Nâng cao năng suất lao động cạnh tranh với các nước trong khu vực

Ảnh minh họa.

Ngân hàng Thế giới – World Bank trong báo cáo mới đây cho biết, 30 năm qua, Việt Nam được đánh giá là ngôi sao kinh tế toàn cầu với tốc độ tăng GDP nhanh nhất thế giới. Từ 1990 đến 2021, GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng với tốc độ trung bình hàng năm 5,3%, nhanh hơn bất cứ nền kinh tế nào trong khu vực ngoại trừ Trung Quốc. Thành tích vượt trội này được thúc đẩy bởi 3 động cơ: tích lũy vốn nhanh; nguồn cung lao động dồi dào; tăng trưởng năng suất cao.

Tuy nhiên, World Bank cũng lưu ý, để duy trì kỳ tích kinh tế này, chiếc chìa khóa Việt Nam cần nắm chắc là tăng trưởng năng suất. Năng suất lao động của Việt Nam đã tăng 64% trong giai đoạn 2010-2020, nhanh hơn tất cả quốc gia cùng khu vực, chủ yếu nhờ sự cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và dòng vốn FDI lớn. Tuy nhiên, bất chấp sự tăng trưởng này, mức năng suất lao động vẫn thấp hơn nhiều các nước đồng cấp.

Theo ước tính của Tổ chức Năng suất châu Á (AFO), năng suất lao động của Việt Nam chỉ đạt mức 6,4 đô-la trên một giờ làm việc, chỉ bằng 2/3 Philippines, và không bằng 1/2 so với Thái Lan và 1/10 so với Singapore.

Năng suất lao động theo giờ của một vài quốc gia trong khu vực. Ảnh: WB

Phân tích về số liệu này, TS Vũ Hoàng Linh – công tác tại Chương trình liên kết Đại học Swinburne tại Việt Nam trực thuộc Đại học FPT cho biết, rất nhiều người trong chúng ta vẫn nghĩ là Việt Nam giàu hơn Philippines và cũng không thua kém Thái Lan bao nhiêu nên việc Việt Nam có năng suất lao động thấp như vậy dường như là một thông tin gây sốc. Có khá nhiều ý kiến nghi ngờ về mức độ đáng tin cậy của số liệu cũng như các nhận định rằng số liệu trên không phản ánh đúng năng lực người lao động, hay thậm chí coi nó là vô nghĩa vì “không có chuyện một người Singapore làm việc hiệu quả bằng mười người Việt Nam được” (trích một ý kiến tôi đọc được trên mạng).

Thế nhưng, thực tế là nhiều người đã không tìm hiểu kỹ khái niệm năng suất lao động (NSLĐ) là gì trước khi đưa ra ý kiến. NSLĐ hiểu một cách đơn giản là sản lượng (hoặc giá trị gia tăng) chia cho nhân tố đầu vào lao động, và đầu vào lao động thường được sử dụng trong các ước tính là số lượng người lao động hoặc số giờ lao động.

Khái niệm này có thể tính cho một doanh nghiệp, một ngành hay một quốc gia, tức là có thể được áp dụng trên cả phương diện vi mô và vĩ mô. Nhìn chung, hầu hết chúng ta đều hiểu các hàm ý của NSLĐ trong một doanh nghiệp hay một ngành, nhưng khi áp dụng NSLĐ ở quy mô quốc gia thì khái niệm này không hoàn toàn dễ hiểu. Khi đo lường ở phạm vi quốc gia thì NSLĐ sẽ được đo bằng GDP chia cho tổng số người làm việc trong lực lượng lao động (hoặc tổng số giờ làm việc trong nền kinh tế). Dễ thấy là do đó chỉ tiêu này có sự tương quan chặt chẽ với chỉ tiêu GDP trên đầu người.

Điều quan trọng cần hiểu là nội hàm của khái niệm này. Sự khác biệt về năng suất lao động giữa các quốc gia đã bao gồm những khác biệt giữa các quốc gia về mặt chất lượng lao động, độ thâm dụng của vốn (tức là tỷ lệ vốn trên lao động), cơ cấu nền kinh tế, cơ cấu dân số theo độ tuổi… Việc NSLĐ của Việt Nam thấp hơn nhiều so với Thái Lan và Singapore, không có nghĩa là một người lao động Việt Nam tạo ra số lượng sản phẩm thấp hơn nhiều so với người lao động làm một công việc tương tự ở Thái Lan hay Singapore. Nó chỉ có nghĩa là xét một cách trung bình, một người lao động Việt Nam trong 1 giờ làm việc, với điều kiện về vốn và mức độ đào tạo hiện có, sẽ tạo ra mức sản lượng (hay giá trị gia tăng) chỉ bằng 1/2 ở Thái Lan và bằng 1/10 ở Singapore.

Vậy sự khác biệt về NSLĐ như vậy là từ đâu? Hay nói cách khác, đâu là những yếu tố dẫn tới việc NSLĐ của Việt Nam thấp hơn đáng kể so với các nước trong khu vực? Theo TS Vũ Hoàng Linh có thể kể tên bốn nguyên nhân chính sau đây:

Thứ nhất và cũng là quan trọng nhất là sự khác biệt về tỷ lệ thâm dụng vốn trong nền kinh tế, tức là mức độ vốn trung bình mà một lao động sử dụng. Việt Nam có tỷ lệ vốn trên lao động thấp hơn nhiều so với các nước nói trên nên NSLĐ của người lao động Việt Nam cũng thấp hơn nhiều.

