tỷ”?!
Nhằm mục tiêu minh bạch hóa công tác sử dụng nguồn đầu tư công, trợ giúp các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc điều hành. Đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum chỉ đạo ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm pháp luật tại Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum. Xử lý nghiêm các trường hợp cá nhân, tổ chức cố tình gây thất thoát nguồn ngân sách Nhà nước.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Nguồn: Báo xây dựng