Nâng cao năng suất trong thương mại điện tử: Từ góc độ cải tiến vật liệu khâu đóng gói
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, chúng ta cần một loại vật liệu đóng gói không chỉ thân thiện với môi trường mà còn không gây ra vấn đề gì đối với “giao hàng chặng cuối” đây là trở ngại lớn nhất đối với việc mở rộng phát triển thương mại điện tử hiện nay.
Hiện nay, việc mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến, kéo theo đó là tốc độ sản xuất và sử dụng bao bì khi đóng gói hàng thương mại điện tử, hai lĩnh vực trên có quy mô tăng đều đặn trong những năm gần đây, kèm theo tác động môi trường ngày càng lớn.
Khâu đóng gói được coi là quan trọng và đẩy nhanh quá trình giao hàng trong thương mại điện tử.
Về lịch sử bao bì, từ cuối thế kỷ 19, các nhà thiết kế đã coi giai đoạn từ năm 1880 đến năm 1900 là thời kỳ khởi đầu của bao bì hiện đại. Giai đoạn này đã mang đến những khái niệm mới như tiếp thị đại chúng và sản xuất hàng loạt, diễn ra song song với việc mở các siêu thị đầu tiên với mức giá thấp và khối lượng lớn đi kèm, cũng như với khái niệm quảng cáo chiến lược trong cùng một bao bì.
Cuộc cách mạng này đã thay đổi thói quen tiêu dùng, thúc đẩy cách thức mới để cơ giới hóa sản xuất, tạo điều kiện cho sự phát triển của các siêu thị, thậm chí mang lại lợi ích kinh tế cho các nhà sản xuất bao bì và người tiêu dùng. Các vật liệu đóng gói được sử dụng rộng rãi trong giai đoạn 1880 – 1900 là bìa cứng gấp, thiếc và thủy tinh, việc cơ giới hóa đã cho phép sản xuất số lượng lớn bao bì.
Những lợi thế mà hộp bìa cứng mang lại cho khách hàng đã dần dần làm tăng thị phần của nhiều ngành công nghiệp. Trên thực tế, các bằng sáng chế về 800 loại hộp khác nhau đã được đăng ký trong giai đoạn đầu này.
Sự khan hiếm vật liệu trong Thế chiến thứ hai (1939 – 1945) đã dẫn đến việc chúng được ưu tiên sử dụng để làm các sản phẩm liên quan đến chiến tranh. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt tài nguyên. Các bao bì khi đó chủ yếu được làm từ thép (thùng chứa hàng vận chuyển), thiếc (lon), thủy tinh (chai), giấy (thùng chứa), giấy kraft (túi), vải (túi) hoặc gỗ (hộp). Vào thời điểm thiếu hụt đó, mọi người thích trả thêm một ít chi phí cho các sản phẩm được đựng trong các đồ chứa tái sử dụng, chất lượng cao như chai thủy tinh.
Những năm 1950 chứng kiến sự bùng nổ trong tiếp thị và truyền thông thông qua bao bì; tuy nhiên, chúng cũng bắt đầu một thời đại của vấn đề liên quan đến xử lý rác thải khi vòng đời sản phẩm ngắn hơn (còn gọi là “lỗi thời có kế hoạch”). Khi đó, bao bì gần như quan trọng hơn cả sản phẩm đến mức nó được gọi là “người bán hàng thầm lặng”. Một kỷ nguyên mới của dịch vụ tự phục vụ tại các siêu thị sau đó đã bắt đầu, cho phép người tiêu dùng mua bán sản phẩm nhanh hơn và không phải chờ đợi để được phục vụ. Vào thời điểm đó, điều quan trọng nhất là thấu hiểu được nhu cầu của người tiêu dùng và áp dụng các kỹ thuật tiếp thị hỗn hợp như nghiên cứu thị trường, tiếp thị và quảng cáo để đáp ứng nhu cầu đó.
Cho đến những năm 1960, vật liệu đóng gói về cơ bản vẫn không thay đổi vì các phòng tiếp thị và nhà thiết kế tập trung vào hình dạng, màu sắc và kích thước để đảm bảo sản phẩm được nhìn thấy tối ưu trên kệ hàng. Louis Cheskin, một chuyên gia tiếp thị và nhà tâm lý học sáng tạo đã đưa ra khái niệm “chuyển giao cảm giác” và đưa ra bằng chứng thực nghiệm về nhu cầu khơi dậy cảm xúc của mọi người thông qua tính thẩm mỹ của thiết kế bao bì, rằng bao bì không nên tập trung vào các giá trị thẩm mỹ như hình dạng, kích thước, màu sắc hoặc đồ họa để thu hút sự chú ý của khách hàng, mà thay vào đó là gán giá trị của sản phẩm vào bao bì của chúng.
Những năm 1960, 1970 được coi là thời kỳ hoàng kim cho tiến bộ trong công nghệ và du hành vũ trụ. Những tiến bộ bao gồm sản xuất các vật liệu mới như nhựa chống nước, nhôm và chất kết dính để đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp bao bì. Mặc dù các loại nhựa đầu tiên (ví dụ như celluloid của John Wesley Hyatt) được phát hiện vào thế kỷ 19, nhưng chúng không được sử dụng để đóng gói cho đến những năm 1960 và 1970 vì tính dễ cháy cao và tuổi thọ ngắn. Vào thời điểm đó, nhựa là vật liệu chính cho tất cả các loại bao bì vì nó dễ uốn thành nhiều hình dạng khác nhau, bền, hợp vệ sinh, linh hoạt và không đắt. Polyethylene và polyethylene terephthalate (PET) là những vật liệu được sử dụng rộng rãi nhất trong chai nước và túi nhựa. Bên cạnh đó, thuật ngữ “công nghệ nano” được nhà khoa học người Nhật Norio Taniguchi đặt ra tại một hội nghị của Hiệp hội Kỹ thuật chính xác Nhật Bản năm 1974. Công nghệ nano kết hợp các đặc tính vật lý, hóa học và sinh học của vật liệu ở quy mô rất nhỏ.
Tính bền vững trong thương mại điện tử có thể đạt được bằng cách ưu tiên sử dụng vật liệu giấy và bìa cứng để đóng gói.
Khái niệm về tính bền vững xuất hiện vào năm 1980. Để con người có thể tiếp tục tận hưởng thiên nhiên, chúng ta cần ý thức rằng lượng tài nguyên hóa thạch có sẵn để sản xuất vật liệu là có hạn và khí thải nhà kính (GHG) từ giao thông vận tải và các hoạt động khác của con người cũng có những tác động tiêu cực.
Năm 1997, Pira International đã đưa ra các quy tắc mới về bao bì trong thế kỷ 21. Trước đó, Chỉ thị của EU về Bao bì và Chất thải Bao bì (94/62/EU) đã nêu một số bước để kiểm soát chất thải bao bì và thúc đẩy khái niệm tái chế. Mục tiêu là thu hồi 50-65% tổng lượng rác thải bao bì và tái chế 25-45% tổng lượng bao bì vào năm 2001. Chỉ thị này đã được sửa đổi vào năm 2008 để bổ sung “các mục tiêu tái chế và thu hồi mới cần đạt được vào năm 2020: 50% tái sử dụng và tái chế một số vật liệu thải từ hộ gia đình và các nguồn gốc khác tương tự như hộ gia đình và 70% tái sử dụng, tái chế và thu hồi khác từ chất thải xây dựng và phá dỡ”.
