Nâng cao nhận thức về an toàn lao động tại làng nghề

Chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 km đi về hướng Tây Nam, làng nghề sản xuất mây tre đan thuộc thôn Phú Vinh được biết đến như một trong những làng nghề truyền thống có tiếng của Hà Nội. Theo người dân địa phương, nét đặc trưng truyền thống trong sản phẩm mây tre đan Phú Vinh là hình dáng tuy đơn giản, mộc mạc nhưng kỹ thuật sản xuất lại rất tinh xảo, đòi hỏi sự công phu của những đôi bàn tay tài hoa, khéo léo.

Ghé thăm cơ sở sản xuất mây tre đan Thực Cảng (thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa) chúng tôi càng thấy rõ hơn sự đa dạng về kiểu dáng, mẫu mã của các sản phẩm mây tre đan. Bằng những kinh nghiệm đúc rút qua hàng chục năm, những người thợ thủ công đã “biến hóa” những sợi mây, nan tre thành những sản phẩm vô cùng đẹp mắt.

Nâng cao nhận thức về an toàn lao động tại làng nghề
Người dân làng nghề truyền thống mây tre đan Phú Vinh nâng cao nhận thức đảm bảo an toàn lao động khi làm việc. (Ảnh: Lương Hằng)

Hiện tại, cơ sở sản xuất Thực Cảng đang sản xuất các đồ gia dụng và hàng túi xách thời trang. Mặt hàng đồ gia dụng của gia đình được tiêu thụ chủ yếu ở trong nước, mặt hàng túi xách thời trang được xuất khẩu sang nước ngoài. Ban đầu, địa điểm sản xuất của cơ sở sản xuất Thực Cảng là tại nhà nên khá chật hẹp, sau này do nhu cầu mở rộng thị trường, vợ chồng anh chị đã mở thêm 2 cơ sở sản xuất, mang lại công ăn việc làm cho gần 30 lao động địa phương.

Song hành với việc sáng tạo ra những sản phẩm mây tre đan có tính ứng dụng cao, công tác đảm bảo an toàn lao động tại cơ sở sản xuất cũng được gia đình chú trọng. Chia sẻ với chúng tôi, chị Cảng cho biết, những năm qua, xưởng hầu như không xảy ra tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng.

Đặc thù của nghề mây tre đan làm hoàn toàn bằng thủ công, người lao động phải tiếp xúc với những vật sắc nhọn hằng ngày nên không thể tránh được tai nạn như đứt chân, đứt tay. Để hạn chế những tai nạn đáng tiếc xảy ra, chị Cảng thường xuyên nhắc nhở công nhân phải cẩn thận trong quá trình làm việc, với những dụng cụ sắc nhọn, chị quán triệt công nhân khi sử dụng xong phải cất đúng nơi quy định để không xảy ra những trường hợp tai nạn đáng tiếc.

Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, xưởng sản xuất của vợ chồng anh chị Thực Cảng phát triển thêm một số sản phẩm, do đó xưởng trang bị thêm súng bắn đinh. Khi đưa máy móc vào sản xuất, vợ chồng anh chị đã có những hướng dẫn cụ thể cho người lao động về cách sử dụng máy và chỉ những người được hướng dẫn mới được sử dụng loại máy này.

Bên cạnh công tác đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất nhỏ lẻ cũng chủ động hơn trong công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Theo đó, nguồn nguyên liệu tạo nên các sản phẩm mây tre đan đều là những sản phẩm dễ cháy, bởi vậy, chủ các doanh nghiệp cũng rất thận trọng trong vấn đề này. Hiện tại, phần lớn các doanh nghiệp tại làng nghề đã trang bị bình cứu hỏa và được địa phương trang bị thêm một số kiến thức phòng cháy chữa cháy cơ bản.

Gia đình anh Hàn Anh Tú (thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa) đã có hơn 10 năm gắn bó với nghề mây tre đan, trước đây, cơ sở sản xuất còn nhỏ lẻ nên công tác phòng cháy dường như chưa được quan tâm. Tuy nhiên, khi bắt đầu mở rộng sản xuất và thuê thêm nhiều công nhân, gia đình anh đã chủ động trang bị bình cứu hỏa cho xưởng sản xuất.

