Nâng cấp cửa khẩu, phát triển thương mại biên giới tại Bình Phước

(Xây dựng) – Với lợi thế đặc biệt về vị trí địa lý – kinh tế, có đường biên giới chung với Campuchia dài hơn 260 km, sở hữu 4 cửa khẩu và nhiều đường mòn, lối mở qua biên giới. Tỉnh Bình Phước đang đẩy mạnh phát triển thương mại biên giới để phát huy các dư địa vốn có.

Lợi thế đặc biệt về thương mại biên giới

Việt Nam và Campuchia có đường biên giới dài hơn 1.137 km với 10 tỉnh biên giới giáp với 9 tỉnh của Campuchia. Riêng tỉnh Bình Phước có đường biên giới chung với Campuchia dài hơn 260 km, nằm trên địa bàn các huyện Bù Đốp, Bù Gia Mập và huyện Lộc Ninh tiếp giáp với 3 tỉnh của nước bạn Campuchia gồm Mondulkiri, Kratié và Tabong Khmum.

Giữa tỉnh Bình Phước và Campuchia có 4 cửa khẩu, bao gồm: Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, cửa khẩu Lộc Thịnh (huyện Lộc Ninh), cửa khẩu quốc gia Hoàng Diệu và cửa khẩu phụ Tân Tiến (huyện Bù Đốp), cùng một số đường mòn, lối mở. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại song phương.

Nâng cấp cửa khẩu, phát triển thương mại biên giới tại Bình Phước
Cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư có lợi thế đặc biệt về vị trí địa lý – kinh tế.

Trong đó, Cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư có lợi thế đặc biệt về vị trí địa lý – kinh tế, cách thành phố Hồ Chí Minh 150 km, cách thủ đô Phnômpênh 300 km, nên rất thuận tiện cho việc thông thương hàng hóa và du lịch khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là cửa ngõ quan trọng về đường bộ và đường sắt ra quốc tế của tỉnh Bình Phước.

Bên cạnh đó, cặp cửa khẩu chính Hoàng Diệu – Lapakhê có chung đường biên giới thuộc địa phận 2 tỉnh của 2 nước cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông thương cũng như đẩy mạnh phát triển trên các lĩnh vực thương mại biên giới. Cặp cửa khẩu này còn đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại – du lịch, đặc biệt là mang đậm tình hữu nghị của nhân dân 2 nước Việt Nam – Campuchia.

Tỉnh cũng đã chú trọng nâng cấp xây dựng cửa khẩu với nhiều hạng mục như: trạm kiểm soát biên phòng, trạm kiểm soát liên hợp, bãi đậu xe, kho ngoại quan, văn phòng đại diện các doanh nghiệp trong và ngoài nước…

Nâng cấp cửa khẩu, phát triển thương mại biên giới tại Bình Phước
Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoàng Diệu.

Nhiều cơ hội phát triển thương mại biên giới

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí cách không xa Thành phố Hồ Chí Minh – trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, đồng thời lại có cửa khẩu thông thương với Campuchia, Bình Phước có rất nhiều cơ hội để phát triển.

Nhằm đẩy mạnh phát triển thương mại biên giới, tỉnh Bình Phước đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Phát triển hệ thống thương mại, thương mại điện tử và thương mại biên giới tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.

Theo đề án, tỉnh Bình Phước sẽ triển khai nâng cấp cửa khẩu phụ Tân Tiến – Bù Đốp lên thành cửa khẩu chính, cửa khẩu Hoàng Diệu lên thành cửa khẩu quốc tế; thành lập cửa khẩu phụ Ô Huýt (Đắk Ơ) – Bù Gia Mập, địa điểm X16 thành cửa khẩu chính Lộc Tấn; xây dựng hạ tầng 3 cửa khẩu Hoàng Diệu, Tân Tiến, Lộc Thịnh; phát triển kết cấu hạ tầng tại khu vực biên giới gồm: cầu, đường, kho bãi, cảng cạn, trung tâm logistics…

Ngoài ra, thu hút các nguồn vốn cho phát triển kết cấu hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư, chợ đường biên; Khu Thương mại – Dịch vụ – Công nghiệp cửa khẩu Hoàng Diệu, Lộc Thịnh và Tân Thành….

Nâng cấp cửa khẩu, phát triển thương mại biên giới tại Bình Phước
Một phiên mua bán tại chợ Tân Thành (Bù Đốp).

Tỉnh Bình Phước cũng đã điều chỉnh loạt quy hoạch khu công nghiệp và cửa khẩu, theo đó, HĐND tỉnh Bình Phước đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-HĐND về việc thông qua điều chỉnh quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đối với quy hoạch các cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia, Bình phước đề xuất một số điều chỉnh như: Cửa khẩu Hoa Lư, hiện trạng đang là cửa khẩu đường bộ quốc tế, thời kỳ 2021 – 2030 đầu tư thành cửa khẩu đường bộ, đường sắt quốc tế.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích