Nâng cao năng suất lao động tạo động lực phát triển kinh tế
Vấn đề “sống còn” với quốc gia
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tăng năng suất lao động là vấn đề “sống còn” đối với những quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tăng năng suất lao động giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và từ đó tạo động lực để phát triển kinh tế.
Cụ thể, nền kinh tế có năng suất lao động cao nghĩa là nền kinh tế đó có thể sản xuất ra nhiều hàng hóa hoặc dịch vụ hơn với cùng một lượng nguyên liệu/ yếu tố đầu vào, hoặc sản xuất ra số lượng hàng hóa hoặc dịch vụ tương đương với lượng nguyên liệu/yếu tố đầu vào ít hơn. Từ đó, đời sống của người dân được nâng cao, góp phần thúc đẩy và phát triển xã hội.
Tăng năng suất lao động giúp doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận lớn hơn và thêm cơ hội đầu tư để mở rộng sản xuất. Ảnh minh họa.
Với doanh nghiệp, tăng năng suất lao động tạo ra lợi nhuận lớn hơn và thêm cơ hội đầu tư để mở rộng sản xuất. Với người lao động, việc tăng năng suất lao động dẫn tới lương cao hơn và điều kiện làm việc tốt hơn. Về lâu dài, tăng năng suất lao động có ý nghĩa quan trọng đối với tạo việc làm cho người lao động.
Với Chính phủ, tăng năng suất lao động giúp tăng nguồn thu từ thuế, có điều kiện để tăng tích lũy, mở rộng phát triền sản xuất và nâng cao phúc lợi của nhân dân. Chiều ngược lại, việc tăng trưởng và phát triển kinh tế cũng sẽ tạo ra những yếu tố để thúc đẩy tăng năng suất lao động. Đó là, việc phân bổ lại các nguồn lực, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung vào những ngành có năng suất cao hơn, đổi mới công nghệ, máy móc, thiết bị từ đó năng suất lao động bình quân chung sẽ cao hơn, tăng nhanh hơn.
Nâng cao năng suất lao động đồng nghĩa với nâng cao chất lượng tăng trưởng, đồng nghĩa với phát triển nhanh, phát triển bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và đuổi kịp các quốc gia trong khu vực.
Đặt mục tiêu tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%/năm
Gần đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 1305 phê duyệt Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030. Mục tiêu tổng quát là đến năm 2030, năng suất lao động trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng nhanh, bền vững, tận dụng hiệu quả các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; trong đó, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy liên kết vùng; phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là các trụ cột chính.
Tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy doanh nghiệp phát triển là một trong những mục tiêu của Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030.
Mục tiêu cụ thể của Chương trình là tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 6,5%/năm, trong đó; tốc độ tăng năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,5 – 7,0%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 7,0 – 7,5%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân khu vực dịch vụ đạt 7,0 – 7,5%/năm.
Tốc độ tăng năng suất lao động của các vùng kinh tế trọng điểm và 05 thành phố trực thuộc trung ương cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động trung bình cả nước trong giai đoạn 2023 – 2030. Phấn đấu nằm trong nhóm 03 nước dẫn đầu ASEAN về tốc độ tăng năng suất lao động vào năm 2030.
Quyết định này cũng đưa ra 6 nhiệm vụ, giải pháp, bao gồm: Một là, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ, tri thức, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao để tạo nền tảng ổn định, bền vững cho tăng năng suất lao động.
Hai là, hoàn thiện khung khổ pháp luật, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cả bên trong và bên ngoài nhằm cải thiện năng suất lao động.
Ba là, thúc đẩy mạnh mẽ các sáng kiến tăng năng suất lao động. Bốn là, thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện chất lượng giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Năm là, phát triển mạnh mẽ nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Cuối cùng là thúc đẩy cơ cấu lại không gian kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành.
Hoàng Bách