Thứ hai, là sự thua kém về chất lượng lao động, tức là về mặt đào tạo, kỹ năng.

Thứ ba là ở yếu tố đổi mới, sáng tạo: với hai quốc gia có cùng thâm dụng vốn và cùng đầu vào lao động, thì nước nào có đổi mới sáng tạo nhiều hơn sẽ tạo ra nhiều sản phẩm hơn tức là sẽ có NSLĐ cao hơn.

Thứ tư thì có thể coi là do cơ cấu nền kinh tế, chẳng hạn cơ cấu ngành của Việt Nam vẫn thiên về lao động kém kỹ năng và không cần nhiều vốn còn Singapore có cơ cấu ngành chủ yếu dựa trên lao động nhiều kỹ năng và sử dụng nhiều vốn.

Gia tăng NSLĐ là điều rất cần thiết, như là một động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và trở thành nước thu nhập cao. Nhận thức rõ điều này, vào tháng 11/2023, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 1305/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Quốc gia về Tăng năng suất lao động đến năm 2030. Mục tiêu cụ thể của Chương trình là thúc đẩy tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 6,5%/năm. Thế nhưng, nếu chỉ tập trung vào gia tăng năng suất lao động thì chưa đầy đủ.

Thực tế là với nhiều nhà kinh tế, chỉ tiêu NSLĐ là một chỉ tiêu không thực sự có tính thực thi cao và tự thân nó không phản ánh được quá nhiều điều, do có nhiều biến số ẩn ở bên trong nó, từ độ thâm dụng vốn, chất lượng lao động cho tới cơ cấu ngành nghề… Sự thay đổi của NSLĐ nhìn chung có ý nghĩa nhiều hơn khi được xem xét theo khung thời gian (của cùng một quốc gia) trong khi sự so sánh khác biệt về NSLĐ giữa các quốc gia thường không có nhiều ý nghĩa lắm.

Cùng là chỉ tiêu năng suất nhưng trong kinh tế học cả ở cấp vĩ mô và vi mô, các nhà kinh tế thường quan tâm nhiều hơn tới chỉ tiêu tăng trưởng năng suất nhân tố tổng hợp (total factor productivity trong tiếng Anh, viết tắt là TFP).

Hiểu một cách đơn giản thì tăng trưởng TFP là sự gia tăng năng suất từ các yếu tố không phải là vốn và lao động. Đây được coi là yếu tố quan trọng và có tác động lâu dài tới tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nói chung. Báo cáo nêu trên của Ngân hàng Thế giới cũng chỉ rõ việc Việt Nam có tốc độ tăng trưởng TFP chậm chạp trong các năm gần đây, với tăng trưởng TFP trung bình ở cấp độ doanh nghiệp chỉ đạt chưa đến 2% trong giai đoạn từ 2014 tới 2018, thấp hơn nhiều nước trong khu vực.

Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam nhìn chung chủ yếu vẫn dựa vào sự gia tăng về số lượng của các yếu tố đầu vào là vốn và lao động, trong khi tăng trưởng TFP chỉ đóng góp 1,5 điểm phần trăm trong giai đoạn 2015-2019.

Sự yếu kém trong gia tăng TFP ở các doanh nghiệp chính là nút thắt cho gia tăng năng suất ở Việt Nam. Ở cấp độ doanh nghiệp, điều này khiến Việt Nam không có nhiều các doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao trong các ngành có hàm lượng chất xám cao hay có mức độ liên kết chuỗi toàn cầu cao.

Có một hiện tượng phổ biến trong các doanh nghiệp Việt Nam mà nhiều nghiên cứu đã chỉ ra đó là sự thiếu vắng của các doanh nghiệp tư nhân có quy mô trung bình (hiện tượng mà trong tiếng Anh gọi là missing middle).

Ở cấp độ quốc gia, tốc độ tăng trưởng TFP thấp hoặc không ổn định có nghĩa là Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức trong tương lai nếu khả năng thu hút và tích lũy vốn bị chậm lại, trong khi sắp qua thời kỳ dân số vàng, với lượng lao động dồi dào.

Vậy làm thế nào để thúc đẩy tăng trưởng NSLĐ cũng như tăng trưởng TFP? TS Vũ Hoàng Linh đã nhấn mạnh vào 2 ý chính

Ý thứ nhất, và đây cũng là nội dung chính trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới, đó là thúc đẩy sự đóng góp của các doanh nghiệp khởi nghiệp có tính đổi mới sáng tạo. Sự gia tăng năng suất này có thể được tạo ra nhờ gia tăng hiệu quả các các doanh nghiệp thông qua áp dụng công nghệ mới, cũng như gia tăng sự tiếp cận tới thị trường và tài chính, tạo ra các cơ chế thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp có năng suất cao phát triển và di chuyển nguồn lực từ các doanh nghiệp và ngành nghề có năng suất thấp sang các doanh nghiệp và ngành nghề có năng suất cao.

Ý thứ hai, là thúc đẩy sự gia tăng chất lượng lao động, tăng cường đào tạo và đào tạo lại người lao động các kỹ năng mới, giúp họ có thể tham gia tích cực và chủ động vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Việc này sẽ đòi hỏi sự cộng tác chặt chẽ giữa các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu, cùng với sự cam kết và hành động đồng thuận từ các bên liên quan, nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh và lao động thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo và tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế Việt Nam.

Duy Trinh (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích