Nâng cao nhận thức về quảng cáo thực phẩm, ghi nhãn dinh dưỡng và hoạt động đánh giá sự phù hợp
Hội thảo thu hút sự tham gia của khoảng 300 đại diện doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất, nhập khẩu, các nhà cung ứng/ bán lẻ sản phẩm thực thực phẩm,… và đại diện Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, với sự tham gia trình bày, chia sẻ thông tin, hướng dẫn áp dụng của Báo cáo viên đến từ Sở An toàn Thực phẩm TP.HCM, Trưởng/ Phụ trách các Phòng Nghiệp vụ, Phòng Thử nghiệm liên quan của QUATEST 3.
Đại diện đơn vị phối hợp tổ chức Hội thảo, bà Võ Thị Bích Thủy, Phó Giám đốc Quản lý Chất lượng của SaigonCo.op cho biết: Hội thảo là hoạt động truyền thống suốt 10 năm qua giữa QUATEST 3 và SaigonCo.op được duy trì tổ chức thường niên. Hội thảo là dịp rất tốt để các doanh nghiệp có cơ hội cập nhật thông tin và cùng trao đổi, chia sẻ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định của Thông tư 29/2023/TT-BYT về ghi nhãn dinh dưỡng, các quy định về quảng cáo thực phẩm cũng như hoạt động đánh giá sự phù hợp liên quan. Qua đó, giúp nâng cao nhận thức, áp dụng đúng quy định và nâng cao năng lực của doanh nghiệp/ nhà cung cấp đối với nhóm sản phẩm hàng hóa thuộc lĩnh vực thực phẩm.
Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Trưởng ban Quản lý chất lượng và Đánh giá sự phù hợp, Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia phát biểu khai mạc.
Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Trưởng ban Quản lý chất lượng và Đánh giá sự phù hợp, Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng thời cảm ơn Ban lãnh đạo SaigonCo.op đã nhanh chóng, kịp thời phối hợp với QUATEST 3 tổ chức Hội thảo “Giới thiệu các quy định về quảng cáo thực phẩm; nhãn dinh dưỡng theo Thông tư 29/2023/TT-BYT và các hoạt động đánh giá sự phù hợp liên quan”, nhằm kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp hiểu rõ, thực hiện đúng và đầy đủ quy định của Nhà nước liên quan.
Bà Hương nhấn mạnh, với năng lực hiện có của QUATEST 3 là đơn vị có nhiều thế mạnh trong lĩnh vực đánh giá sự phù hợp của Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, sẽ luôn đồng hành cùng SaigonCo.op và doanh nghiệp trong hoạt động đánh giá sự phù hợp lĩnh vực thực phẩm thời gian tới theo các quy định mới nêu trên. Ngoài ra, QUATEST 3 cũng mong muốn lắng nghe những ý kiến góp ý, các khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện áp dụng quy định dán nhãn dinh dưỡng và các vấn đề liên quan đến an toàn chất lượng sản phẩm, để từ đó ghi nhận và có những kiến nghị lên các cấp nhằm xem xét, sửa đổi, bổ sung nội dung chưa phù hợp.
Bà Võ Thị Bích Thủy, Phó Giám đốc Quản lý Chất lượng của SaigonCo.op.
Sau chia sẻ của Ban tổ chức QUATEST 3 và SaigonCo.op là nội dung chính của Hội thảo, các bài trình bày của báo cáo viên gồm: Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phòng cấp phép Sở An toàn Thực phẩm TP.HCM trình bày về Thông tư 29/2023/TT-BYT (Hướng dẫn nội dung, cách ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm). Theo đó, lộ trình thực hiện: Chậm nhất đến ngày 31/12/2025, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm để lưu thông tại Việt Nam thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư phải thực hiện việc ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng theo quy định tại Thông tư này; Từ ngày 01/01/2026, các tổ chức, cá nhân không được sản xuất, in ấn, nhập khẩu và sử dụng nhãn không đúng theo quy định tại Thông tư này.
Ông Hồ Quốc Khánh, Phòng hợp tác Quốc tế và Truyền thông, Sở An toàn Thực phẩm trình bày về Quy định liên quan đến quảng cáo thực phẩm. Ông Khánh nêu các Luật gồm: Luật An toàn thực phẩm; Luật Quảng cáo; Nghị định số 181/2013/NĐ-CP; Nghị định số 100/2014/NĐ-CP; Nghị định số 15/2018/NĐ-CP; Thông tư 10/2013/TT-BVHTTD.
Ông lưu ý các nhóm sản phẩm hàng hóa bị cấm quảng cáo như: Hàng hóa dịch vụ bị cấm kinh doanh; thuốc lá; rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên; thuốc kê đơn; sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dành cho bé dưới 6 tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo… Các hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo: QC những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quy định tại Điều 7 của Luật này; QC làm tiết lộ bí mật nhà nước, phương hại đến độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh, quốc phòng; QC thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam; QC làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội…
Các đại biểu tham dự phần thảo luận tại hội thảo.
Ông Nguyễn Ngọc Anh Toàn, Phụ trách Phòng Nghiệp vụ 3 của QUATEST 3 trình bày về xác định thành phần dinh dưỡng của sản phẩm. Theo ông Toàn có 3 cách xác định thành phẩn dinh dưỡng gồm: Kết quả thử nghiệm sản phẩm; Tính từ giá trị đã biết hoặc thử nghiệm thực tế của các thành phần được sử dụng; Tính từ dữ liệu đã được thiết lập. Bên cạnh đó, ông Toàn còn nêu chi tiết các phương pháp tính cụ thể để xác định thành phần dinh dưỡng.
Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó phòng Thử nghiệm Thực phẩm của QUATEST 3 trình bày về năng lực thử nghiệm phục vụ Thông tư 29/2023/TT-BYT của QUATEST 3. Theo đó, ngoài các năng lực thử nghiệm đối với thực phẩm nói chung và đối với Phụ gia thực phẩm (theo Thông tư 24/2019/TT-BYT quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm), QUATEST 3 thực hiện: Chất bảo quản (axit benzoic, axit sorbic, sulfite…); Chất điều vị (Monosodium L- glutamate…); Chất tạo ngọt (Aspartame, Saccharin, Acesulfam K, Cyclamate…); Màu hữu cơ (Tartrazine, Quinoline Yellow, Sunset Yellow FCF, Azorubine, Amaranth, Ponceau 4R, Erythrosine, Allura Red AC, Brilliant Blue FCF, Indigotine…).
Hội thảo nhận được sự quan tâm lớn, tích cực từ doanh nghiệp. Đại diện doanh nghiệp đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến dán nhãn hàng hóa trên sản phẩm làm quà tặng, quảng cáo dán trên xe ô tô di động, quy định về các thành phần dinh dưỡng của nhiều sản phẩm được gói chung vào trong một hộp/ bao bì… Nhiều câu hỏi đã được Ban tổ chức giải đáp thỏa đáng. Còn một số câu hỏi ngoài các quy định cơ bản, cần được làm rõ hơn, doanh nghiệp có thể gửi văn bản đến Sở An toàn Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh để được xem xét, nghiên cứu trả lời cụ thể.
PV