Dựa trên một cuộc khảo sát do Cone Communications thực hiện vào năm 2014, 77% người tiêu dùng có ý thức hơn về môi trường và có hành động lựa chọn tốt hơn khi mua sắm tại các siêu thị. Trên thực tế, nhiều người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm 10% so với giá thông thường cho một hộp đựng có thể tái sử dụng. Mặt khác, những khách hàng mua hàng trực tuyến không nhận thức được nhu cầu về tính bền vững; thay vào đó, họ ưu tiên các yếu tố khác hấp dẫn hơn như giá cả, khối lượng và thời gian giao hàng. Ủy ban Châu Âu năm 2015 đã sửa đổi lại luật theo khái niệm “Gói kinh tế tuần hoàn” và đưa ra các đề xuất mới mà tất cả các quốc gia thành viên của Ủy ban Châu Âu phải thông qua vào năm 2030, cụ thể là: ít nhất 65% chất thải đô thị và 75% chất thải bao bì phải được tái chế và khối lượng bãi chôn lấp đô thị phải giảm ít nhất 10%.
Ngành công nghiệp bao bì cần nghiên cứu và sản xuất các vật liệu mới nổi thay thế cho vật liệu nhựa và vật liệu từ hóa thạch. Protein từ lúa mì, đậu nành, sữa và ngô được sử dụng để cải thiện các đặc tính quang học và cơ học, trong khi polysaccharides như dẫn xuất cellulose, tinh bột, chitin, pectin và alginate có mục đích cải thiện rào cản khí và các đặc tính cơ học. Các vật liệu lipid như glycerol, sáp và nhựa được thêm vào vật liệu composite hoạt động như màng bảo vệ độ ẩm. Ví dụ, Ooho của Notpla là một vật liệu từ rong biển được sử dụng làm bong bóng nước ăn được nhằm thay thế chai nhựa. Kombucha, thu được bằng cách lên men đường trà, là một vật liệu ăn được thay thế khác, vì không tạo ra chất thải, công ty sinh học Make GrowLab đã coi nó rất hữu ích cho việc đóng gói.
Tính bền vững trong thương mại điện tử có thể đạt được bằng cách ưu tiên sử dụng vật liệu giấy và bìa cứng để đóng gói. Chúng ta cần một loại vật liệu đóng gói không chỉ thân thiện với môi trường mà còn không gây ra vấn đề gì đối với “giao hàng chặng cuối” đây là trở ngại lớn nhất đối với việc mở rộng phát triển thương mại điện tử hiện nay. Các công ty đang gặp khó khăn để giao các gói hàng nhẹ một cách nhanh nhất có thể khi đối mặt nhiều rủi ro.
Ví dụ, IKEA tính giá cao cho dịch vụ giao hàng tận nhà đối với các sản phẩm của mình, nhưng quyết định trả tiền là của khách hàng. Mặt khác, để giữ chân khách hàng, siêu thị trực tuyến Ulabox đã không tính phí giao chặng cuối mặc dù điều này rõ ràng làm giảm doanh thu của công ty.
Một số nghiên cứu đã xem xét các giải pháp tiềm năng cho vấn đề giao hàng chặng cuối. Các giải pháp như vậy bao gồm các trạm bưu kiện tự động (automated parcel stations) dựa trên tủ đựng đồ, các điểm nhận hàng (pick-up points) và máy bưu kiện được phân bổ ở nhiều khu vực khác nhau để khách hàng đến lấy hàng đã mua, ví dụ như Amazon và Google đang sử dụng giải pháp tủ đựng đồ bưu kiện.
Nhìn chung, ngành công nghiệp bao bì đã phát triển đáng kể do làn sóng sản xuất vật liệu mới cho đến những năm 1990. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, sự phát triển này đã chậm lại do nhu cầu về giải pháp giảm chi phí và ảnh hưởng đến môi trường. Việc giải quyết tình trạng này đặt ra vấn đề cần phải xây dựng các mô hình phát triển mới.
Bao bì làm từ vật liệu không tái tạo như nhựa vẫn tiếp tục được sử dụng rộng rãi vì nó có thể tái chế, dù sao cũng nên tránh phụ thuộc quá nhiều vào các nguồn này. Có thể nói, việc sử dụng bao bì cần được đầu tư nghiên cứu để cho ra các giải pháp hiệu quả và bền vững hơn.
Hoàng Dương