Bình cứu hỏa được đặt ở vị trí dễ nhìn, cùng đó, anh cũng hướng dẫn cho người lao động cách sử dụng bình cứu hỏa để có thể sử dụng nếu không may xảy ra hỏa hoạn. Đáng chú ý, để hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy nổ, anh Tú cũng phân chia các khu sản xuất thành các khu riêng biệt, những nơi có nguy cơ cao về cháy nổ được đặc biệt chú ý.

Cần siết chặt quản lý và nâng cao nhận thức về an toàn lao động

Hiện tại, các hộ sản xuất tại thôn Phú Vinh đã chủ động hơn trong việc đảm bảo an toàn lao động, tuy nhiên thực tế cho thấy, vẫn tồn tại sự chủ quan trong công tác đảm bảo an toàn lao động tại làng nghề. Chia sẻ về tình hình an toàn lao động tại làng nghề mây tre đan Phú Vinh, ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch Hiệp hội mây tre Chương Mỹ cho biết, cách đây một vài năm đã có những doanh nghiệp xảy ra cháy nổ do chủ quan, không cẩn thận trong quá trình sản xuất.Cùng đó, tình trạng mất an toàn lao động như đứt chân, đứt tay.

Nâng cao nhận thức về an toàn lao động tại làng nghề
Người lao động phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn do sử dụng các vật dụng sắc nhọn hằng ngày.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do người lao động phải dùng đến dao, dùi, cưa, máy mài, máy cắt hằng ngày nên không tránh khỏi những lúc sơ ý. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động trong lĩnh vực này là vấn đề khó khăn với các doanh nghiệp cũng như các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ bởi tình trạng trên hay đột biến và phụ thuộc phần lớn vào năng lực của lao động.

Theo ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch Hiệp hội mây tre Chương Mỹ, hiện nay, phần lớn người dân làng nghề truyền thống Phú Vinh đã nâng cao hiểu biết về an toàn lao động. Tuy nhiên, để các cá nhân, hộ sản xuất, doanh nghiệp nghiêm túc chấp hành quy định về an toàn lao động, Nhà nước nên có các biện pháp xử lý với các doanh nghiệp vi phạm an toàn lao động như: Không cho xuất khẩu, không cho tổ chức sản xuất. Trong trường hợp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nghiêm túc chấp hành quy định trên, Nhà nước cần giúp đỡ họ bằng cách tạo điều kiện cho họ tham gia các khóa học, các khóa đào tạo về an toàn lao động để họ thấy được giá trị của việc đảm bảo an toàn lao động tại mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Trung, hiện nay, việc phòng cháy chữa cháy tại các doanh nghiệp nhỏ có phần chủ động hơn so với trước. Các cơ quan phòng cháy chữa cháy đã tới từng doanh nghiệp để tư vấn, tạo điều kiện giúp đỡ doanh nghiệp đảm bảo về an toàn phòng cháy chữa cháy. Thế nhưng, những buổi tư vấn không có nhiều, do đó, các chủ cơ sở sản xuất và người lao động vẫn chưa có nhiều cơ hội để mở rộng hiểu biết và xử lý các vấn đề về an toàn lao động khi xảy ra bất ngờ.

“Các doanh nghiệp tại Phú Vinh phần lớn là doanh nghiệp nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ nên cần được tập huấn, tư vấn và giúp đỡ. Có những doanh nghiệp trẻ mới xây dựng chưa hiểu hết được vai trò của việc đảm bảo an toàn lao động nên còn chủ quan, lơi là, do vậy rất cần những chương trình đào tạo, tập huấn của Thành phố cũng như của huyện để các doanh nghiệp nắm bắt được kỹ thuật cần thiết để phục vụ công tác an toàn lao động tại đơn vị mình” – ông Trung cho hay.

Với cương vị là Chủ tịch Hiệp hội mây tre Chương Mỹ, cá nhân ông Trung đã đặt ra nhiều vấn đề về tình trạng an toàn lao động, thế nhưng nhiều doanh nghiệp cũng lực bất tòng tâm vì doanh nghiệp còn “non”, chưa đầu tư đúng mức theo kỹ thuật của quy trình bán công nghiệp. Ông Trung cũng khẳng định nguyên nhân trên xuất phát từ vấn đề của các doanh nghiệp chứ không phải tại Nhà nước, tuy nhiên để doanh nghiệp nghiêm túc chấp hành thì phải có chủ trương từ Thành phố, từ đó siết chặt quản lý, yêu cầu các doanh nghiệp phải chấp hành nghiêm các quy định về an toàn lao động./.

Lương Hằng

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích